Đẩy nhanh tiến độ thi hành án
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có số tiền thi hành án rất lớn ( ảnh: C.L). |
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa ban quyết định kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng (gọi tắt là Tổ xử lý nợ xấu). Theo đó, Tổ xử lý nợ xấu sẽ rà soát, tổng hợp danh sách các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; tập trung vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng có số việc, số tiền thi hành án lớn như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, SHB, DAB, Công ty Quản lý tài sản (VAMC),...
Trên cơ sở kế hoạch, Tổng cục Thi hành án dân sự đã yêu cầu Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ được giao và đề nghị Vụ Pháp chế, Thanh tra Giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp thực hiện, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên chủ động rà soát, lập danh sách các vụ việc liên quan đến thi hành án, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để phối hợp với các Cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết hoặc báo cáo hội sở đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo, giải quyết.
Đối với các vụ việc thi hành án tồn đọng như tài sản bán đấu giá đã giảm giá nhiều lần không có người mua, yêu cầu của người phải thi hành án về việc miễn, giảm lãi suất chậm thi hành án..., Tổng cục Thi hành án đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án tạo điều kiện thi hành án dứt điểm.
Mặt khác, Tổ xử lý nợ xấu sẽ chủ động hoặc phối hợp với đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, chỉ đạo giải quyết việc thi hành án tại một số địa phương. Qua kiểm tra nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi tiền cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng và hoàn thành chỉ tiêu thi hành án năm 2017. Dự kiến sẽ kiểm tra tại Đà Nẵng, Đăk Lăk, Cần Thơ, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Thanh Hóa.
Còn 52.280 tỷ đồng chưa thi hành án
Theo ông Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng Bộ Tư Pháp thì công tác thi hành các vụ án thu hồi tài sản cho nhà nước đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phối hợp của các Bộ, ngành trung ương; sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương; phối hợp giữa các cơ quan như VKSND, TAND, Công an...
Mặc dù đã rất cố gắng nhưng kết quả thi hành các vụ việc này còn rất thấp, nhất là những vụ việc thi hành liên quan đến án tham nhũng. Ngoài các tài sản đã bị kê biên trong quá trình tố tụng, hầu như người phải thi hành án không có tài sản nào khác để thi hành án; một số trường hợp, đương sự tẩu tán tài sản từ trước đó, một số vụ việc, số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản bảo đảm để thi hành án có giá trị rất nhỏ.
Tính đến năm 2016, trên toàn quốc, số việc còn tồn đọng chưa thi hành lên tới gần 15.200 việc, số tiền trên 52.280 tỷ đồng.
Một số địa phương có số tiền phải thi hành liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn như TPHCM (1.886 việc, trên 13.700 tỷ đồng), Hà Nội (2.097 việc, trên 8.100 tỷ đồng), Đồng Nai (659 việc, trên 1.550 tỷ đồng), Long An (807 việc, trên 1.800 tỷ đồng), Cần Thơ (737 việc, trên 1.160 tỷ đồng), Hải Phòng (321 việc, trên 2.400 tỷ đồng).
Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có 3.577 việc, tương ứng số tiền phải thi hành án gần 9.500 tỷ đồng. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) có tới 1.220 việc, tương ứng số tiền phải thi hành án trên 5.600 tỷ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) co 1.529 việc, tương ứng số tiền phải thi hành trên 3.960 tỷ đồng. Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có khoảng 973 việc, tương ứng số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 433 việc và tương ứng trên 4.360 tỷ đồng. Ngoài 5 ngân hàng nói trên, còn khoảng trên 60 tổ chức tín dụng, ngân hàng khác có số việc, số tiền phải thi hành án đang được các cơ quan thi hành án tổ chức thi hành.