CTCP Đầu tư Nam Long (Mã; NLG) là một trong những phát triển tiên phong và thành công ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đa dạng từ loại hình trung bình đến cao cấp với ba dòng sản phẩm Ehome, Flora, Valora.
Tuy nhiên, hành trình phát triển của Nam Long cũng vấp phải những khó khăn chung của thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM.
Tại hội thảo "Thể chế pháp luật và môi trường kinh doanh đối với lĩnh vực bất động sản: Thực trạng - Vướng mắc và kiến nghị" được tổ chức sáng ngày 27/11, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long đã chia sẻ một số khó khăn điển hình trong quá trình hợp tác đầu tư với đối tác Nhật Bản.
"Khó khăn đầu tiên liên quan đến tiền sử dụng đất. Trên thế giới, khi có quyết định đầu tư phải có qui định về thu tiền sử dụng đất, còn ở Việt Nam ta không có.
Không phải chỉ lúc đóng tiền sử dụng đất mà ngay cả trường hợp chủ đầu tư muốn điều chỉnh dự án từ thấp tầng lên cao tầng cũng không biết được tiền sử dụng đất phải đóng thêm là bao nhiêu, điều này rất khó cho nhà đầu tư".
Khó khăn thứ hai mà Chủ tịch HĐQT Nam Long đề cập đến là các thủ tục đầu tư hiện tại.
Ông lấy ví dụ, có những thủ tục các cơ quan "khất theo tháng, sau đó khất theo năm, rồi khất đến 2 - 3 năm, khiến chúng tôi không thể nào kiểm soát được tiến độ dự án".
Riêng phân khúc nhà ở xã hội, ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng chính sách nhà ở xã hội ở Việt Nam rất hay nhưng không có các chính sách thực thi không cụ thể.
Theo chia sẻ của ông Quang, "năm 2017, Nam Long xây 12.000 căn nhà ở xã hội, năm 2018 doanh nghiệp xây được 2.000 căn nhưng đến năm 2019 và 2020, chúng tôi không làm được.
Cơ chế tính chi phí đầu tư, tính tiền đền bù, tiền giải phóng mặt bằng,… để chủ đầu tư có thể xác định giá bán bao nhiêu không ai duyệt, trong khi cứ bị thanh tra kiểm toán. Trong 5 năm qua, chúng tôi làm hết sức khó khăn bởi các văn bản cứ chồng chéo nhau.
Theo Chủ tịch HĐQT Nam Long, "thị trường bất động sản buộc phải có một 'nhạc trưởng', người có thể phụ trách ban chuyên trách liên vùng. Ban chuyên trách này vừa có chuyên môn, vừa có quyền lực để tháo gỡ khó khăn, ưu tiên vấn đề thể chế chính sách bởi một Sở hiện nay không thể làm được.
Tôi lên gặp Bộ Xây dựng thì Bộ Xây dựng nói sang Bộ Tài chính, Bộ Tài chính lại nói mang hồ sơ sang Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại chuyển sang Tổng cục Quản lí đất đai. Chu kì giải quyết cứ lòng vòng.
Ngoài ra, theo ông Quang, Việt Nam cần học hỏi thêm các mô hình quản lí ở những quốc gia tiên tiến khác trên thế giới và nên tổng hợp đánh giá hai vấn đề: Thất bại và thành công. Ông Quang ví dụ, cách đây khoảng 17 năm, Nhà Bè là một huyện nghèo nhưng hiện nay nằm trong top đầu về đóng góp ngân sách cho TP HCM.
Hay như nhìn vào hiệu quả của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, biết bao nhiêu ngôi nhà đã được xây dựng ở đây và cả khu Nam Sài Gòn.
"Ngược lại, Thủ Thiêm là ví dụ cho sự thất bại. Sau 20 năm, một đằng phát triển, còn một đằng tranh chấp triền miên, không biết đến bao giờ.
Để chuẩn bị cho giai đoạn 2030 - 2045, chúng ta phải rất quyết liệt để xây dựng chiến lược về chính sách", Chủ tịch HĐQT Nam Long kết luận.