Chuyện về lão ngư mù hơn nửa thế kỷ đi biển 'sát cá' bằng... tai

Với lối suy nghĩ “mẹ biển sẽ không phụ công người”, dù bị mù hai mắt, nhưng hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Lê Viết Hải (67 tuổi ) vẫn miệt mài bám biển để mưu sinh, ngày ngày ròng rã cùng cánh đàn ông trong làng ra khơi.

Lão ngư mù biệt tài

Tìm về vùng biển Phú Hải, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, (Hà Tĩnh) không ai không biết lão ngư mù Lê Viết Hải (67 tuổi) bởi người đàn ông này có nhiều biệt tài riêng về biển. Mặc dù bị mù cả hai mắt nhưng ông đã gắn bó với biển hơn nửa thế kỷ.

Thay vì gọi theo một tên riêng, thì người làng gọi ông là “lão mù biệt tài”, bởi ông có nhiều tài lẻ, không chỉ “sát cá” giỏi, mà ông còn là một thợ lặn chuyên gỡ lưới, cứu người khi gặp nạn trên biển.

chuyen ve lao ngu mu hon nua the ky di bien sat ca bang tai
Dù bị mù cả 2 mắt, nhưng hơn 50 năm nay vẫn đi biển kiếm sống. (Ảnh Hoài Nam)

Gặp ông vào một buổi sáng tinh mơ khi vừa mới đi biển về, trên khuôn mặt gầy gò ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc sau nhiều giờ ròng rã ra khơi. Khi hỏi đến cuộc hành trình đeo đuổi nghề biển, ông kể, thuở nhỏ ông cũng bình thường như những đứa trẻ làng chài, cũng thấy ánh sáng mặt trời, cũng được tắm biển, bắt còng và nghịch cát, cũng từng mong mình lớn nhanh để được ra khơi đánh cá vẫy vùng cho thỏa thích.

Nhưng khi lên 4 tuổi thì ông gặp phải bệnh lạ rồi bị mù, từ đó giấc mộng biển khơi bị khép lại. Tuy nhiên, càng lớn lên, ông càng nhớ biển, yêu biển hơn. Sáng đến, chiều về ông lại ra biển, đi bằng thần trí của một cậu bé chơi trò bịt mắt bắt dê. Mỗi lần trở về nhà về ông lại nhớ tiếng sóng, nhớ làn nước biển mặn mòi, nhớ những chiếc ghe đánh cá rồi lại ước mong được đi biển.

“Lúc đó thích biển lắm, toàn một mình mò mẫm ra biển ngồi nghe sóng vỗ, rồi lại nghe chúng bạn đùa nghịch chứ bản thân không giám xuống biển vì không thấy đường. Nhưng rồi một ngày tôi được bố mẹ dắt ra biển, học bơi càng gần biển tôi lại càng thấy thích biển hơn”, ông Hải bày tỏ.

Không phó mặc, không bằng lòng với số phận, để minh chứng nghị lực của mình, ông đã học bơi, rồi lặn và 15 tuổi đã tự đi ra biển đánh bắt cùng cánh đàn ông ở làng.

chuyen ve lao ngu mu hon nua the ky di bien sat ca bang tai
Không phó mặc số phận, 15 tuổi ông đã ra khơi cùng mọi người trong làng. (ảnh Hoài Nam)

“15 tuổi, khi chúng bạn đến trường tìm con chữ, thì tôi xuống biển đánh cá. Đến nay đã được hơn 50 năm trong nghề rồi. Nghĩ lại thời gian trôi nhanh quá, trước mới đi còn phải có người dắt, giờ đây cứ bước đi theo một giác quan riêng rồi", ông Hải nhớ lại.

Dẫu cho bố mẹ, gia đình cấm đoán nhưng vì tình yêu biển, mến biển ông đã vượt qua thử thách để bước chân lên con thuyền ra khơi cùng mọi người.

“Hôm đi biển bố mẹ tôi không cho vì sợ gặp nguy hiểm, nhưng tôi cứ nằng nặc đòi đi theo nên bố mẹ, người làng cũng cho tôi theo. Đúng là "mẹ biển không phụ lòng người", những ngày tôi ra biển cùng mọi người cũng làm được việc, cá đầy khoang.

Từ đó tới nay đã hơn 50 năm, cứ 4h sáng dậy ra đánh cá thuê cùng mọi người trên thuyền đến 9h thì về, kiếm thêm thu nhập gia đình, chính những đồng tiền đấy đã nuôi nấng con cái tôi nên người”, ông Hải tâm sự.

Từng cứu sống người khi mới 15 tuổi

Với lối suy nghĩ “mẹ biển sẽ không phụ công người”, hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông đã quyết sinh tử với biển khơi, dù không nhìn thấy đường, chưa thấy biển khơi như thế nào. Nhưng ông phần nào cảm nhận được biển như là phần cuộc sống của mình.

Ngày nào cũng vậy, cứ 4h sáng ông lại tự dậy soạn sửa, để ra khơi đánh cá cùng mọi, mỗi ngày như vậy chi ít cũng kiếm được 50-100 ngàn đồng/ngày. Dù bị mù những ông vẫn luôn cố gắng để không tạo gánh nặng cho người thân mà còn trở thành trụ cột trong gia đình.

“Dường như ngày nào cũng vậy, cứ 4h sáng dậy đánh cá thì tầm khoảng 9h là về. Tôi không muốn tạo gánh nặng cho ai cả, tôi muốn mình cũng như bao người đàn ông khác, lo lắng, tạo niềm tin vững chắc cho gia đình”, ông Hải tâm sự.

Khi hỏi đến những “chiến tích” trong thời gian bám biển ông không ngần ngại nói: “Năm 15 tuổi tôi đã cứu được 2 đứa trẻ khi bị sóng biển cuốn trôi. Rồi cả hàng trăm lần đã lặn gỡ lưới giúp người dân khi bị mắc phải đá..".

Dù bị mù nhưng ông không lấy đó để hờn trách số phận mà lại sống lạc quan vui vẻ : “Tôi chưa từng hờn trách gì số phận, nếu cứ áp đặt cho số phận, thì cuộc sống tôi đã không được như ngày hôm nay khi thị giác mất đi.

Tôi mù nhưng vẫn có vợ đẹp, vẫn có 3 người con đủ trai đủ gái, gia đình êm ấm và hạnh phúc. Có lẽ những ngày tháng tôi cố gắng nay được ông trời đền đáp vì bản thân tôi luôn nghĩ "ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả". Miễn sao mình cảm thấy hạnh phúc là được”, ông Hải tâm sự.

chuyen ve lao ngu mu hon nua the ky di bien sat ca bang tai
Năm lên 4 tuổi, ông Hải mắc bệnh lạ và mắt dần dần bị mù hẳn. (ảnh Hoài Nam).

Không học hành đỗ đạt cao, cũng không giàu có, không tài hoa xuất chúng, lại bị mù nhưng cuộc đời ông vẫn được rất nhiều người biết đến và nể trọng.

Ông Nguyễn Viết Nhật, trú tại thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú (Hà Tĩnh) cho biết: "Trong làng ai cũng trầm trồ với những cái tài của ông Hải. Ông Hải chúng tôi phải nể phục, không thấy đường nhưng gì cũng biết, đường đi thông thuộc lắm, có nhiều hôm còn ra đồng gánh lúa cùng vợ nữa".

Trao đổi vưới chúng tôi, ông Trần Đình Hậu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, ông Hải là tấm gương giàu nghị lực, vượt qua khó khăn để nuôi sống cả gia đình, được nhiều người kính nể.

“Bị mù 2 mắt nhưng hàng chục năm qua ông Hải vẫn tham gia đi biển đánh cá mưu sinh. Ông là tấm gương giàu nghị lực, vượt qua khó khăn để nuôi sống cả gia đình. Với người dân thôn Phú Hải ông là “lão ngư” dày dặn kinh nghiệm trong việc đi biển và xử lý tình huống lưới đánh cá mắc vào đá ngầm”.

chọn
Doanh nghiệp kín tiếng sắp đầu tư 1.200 lô biệt thự, liền kề ở Bến Lức, Long An
Năm 2022, Hưng Phát Bến Lức được duyệt đầu tư Khu dân cư biệt thự nhà vườn tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức thay cho CTCP Thanh Yến. Trong đợt điều chỉnh tiến độ mới đây, Long An yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành dự án này trong giai đoạn 12/2026 - 3/2027.