Trong một báo cáo phân tích mới đây, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn JLL Việt Nam, đánh giá khu công nghiệp là phân khúc bất động sản có sức hút lớn nhất hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam không ngừng phát triển dần trở thành trung tâm công nghiệp của Đông Nam Á.
Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 và được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với bất động sản công nghiệp.
Gần đây nhất, Pegatron, đối tác sản xuất có trụ sở tại Đài Loan của các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Apple hay Sony công bố kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD để xây dựng một tổ hợp sản xuất tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ ở phía Bắc TP Hải Phòng.
"Mặc dù lệnh ngưng các chuyến bay quốc tế trong 8 tháng đầu năm ảnh hưởng nhất định đến giao dịch mới do các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến khảo sát dự án bất động sản, nhưng việc mở lại đường bay đến sáu quốc gia châu Á gần đây có thể giúp đẩy nhanh quá trình giao dịch.
Bên cạnh các nhà đầu tư công nghiệp hiện hữu nổi tiếng như BWI, Logos, Mapletree, Boustead,.. chúng tôi đã quan sát thấy một số nhà đầu tư trong nước và gần đây nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm đến phân khúc đầy tiềm năng này", đại diện JLL nhận định.
Ngoài ra, JLL cũng chỉ ra nhu cầu tìm kiếm các dự án phát triển công nghiệp với qui mô hàng trăm ha để phát triển một khu công nghiệp tổng thể từ các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm cơ hội có qui hoạch phù hợp và pháp lí sạch vẫn còn thách thức, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương.
Mặt khác, việc thực hiện các thương vụ vẫn là thách thức đối với các nhà đầu tư, bởi để tìm được quĩ đất lớn phù hợp để phát triển nhà kho và xưởng xây sẵn cho thuê tại vị trí chiến lược ngày càng khó khăn.
Đồng thời, việc tăng giá đất công nghiệp khi vẫn phải đảm bảo khoản đầu tư đạt lợi nhuận nhất định là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, chưa kể đến sự cạnh tranh ngày một tăng từ cả nhà đầu tư mới và hiện hữu.
Đối với phân khúc nhà ở, thống kê của JLL cho thấy, số lượng giao dịch M&A vào phân khúc nhà này có phần chậm lại trong năm nay, chủ yếu do tác động từ dịch COVID-19, quá trình rà soát các dự án bất động sản kéo dài nhiều năm và siết tín dụng vào bất động sản.
Với nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài được giải ngân mạnh trong thời gian gần đây, nhiều hoạt động bán hàng đã được triển khai. Một giao dịch được công bố gần đây là sự hợp tác giữa Swire Properties và đối tác trong nước cùng phát triển dự án cao cấp tại Thủ Thiêm.
"Một lần nữa, điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư trong khu vực vào sự hồi phục của thị trường Việt Nam sau tác động của dịch Covid-19", bà Khanh cho hay.
Về phân khúc văn phòng, mặc dù giá thuê ổn định và công suất thuê vẫn cao nhưng nhu cầu thuê mới và mở rộng diện tích văn phòng có phần chững lại.
Còn phân khúc bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề khi các trung tâm mua sắm đang gặp khó khăn để duy trì lượng khách hàng đến mua sắm, khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu trong thời kì suy thoái toàn cầu.
Theo bà Khanh, "nhu cầu mua tài sản đang hoạt động vẫn còn cao đối với các nhà đầu tư cốt lõi, có chiến lược nắm giữ tài sản dài hạn và rất am hiểu thị trường, cũng như cấu trúc giao dịch tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư giá trị gia tăng vẫn đang tích cực tìm kiếm các cơ hội ở những tài sản giảm giá đáng kể để tạo ra lợi suất cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn, các nhà đầu tư như vậy sẽ thận trọng hơn trong việc định giá tài sản, tăng kì vọng tỉ suất sinh lời và điều này thường dẫn đến chênh lệch giá kì vọng giữa người bán và người mua".
Tựu trung lại, JLL đấnh giá các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn trong việc rót vốn trong giai đoạn hiện nay. Việc mua bán và sáp nhập không phải là cách duy nhất để phát triển doanh nghiệp vì có nhiều lựa chọn thay thế để khai thác các nguồn vốn lớn hơn.
Lẽ tất nhiên, các doanh nghiệp cần đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch để có thể sẵn sàng tham gia vào thị trường vốn đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức.