Chuyện ăn ở Vesak 2019

Vesak, được coi là mối duyên lành là tam hợp của ba sự kiện (kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Đắc đạo, Niết bàn) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận năm 1999. Năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước.
Chuyện ăn ở Vesak 2019 - Ảnh 1.

Một góc Trung tâm ẩm thực Tam Chúc.

Đại lễ Vesak 2019 do Giáo hội Phật giáo VN chủ trì, được Chính phủ bảo trợ, diễn ra từ 12 đến 14/5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 nước và 20.000 đại biểu trong nước cùng tham dự.

Thoáng nhanh một ý nghĩ ngồ ngộ, Vesak lần này ở Tam Chúc, cái sự ăn uống ẩm thực thế nào nhỉ?

Trung tâm báo chí Vesak Tam Chúc, một căn nhà dựng tạm nhưng khá khang trang đủ sức cho gần hai trăm phóng viên hành nghề. Đang lúi húi vô mạng, một thứ mùi quen quen bất thần dậy lên ngay cạnh. Ngó đồng hồ thì ra đã tầm ăn tối tự bao giờ.

Ghé sang thấy mấy cô cháu đồng nghiệp mỗi người đang lặng lẽ với cái đĩa trắng to bự. Trên đó tâm điểm là một bát con cơm trắng úp tròn xoe. Lèn quanh là mấy miếng gì như giò chả và rau…

Tất cả đều phưng phức nóng. Cô cháu khẽ khàng thông tin là nhà ăn Vesak phục vụ miễn phí muốn đến ăn hay bưng về đây cho tiện làm việc cũng được! Mà nên nhớ, tất tật các thức này đều là đồ chay!

Ghé trung tâm hậu cần ẩm thực (TTAT) rộng thênh gần  Trung tâm báo chí của Vesak Tam Chúc, tôi bất ngờ gặp lại Nguyễn Hồng Lâm. Năm năm trước tại chùa Bái Đính dịp Vesak 2014. Lâm là một yếu nhân  của TTAT Bái Đính.

Lâm và các đồng sự của mình đã vượt thoát bao nhiêu là sự khó khi ấy do điều kiện vật chất của Bái Đính còn khó khăn eo hẹp để lo việc ăn uống làm ấm lòng gần 4.000 đại biểu dự Vesak Bái Đính.

Lần này, có lẽ do được tin tưởng Lâm cũng lại là người được trao gửi trọng trách việc ăn uống cho Vesak Tam Chúc.

Hỏi thêm cũng biết loáng thoáng Nguyễn Hồng Lâm là  đệ tử của Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban kinh tế tài chánh T.Ư của giáo hội Phật giáo Việt Nam, người chịu trách nhiệm coi sóc lĩnh vực hậu cần ăn uống của Vesak lần này ở Tam Chúc.

Đành một nhẽ lãnh vực nào của đại lễ Vesak đều quan trọng cả nhưng nói như ông bà mình có thực mới vực được các thứ đạo kể cả đạo Phật nên cái sự ẩm thực cho hàng ngàn đại biểu tín đồ là một việc trọng lắm thay!

Dễ phải hơn 6.000m2 của TTAT của Vesak 2019. Lòng nhà được bài trí gọn gàng vuông vắn nơi dành cho tiệc buffet chỗ thì bàn ăn bao quanh một lúc phục vụ cho hơn 4 ngàn thực khách.

Để ý thấy các khoảng bài trí đều giống nhau không thấy có nơi dành riêng hay đặc biệt nào cả? Hình như đây cũng là một thông điệp tôn giáo là tất cả đều bình đẳng đều như nhau từ Tổng thống, Thủ tướng quan chức chính phủ, chức sắc tôn giáo… dự Vesak khi bước vào nhà ăn này? 

Tôi đang cố mường tượng ra cung cách thể thức chế biến mỗi bữa cho 6 buổi cả thảy là 216 món chay cho Vesak Tam Chúc! Món chay Bắc, Trung Nam đủ cả.

Ngoài ra còn 12-14 món mặn dùng cho phái Nam Tông. Nghe chuyện Lâm mặc dù chưa có duyên diện kiến nhưng quá thầm phục cho tài của các bậc chân tu, những Hòa thượng Trung Sơn, Thích Thanh Phong phụ trách hậu cần ẩm thực Vesak Tam Chúc này.

Cụ thể nữa là Tổng đạo diễn Phạm Hữu Lợi. Các ngài đã khéo tuyển lựa hơn 700 đầu bếp chuyên nấu món chay về hội… sư tại Tam Chúc này. Gọi là hội sư vì hơn 700 đầu bếp ấy là các nữ sư đã tu ở các chùa phía Nam và miền Trung.

Quy trình tuyển lựa các sư nữ về lo việc ẩm thực ở Tam Chúc như thế nào chưa được rõ. Nhờ có Lâm mách nhỏ, tôi loáng thoáng biết và mò tìm đến cơ sở chế biến cách Tam Chúc 5 cây số. Địa điểm đó thuộc thị trấn Ba Sao nơi tôi từng ghé mấy chục năm trước. 

Mặc dù nói khó cách nào chúng tôi cũng không được vào khu chế biến. Tiếp chuyện là một vị nữ thuộc Ban Tổ chức.

Qua vị này được biết thêm nguồn thực phẩm các loại bột gia vị nguyên liệu chế đồ chay được tập kết về đây nguồn có cả Bắc Trung Nam. Đã có sẵn barem cho từng món chay. Nấu chế sao đó các món đưa đến Tam Chúc cách 5 cây số phải còn hôi hổi nóng.

Trước đó tất cả các mẫu chay đều phải qua khâu kiểm nghiệm ngặt nghèo của bên an ninh, y tế để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn quy trình kiểm tra ra sao thì mời các nhà báo gặp thêm Thượng tọa Thích Thanh Huân Phó Văn phòng I Giáo Hội Phật giáo VN, người chuyên lo mảng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tôi gặp ở đây những chàng trai cô gái thiện nguyện đang học ở các trường ĐH phía Nam và cả thanh niên địa phương Hà Nam trong sắc phục màu tím lấp lánh dòng chữ vàng với nghĩa thiện nguyện trên lưng áo ngay tại TTAT chỗ Lâm.

Có hơn 300 tình nguyện viên như thế, tất nhiên đã qua khâu lựa chọn. Họ là những người trợ giúp đắc lực cho các đầu bếp sư nữ.

Gian cửa thông với bếp kia, tôi thoáng thấy những khuôn hình mảnh mai với dáng bước sải chân nhẹ nhàng.

Tất cả đều mang khẩu trang nhưng từ tấm khăn lúp màu trắng xanh kia như đang toát lên ánh nhìn dịu dàng, ấm áp?

Chay! Tôi nhấm nháp lâu hơn vị thịt quay mô phỏng món chay. Rồi một khẩu giò lụa… Thấy cũng xuôi xuôi, đường được như những lần mình được can dự.

Bồi hồi dậy lên cảm giác kính phục lẫn nể ngại với một yếu nhân từng khổ ải bao ngày đêm cất dựng nên chùa cùng quần thể tôn giáo Bái Đính và bây giờ đang tất tả ngày đêm với việc xây cất cơ ngơi Tam Chúc, ông chủ sự Nguyễn Văn Trường.

Ông Trường chuyên ăn chay trường. Đã đành các giáo trình sách vở nói nhiều đến ích lợi của việc ăn chay nhưng tôi đồ rằng cũng có cái gì khiếm khuyết?

Bằng cớ là những người gần gũi ông chủ sự nói lại là có dạo có lẽ do thiếu chất hay dinh dưỡng gì đó mà  Trường yếu đi trông thấy phải làm cái việc truyền dịch cấp nước! Vậy mà ông vẫn tuân thủ ngặt nghèo lịch trình cùng chế độ chay như thế.

Bất kỳ lúc nào gặp trên khuôn mặt xanh tái ấy cũng bừng sáng một nụi cười vui vẻ nếu không muốn nói là hài lòng và hạnh phúc?

Gẫm lại ông chủ sự Bái Đính, Tam Chúc tiếng tăm oai oách là thế nhưng ép xác như một thứ Bồ Tát này cái chất lượng sống phỏng được mấy ngày hào sảng nhỉ?

Nhất là cái niềm vui thế tục của sự ăn uống ấy? Nhưng biết làm sao? Thiên hạ ai ai cũng gắng để sướng mồm khoái khẩu như… mình thì còn chi để nói, để bàn? 

Chuyện ăn ở Vesak 2019 - Ảnh 2.

Chánh điện nơi diễn ra Vesak 2019. (Ảnh: P.V).

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.