Chuyện ít biết về cô nữ sinh Đồng Khánh - 'một hiện tượng kinh tế của nhiều thập niên trước'

Người phụ nữ từng được coi là “một hiện tượng kinh tế của nhiều thập niên trước”, là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Tổng Giám đốc đầu tiên và cũng là người sáng lập ra Công ty Việt Hà, là tác giả của nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng, một sản phẩm được mệnh danh là “con đẻ của thời kỳ đổi mới”.
gap go nguoi sang lap ra cong ty viet ha tac gia cua nhan hieu bia halida noi tieng 'Cha đẻ' cốc bia hơi Hà Nội huyền thoại: Chuyện 40 năm chưa kể
gap go nguoi sang lap ra cong ty viet ha tac gia cua nhan hieu bia halida noi tieng Bị phạt vì lên Facebook 'nói xấu' công ty bia: Lời cảnh báo cho dân mạng

Cô nữ sinh Đồng Khánh Trưng Vương xuất sắc năm nào giờ đã thành người phụ nữ ở tuổi xưa nay hiếm. Bà Nguyễn Thị Anh Nhân - người gắn liền với thương hiệu bia Halida đã đón tôi bằng một nụ cười hồn hậu và một vòng tay ấm áp giữa cái se lạnh của tiết thu Hà Nội.

Người phụ nữ từng được coi là “một hiện tượng kinh tế của nhiều thập niên trước”, là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Tổng Giám đốc đầu tiên và cũng là người sáng lập ra Công ty Việt Hà, là tác giả của nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng, một sản phẩm được mệnh danh là “con đẻ của thời kỳ đổi mới” ấy qua bao nhiêu tháng năm vẫn giữ được vẻ tinh anh của người làm khoa học, nét đa chiều của một nhà kinh tế, cùng cái hồn hậu, sâu sắc của người phụ nữ đã đi gần hết cuộc đời.

Lắng nghe, chia sẻ cùng bà để rồi cảm nhận thật chân tình những sâu lắng ẩn chứa bên trong người phụ nữ tài hoa của những thập niên 80-90.

gap go nguoi sang lap ra cong ty viet ha tac gia cua nhan hieu bia halida noi tieng
Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân luôn say mê đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất

Sau mỗi thành công luôn có hình bóng của người chồng

Nửa thế kỷ trôi qua nhưng khi nhắc lại thành công đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, bà vẫn không khỏi rưng rưng. Một nhà khoa học thời chiến tranh đã khổ thì một nữ khoa học còn vất vả hơn nhiều lần. Nhưng may mắn, trong mỗi bước đi của nữ kĩ sư trẻ ngày ấy luôn có sự dõi theo, âm thầm giúp sức của một người chồng hiểu và cảm thông với công việc của vợ.

Nói về người bạn đời của mình, bà vẫn không thể quên được sự kiện ngày bà bảo vệ tốt nghiệp Đại học Bách khoa cũng là ngày người chồng của bà - GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, trước là Chủ nhiệm Bộ môn Chế tạo máy đi phát giấy mời cưới, chỉ vì một lý do duy nhất, bà tiết lộ: “Anh Ngọc Anh nói phải cưới ngay vì nghỉ hè bạn anh về hết”.

Năm 1962 sau khi tốt nghiệp đại học Bách Khoa với tấm bằng loại ưu, cô sinh viên Anh Nhân đã về đầu quân cho Nhà máy Miến Bộ Công nghiệp nhẹ sản xuất miến với sản lượng hàng chục tấn/ngày theo công nghệ Trung Quốc.

Khi cuộc chiến tranh nổ ra ngày càng ác liệt thì nguồn nguyên liệu chính là đậu xanh để sản xuất miến của Nhà máy Miến bị cắt để dành cho bộ đội làm giá đỗ thay rau xanh phục vụ nơi chiến trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn nguyên liệu sản xuất miến của công ty cũng bị cắt.

Trước tình hình này, nữ kĩ sư trẻ đã ngược xuôi nghiên cứu, tìm hiểu mọi cách để mong tìm ra một nguồn nguyên liệu thay thế. Và chính lúc này, người bạn đời của bà là GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, vốn thành thạo bốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung đã giúp tìm kiếm những tài liệu liên quan đến những công trình nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới.

Và cuối cùng trời không phụ công sức của hai vợ chồng, bà đã thành công trong việc đưa nguyên liệu là các loại tinh bột khác (ngô, khoai, sắn,…) vào chế biến miến sợi, thay thế nguyên liệu đậu xanh trước đó. Với hiệu quả kinh tế đem lại, sáng kiến của bà đã được Vụ Kỹ thuật Bộ Công nghệ nhẹ khen thưởng.

Không dừng lại ở đó, kĩ sư trẻ Nguyễn Thị Anh Nhân ngoài làm trọn trọng trách của người vợ, người mẹ đã tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai nhưng cũng đầy thành tựu của bà. Trong những giai đoạn công việc căng thẳng, gian nan nhất, bà đã luôn có một bờ vai vững chãi để dựa vào mỗi khi mỏi mệt.

Sự nghiệp của bà chính thức bắt đầu từ ngày chuyển về công tác tại Xí nghiệp nước chấm. Từ Xí nghiệp này, hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn nhỏ lần lượt ra đời, đáng kể là bốn lần bà Nguyễn Thị Anh Nhân đã tìm được “đường sống” cho nhà máy trước nguy cơ phá sản cận kề.

Lần thứ nhất, do khu công nghiệp hóa chất Việt Trì bị đánh phá, bà đã nghiên cứu chuyển phương pháp sản xuất nước chấm theo phương pháp hóa học sang phương pháp vi sinh. Xí nghiệp lại sản xuất bình thường.

Lần thứ hai, do Trung Quốc cắt viện trợ đậu tương (1979) – là nguyên liệu chính để sản xuất nước chấm, Nhà máy lại ngừng sản xuất, bà đã nghiên cứu dùng hạt bo bo do Liên Xô viện trợ thay thế đậu tương. Phẩm chất nước chấm tốt hơn do cấu tạo hạt bo bo, nhân dân không phải ăn bo bo. Và lần này nhà máy lại sản xuất bình thường.

gap go nguoi sang lap ra cong ty viet ha tac gia cua nhan hieu bia halida noi tieng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân - Nguyễn Ngọc Anh

Lần thứ ba, khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, nước chấm cung cấp theo tem phiếu cho nhân dân không còn, nhân dân chuyển sang ăn nước mắm, nhà máy lại phải ngừng sản xuất. Bà đã nghiên cứu nước chấm tổng hợp, pha trộn giữa vi sinh và hóa giải, được thị trường chấp nhận.

Sau khi chiếm được thị trường trong nước bà đã mang sản phẩm nước chấm vi sinh chào hàng ở Liên Xô. Ngày 15/9/1987, Bộ Y tế Liên Xô chấp nhận mẫu nước chấm này và Xí nghiệp bắt đầu xuất khẩu nước chấm sang Liên Xô.

Lần thứ tư, khi Liên Xô sụp đổ (tháng 12/1991) Nhà máy lại ngừng sản xuất. Lúc này, đồng chí Đỗ Vòng – Bí thư Đảng ủy Nhà máy nói: “Lần này bà Nhân hết cách, Xí nghiệp đành phải tùy nghi di tản…”. Thời gian này Xí nghiệp đã có nhiều kỹ sư và bà cũng đã là Giám đốc, bà đã cùng tập thể nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm (kẹo các loại, xà phòng, rượu chanh, dấm, mỳ ăn liền, bia…). Cũng thời gian này, xí nghiệp đổi tên thành Nhà máy Thực phẩm Hà Nội và phát triển mạnh mẽ qua nhiều thập niên.

Tác giả của thương hiệu bia Halida nổi tiếng một thời

Có thể nói rằng, nhắc đến Nguyễn Thị Anh Nhân không thể nào không nhắc đến những công lao to lớn của vị Tổng Giám đốc đầu tiên và cũng là người xây dựng, sáng lập và đặt nền móng cho sự phát triển của Công ty Việt Hà. Đặc biệt, mồ hôi nước mắt và tên tuổi của bà luôn gắn liền với nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng, một sản phẩm được mệnh danh là "con đẻ của thời kỳ đổi mới".

Từ năm 1963 đến năm 1993, Xí nghiệp nước chấm đã không ngừng chuyển mình lớn mạnh, lần lượt phát triển rồi đổi tên thành Nhà máy Thực phẩm Hà Nội. Khi bia Việt Hà, bia Halida – Niềm tự hào của bia nội ra đời thì đổi tên là Công ty Việt Hà. Khi liên doanh với bia Carlsberg Đan Mạch, được đổi tên là Nhà máy bia Đông Nam Á và thành lập Liên hiệp các xí nghiệp thực phẩm vi sinh Hà Nội.

Trong thời gian này, người phụ nữ tài giỏi Nguyễn Thị Anh Nhân cũng lần lượt kinh qua rất nhiều vị trí công tác. Từ một Tổ trưởng tổ chế thử thuộc Xí nghiệp nước chấm, bà lần lượt lên Trưởng phòng, Phó Giám đốc, Giám đốc, Tổng Giám đốc Nhà máy, Tổng Giám đốc liên doanh, Tổng Giám đốc liên hiệp các xí nghiệp vi sinh thành phố Hà Nội.

Tháng 3/1992, là thời gian đánh dấu thành công lớn nhất trong sự nghiệp của bà. Sau sản xuất bia hơi Việt Hà, nước khoáng Opal ra mắt và chiếm lĩnh được thị trường, bà đã tự mày mò học hỏi rồi mạnh dạn đi vay tiền nhập dây chuyền bia lấy tên là bia Halida để sản xuất ra loại bia có chất lượng cao bằng những kỹ nghệ tiên tiến và hiện đại.

Chỉ nửa năm sau ngày quyết định mua dây chuyền sản xuất, bia Halida đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Người ta con nhớ, trước khi bia Halida xuất hiện, trên thị trường miền Bắc lúc bấy giờ gần như nhường chỗ cho Bia Vạn Lực của Trung Quốc. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, hãng bia ngoại này đã phải từ bỏ thị trường màu mỡ nhường chỗ cho một thương hiệu bia quốc nội.

gap go nguoi sang lap ra cong ty viet ha tac gia cua nhan hieu bia halida noi tieng
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân trong Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.

Và tiếng tăm của Halida ngày đó không chỉ dừng lại trong lãnh thổ Việt Nam mà còn vươn xa sang các nước lớn như Mỹ và Đan Mạch. Đó không chỉ là niềm vui của bà mà còn là niềm tự hào của cả người dân Việt.

Như vậy từ Xí nghiệp Miến được Nhà nước bao cấp 100%, sau 30 năm vượt lên mọi khó khăn, chuyển mình lớn dậy dưới bàn tay chèo lái của người phụ nữ đa tài Nguyễn Thị Anh Nhân đã chuyển thành Nhà máy có doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, nộp ngân sách cao nhất Thành phố.

Hẳn rằng không phải ngẫu nhiên khi người đứng đầu Bộ Khoa học Công nghệ, hiện đang là đặc phái viên của Chính phủ, Giáo sư Hoàng Văn Phong đã nhận xét về bà bằng những lời đầy trân trọng: “Nguyễn Thị Anh Nhân là một đại biểu Quốc hội, một doanh nhân Tâm – Tầm, một nhà khoa học giàu sáng kiến…”

Và ngay trong chính trong lễ trao giải Kovalevskaia – giải thưởng dành cho những nhà khoa học nữ xuất sắc, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch giải đã gọi bà Nguyễn Thị Anh Nhân là nhà khoa học của thực tiễn sản xuất.

Nguyễn Thị Anh Nhân là một người phụ nữ “làm nhiều nói ít”. Bà đã cống hiến hết mình cho công việc và sống một cuộc đời bình lặng. Bà rất ít khi nói về mình, kể về thành tích lại càng không vì thế, khi tiếp cận với bà, người đối diện chỉ có thể nhìn qua ánh mắt, qua nụ cười, qua cử chỉ, qua giọng nói để hiểu được con người bà. Còn để biết về những thành công mà bà đã đạt được có lẽ chỉ cần nhìn lên những tấm huy chương, bằng khen… được treo trang trọng trên tường nhà.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.