Bài viết của chuyên gia kinh tế Bartholomeusz đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald của Australia, cho biết đại dịch Covid-19 sẽ gây ra vô số khó khăn cho các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Theo đó, các ngân hàng trung ương sẽ rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi phải cân bằng mức nợ không bền vững, tham vọng tăng trưởng kinh tế và rủi ro xảy ra bong bóng tài chính. Ba yếu tố này đều có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính khi thế giới vẫn đang còn rất "mong manh".
Trong đó, hạn chế cũng như thách thức lớn nhất đối với các chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình và các ngân hàng trung ương, chính là di sản liên quan đến nợ.
Trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, nhất là Mỹ, mức nợ vốn đã đạt đỉnh cao lịch sử từ trước khi dịch bệnh bùng phát.
Trước đại dịch, nợ toàn cầu đã vượt quá 360.000 tỉ USD, tương đương 320% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Con số này cao hơn khoảng 75.000 tỉ USD, hay 40% tổng GDP, so với mức ghi nhận được trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Đến khi dịch bệnh lan rộng ra ngoài Trung Quốc, quốc gia ghi nhận những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên thì mức nợ cũng cứ thế tăng theo và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Nợ công toàn cầu hiện ở con số cao kỉ lục từ trước đến nay, sau khi các chương trình tài khóa của các chính phủ được tung ra, bơm khoảng 11.000 tỉ USD tiền nợ, nâng tổng nợ vượt 100% tổng GDP thế giới.
Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đối với các nền kinh tế phát triển, nợ công dự kiến sẽ tăng gần 19% trong năm nay, chiếm khoảng 130% tổng GDP toàn cầu .
Ở Mỹ, khoản thâm hụt ngân sách liên bang đã "phình đại" từ mức dưới 1.000 tỉ USD năm tài khóa trước, lên 3.700 tỉ USD trong năm tài khóa hiện tại tính đến tháng 9, khả năng có thể cao hơn nếu chính phủ nước này tung thêm một gói hỗ trợ tài chính khác.
Năm 2019, nợ công của Mỹ ở mức 16.800 tỉ USD. Con số này nhanh chóng tăng vọt trong tháng trước, lên 20.300 tỉ USD, và dự báo sẽ chạm 26.500 tỉ USD vào tháng 7 khi các chính sách tài khóa ban đầu để ứng phó với đại dịch được triển khai.
Không chỉ nợ công tăng chóng mặt, nợ doanh nghiệp của Mỹ cũng không thoát khỏi số phận tương tự.
Báo cáo được nhà quản lí quĩ toàn cầu Janus Henderson công bố tuần qua cho thấy khoản vay của các công ty trên toàn thế giới đã tăng 8,1% vào tháng 1, lên mức kỉ lục 8.300 tỉ USD, đánh dấu tốc độ tăng nợ nhanh nhất trong vòng 5 năm trở lại.
Nhưng đó là thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Dự báo, con số này sẽ tăng thêm 12%, tương đương 1.000 tỉ USD trong năm 2020. Trong đó, gần một nửa số nợ mới sẽ thuộc về các công ty Mỹ.
Khởi đầu năm 2020, các công ty Mỹ ghi nhận khoản nợ gần 10 nghìn tỉ USD chiếm gần 5% GDP quốc gia này, khi được tài trợ khoản nợ lớn để mua lại và trả cổ tức sau quyết định cắt giảm thuế doanh nghiệp của chính quyền Trump.
Dự báo của chuyên gia Janus Henderson có lẽ cũng khá "cực đoan" khi cho rằng các công ty Mỹ đã vay gần 750 tỉ USD trong quí I/2020 và không giống như các công ty Australia đã huy động được hơn 30 tỉ AUD (20,4 tỉ USD) vốn chủ sở hữu trong năm nay, những doanh nghiệp này vẫn thích nợ hơn là bổ sung vốn chủ sở hữu .
Tại Mỹ đã có một làn sóng hạ mức xếp hạng tín dụng cùng số lượng các công ty lớn vỡ nợ gia tăng mạnh mẽ. Ông Bartholomeusz nhận định, khi nguồn hỗ trợ tài chính giảm sút, mức độ căng thẳng tài chính và khả năng thất bại của các công ty dự kiến sẽ tăng lên.
Đặc biệt là đối với phân khúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tình hình thậm chí còn trầm trọng hơn vì nhiều trong số này đã mất đi nguồn thu nhập chính do hệ quả của các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại lên hoạt động kinh doanh.
Theo Bartholomeusz, ngay cả khi được hoãn thanh toán hay tái cơ cấu nợ, thì "núi" nợ vẫn tiếp tục tăng. Chuyên gia này cho rằng, nhiều doanh nghiệp sẽ khó sống sót đến lúc đại dịch kết thúc.
Australia là một trong những quốc gia đối mặt với đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tỉ lệ nợ hộ gia trên thu nhập cao ngất ngưỡng, khoảng 200%. Thu nhập giảm, khoản trả lãi chậm và gia hạn nợ của các ngân hàng càng làm trầm trọng hóa mức độ căng thẳng tài chính của các hộ gia đình, ngay cả khi những họ chi tiêu thận trọng hơn.
Do đó, khi đại dịch gây ra một sự gia tăng lớn về con số thất nghiệp, khiến nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp bị mất thu nhập trong các nền kinh tế phát triển, thì di sản là một sự gia tăng khổng lồ mức nợ trong các nền kinh tế.
Vì vậy, sau một thập kỉ tăng trưởng thấp với khoản nợ tăng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đối với các chính phủ và ngân hàng trung ương, di sản này sẽ là rào cản ngăn họ đưa ra các chính sách trong tương lai.
Nợ liên quan tới đại dịch sẽ có thể được dự báo là tăng trưởng thấp nhất, ảnh hưởng đến chính nguồn thu của chính phủ, khi các chính phủ cố gắng kiểm soát ngân sách và các khoản vay không bền vững, hạn chế chi tiêu ít nhất là trong năm tới.
Đối với các ngân hàng trung ương, đại dịch rõ ràng đã "khóa chân" họ vào tình cảnh lãi suất cho vay từ âm đến cực thấp, khiến các cơ quan này phải tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính.
Theo Bartholomeusz, từ kinh nghiệm vượt cuộc khủng hoảng tài chính thập kỉ trước, chúng ta đều có thể hình dung hậu quả của dịch bệnh lên hệ thống tài chính.
Tỉ lệ lãi suất thực âm và nguồn tín dụng dồi dào sẽ khuyến khích các bên sử dụng đòn bẩy, buộc các nhà đầu tư chấp nhận tỉ lệ rủi ro ngày càng tăng. Hậu quả là, thúc đẩy bong bóng đầu cơ.
Từ đó, khởi nguồn một thời kì các chính sách mới lạ mà Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản từng theo đuổi trong suốt thời kì khủng hoảng tài chính 2008. Sự can thiệp này sẽ còn làm méo mó hơn nữa những thứ mà trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, từng được xem là bình thường trong các chính sách tiền tệ và thị trường tài chính.
Để đối phó với những thiệt hại lên các nền kinh tế thực, các ngân hàng trung ương có thể "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng tài chính khác, kết hợp giữa mức nợ không bền vững và bong bóng thị trường vốn, tại một thời điểm nào đó trong tương lai.
Cuối cùng, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz nhận định đại dịch Covid-19 sẽ qua đi nhưng di sản mà nó để lại sẽ còn hiện hữu dài lâu.
Ông cho rằng thời gian có thể từ một thập kỉ thậm chí âm ỉ đến một thế hệ, nhưng điều chắc chắn là di sản của nó sẽ không dễ dàng rời đi, khi đại dịch ập đến ngay khi cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa chưa dứt bóng.