Chuyện lạ: Xe khách 'biến mất' cả tháng trời, không vào bến ở Hà Nội

Hàng loạt xe khách tuyến cố định đăng kí vào bến xe ở Hà Nội nhưng "biến mất" cả tháng trời.
Chuyện lạ: Xe khách biến mất cả tháng trời, không vào bến ở Hà Nội - Ảnh 1.

Xe khách hoạt động tại bến xe Nước Ngầm. (Ảnh minh họa: Nam Định).

Hàng loạt xe khách "biến mất", không vào bến

Theo thông tin chúng tôi nhận được, mới đây, hàng loạt xe khách tuyến cố định đã "biến mất" cả tháng trời, không xuất hiện ở bến xe tại Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, trong tháng 12/2018 và tháng 1/2019, tại bến xe Giáp Bát có tới 66 đơn vị vận tải hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã phê duyệt.

Đáng chú ý, bến xe Giáp Bát cũng có tới 27 doanh nghiệp vận tải hoàn toàn "biến mất" khi không hoạt động bất kì chuyến nào tại đây.

Đơn cử như Công ty CP Khánh Tám (Bến xe Giáp Bát - Mỹ Lộc); HTX Đồng Tâm (Bến xe Giáp Bát - Trung tâm Hà Nam); Công ty TNHH Hải Thắng (Bến xe Giáp Bát - TP Ninh Bình); Công ty CP DLTM&ĐT Thiên Trường (Bến xe Giáp Bát - TP Ninh Bình)...

Tại bến xe Giáp Bát, tìm hiểu của chúng tôi cũng cho thấy có khá nhiều doanh nhiệp chỉ có tỉ lệ chuyến từ 20 đến 60%.

Tại bến xe Nước Ngầm, thống kê của đơn vị quản lí cũng cho thấy có tới hàng trăm doanh nghiệp vận tải không hoạt động theo biểu đồ đã phê duyệt.

Liên quan tới việc hàng loạt xe khách không hoạt động hoặc hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định.

Thực hiện đầy đủ số chuyến đã đăng kí và được cơ quan quản lí tuyến phê duyệt; Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền lái xe nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các qui định của pháp luật về hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô.

Sở cũng yêu cầu thường xuyên cập nhật, theo dõi, chấn chỉnh, xử lí lái xe vi phạm thông qua hệ thống và phần mềm quản lí thiết bị giám sát hành trình do đơn vị vận tải quản lí.

Đáng chú ý là đối với các đơn vị vận tải có trụ sở trên địa bàn TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu thu hồi phù hiệu "Xe chạy tuyến cố định" của các xe vi phạm hoạt động trên tuyến nộp về Sở.

Về phía Công ty cổ phần bến xe Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư phát triển ngành Nước và Môi trường (quản lí bến xe Nước Ngầm), Sở GTVT Hà Nội yêu cầu từ chối phục vụ 1 tháng đối với các đơn vị vận tải vi phạm.

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành liên quan thu hồi phù hiệu đối với xe của đơn vị vận tải vi phạm.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm như: thực hiện sai hành trình hoạt động theo Quy hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt.

Chuyện lạ: Xe khách biến mất cả tháng trời, không vào bến ở Hà Nội - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Nam Định).

Xe khách "bỏ bến" chạy ngoài?

Liên quan đến việc hàng loạt xe khách "mất tích" ở bến như nêu trên, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông cho biết hàng tháng, bến xe có báo cáo tình hình hoạt động của các phương tiện trên bến và so sánh số đơn vị kí hợp đồng với số đơn vị thực tế chạy.

"Theo Thông tư 10/2015 qui định trách nhiệm và xử lí vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, nếu đơn vị vận tải thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe trên tuyến đã được phê duyệt trong 1 tháng thì sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng.

Căn cứ vào báo cáo của bến xe, Sở GTVT sẽ ra văn bản đình chỉ khai thác với đơn vị vận tải thực hiện không đúng quy định", vị này nói.

Theo chuyên gia trên, khi hoạt động trở lại, các đơn vị vận tải thường đưa ra các lí do như xe hỏng, tai nạn... dẫn đến việc không thực hiện đủ số chuyến.

Tuy nhiên, vị này cho rằng trên thực tế, việc không thực hiện đủ số chuyến có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là đơn vị vận tải bị các vi phạm khác như lái xe bị thu hồi giấy phép dẫn đến không đủ tài xế. Thứ 2 là xe khách không vào bến.

"Khi được cấp phù hiệu "Xe chạy tuyến cố định", nếu xe vào bến thì doanh nghiệp vận tải phải trả tiền. Do đó, trên thực tế có nhiều phương tiện có phù hiệu nhưng không vào bến.

Ví dụ như tại bến xe Giáp Bát, nếu xe khách không vào bến thì sẽ trả dọc đường, đi qua bến lên đường Kim Đồng bắt khách rồi ra về.

Do xe vẫn có phù hiệu nên lực lượng chức năng như CSGT, TTGT khó xử lí", vị này cho biết.

Một nguyên nhân khác, theo vị chuyên gia giao thông trên, trong các tháng 12/2018 và tháng 1/2019 có nhiều lễ hội, do đó nhu cầu hợp đồng lớn.

Trong khi đó, xe tuyến cố định được phép cấp thêm phù hiệu xe hợp đồng. Do đó, có thể các đơn vị vận tải xin cấp thêm phù hiệu xe hợp đồng để phục vụ lễ hội nên không đảm bảo được số chuyến của tuyến cố định.

"Thông tư 10/2015 chỉ nói nếu không thực hiện đủ 70% số chuyến thì xe bị đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng nhưng không qui định nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lí như thế nào.

Do đó, nhiều xe khách bị đình chỉ tháng này, tháng sau tiếp tục chạy nhưng vẫn không thực hiện đủ 70% và lại bị đình chỉ chứ không có chế tài mạnh hơn.

Ví dụ, nếu có chế tài, xe khách tiếp tục vi phạm sẽ cắt luôn tuyến, cho đơn vị khách khai thác thì sẽ không có tình trạng như trên", vị chuyên gia nói thêm.

Theo khoản 4, Điều 6, Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT qui định trách nhiệm và xử lí vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách khách theo tuyến cố định phải thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt.

Tại điều 22 của Thông tự này cũng qui định đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định vi phạm nội dụng nêu trên.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.