Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 650 điểm, tương đương 2,3%, kết phiên ở 27.685 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 1,9% và 1,6%.
Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ ngày 3/9 trở lại đây và đã xóa sạch thành quả tăng điểm của chỉ số này từ đầu tháng 10. Trong phiên 26/10, có lúc Dow Jones mất tới 965 điểm, tương đương 3,4%. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 6/10 Dow Jones đóng cửa dưới mốc 28.000 điểm.
Thị trường diễn biến tiêu cực sau khi số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy trong 7 ngày qua, nước Mỹ ghi nhận thêm trung bình 68.767 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Trong đó hôm Chủ nhật (25/10) là hơn 60.000 ca, trong các ngày 23 và 24/10 là hơn 83.000 ca mỗi ngày. Kỉ lục trước đó là 77.300 ca/ngày vào khoảng giữa tháng 7.
CNBC dẫn lời ông Frank Rybinski - Giám đốc chiến lược vĩ mô tại công ty quản lí quĩ Aegon Asset Management nhận xét: "Tôi thấy đây là đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19 ở Mỹ. Chừng nào chúng ta chưa xóa sổ được virus thì chừng đó đại dịch sẽ còn như đám mây đen ám ảnh thị trường".
Tâm lí nhà đầu tư cũng chuyển biến xấu khi cuộc đàm phán gói giải cứu kinh tế mới giữa Đảng Cộng hòa, Nhà Trắng và Đảng Dân tiếp tục bế tắc. Hi vọng về một dự luật giải cứu trị giá nghìn tỉ USD trước ngày bầu cử 3/11 càng lúc càng mong manh.
Trả lời phỏng vấn CNBC, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết các cuộc thương lượng đang chậm lại nhưng vẫn tiếp tục diễn ra, không ngừng hẳn.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà và các nghị sĩ Đảng Dân chủ "đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm nhưng chính phủ Donald Trump không đồng tình. Việc Đảng Cộng hòa tiếp tục đầu hàng trước đại dịch - nhất là khi số ca nhiễm tăng mạnh gần đây - là hành vi phạm pháp công khai".
Bà Pelosi cũng nhấn mạnh rằng một thỏa thuận cần được thông qua "càng sớm càng tốt" nhưng khẳng định "chúng ta không thể chấp nhận việc chính quyền từ chối tiêu diệt virus, không tôn vinh những người hùng và không trợ cấp tiền cho người dân Mỹ".
Ông Julian Emanuel - chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới BTIG nhận định: "Thị trường nhiều khả năng sẽ đi xuống trong ngắn hạn do nhà đầu tư thất vọng khi không có gói cứu trợ, đại dịch tái bùng phát và cuộc bầu cử ngày càng trở nên bất định".
Cổ phiếu du thuyền Royal Caribbean sụt 9,7%, Norwegian Cruise Line mất 8,5%. Nhóm cổ phiếu hàng không cũng giảm sâu, Delta Air Lines giảm 6,1%, United và American Airlines mất lần lượt 7% và 6,4%.
CNBC dẫn lời ông Ryan Detrick - Giám đốc chiến lược thị trường tại LPL Financial nhận xét: "Cú đấm kép từ việc số ca nhiễm tăng mạnh và gói cứu trợ bế tắc là một lời nhắc nhở chúng ta về những mối lo lắng hiện nay của thị trường. Đa phần các số liệu kinh tế gần đây đều tích cực nhưng khi mà châu Âu dần dần phải đóng cửa trở lại về dịch bệnh, chúng ta phải hiểu rằng cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc".
Đây là tuần giao dịch cuối cùng của tháng 10, cũng là tuần cuối cùng trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11. Các chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh khó lường trong những ngày tới.