Vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thái Bình đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng đường từ TP Thái Bình đi huyện Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên.
Được biết, hiện tại các phương tiện giao thông đường bộ từ Thái Bình kết nối với Hà Nội theo 3 hướng chủ yếu bao gồm hướng 1 - qua Nam Định, kết nối từ Thái Bình đi QL 10 sang QL 21B Nam Định, đi tiếp cao tốc Bắc Nam Cầu Giẽ - Ninh Bình kết nối Hà Nội. Hành Trình khoảng 96,2 km.
Hướng 2 - qua Hưng Yên, kết nối từ Thái Bình đi ĐT 454, ĐT 453, ĐT 468 (quy hoạch cao tốc CT.39), qua cầu Thái Hà sang Hà Nam. Sau đó qua cầu Hưng Hà sang Hưng Yên, đi cao tốc Thái Bình Hưng Yên lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi Hà Nội. Hành trình khoảng 97 km.
Hướng 3 - qua Hải Dương, kết nối từ Thái Bình đi QL 10, ĐT 396B qua cầu Hiệp sang Hải Dương, đi đường trục Bắc Nam, lên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi Hà Nội. Hành trình khoảng 110 km.
Các hướng kết nối hiện tại đều có điểm chung là hành trình dài, mất khá nhiều thời gian di chuyển.
Quốc lộ 10 từ Thái Bình đi hưng yên hiện nay. (Ảnh: Báo Xây dựng).
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thái Bình - chủ dự án, tuyến đường từ TP Thái Bình đi huyện Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên đi qua địa phận TP Thái Bình, huyện Vũ Thư, huyện Đông Hưng và huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình với tổng chiều dài gần 25 km.
Điểm đầu tuyến giao với QL 10; điểm cuối là đầu cầu sông Luộc Đầu cầu vượt sông Luộc, trên địa phận xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà.
Bản đồ hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).
Diện tích sử dụng đất giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 182 ha (trong đó 33,47 ha đã giải phóng và bàn giao), trong đó, từ điểm đầu tuyến tại nút giao với Quốc lộ 10, tuyến đi trùng với đường trục Khu công nghiệp TBS sông Trà.
Qua địa phận xã Tân Bình (thuộc TP Thái Bình), tiếp đó tuyến đi qua khu đất nông nghiệp thuộc địa phận các xã Tân Phong, Phúc Thành, huyện Vũ Thư. Tuyến vượt sông Trà Lý tại Km5+510.
Vị trí vượt sông cách cầu Hòa Bình hơn 8km về phía thượng lưu. Qua sông Trà Lý, tuyến đi sang địa phận huyện Đông Hưng, từ đây tuyến đi song song với QL39, tuyến qua xã các xã Minh Phú, Liên Hoa, Hồng Bạch, Hồng Việt. Tiếp theo, tuyến đi sang địa phận huyện Hưng Hà tuyến qua xã Hồng Lĩnh, Văn Lang, Minh Khai, Kim Trung, TT.Hưng Hà.
Tuyến giao ĐT 452 (sau là QL 39B) tại Km14+000, giao ĐT.454 tại Km15+900, giao cao tốc CT.39 tại Km18+860 (nút giao Đồng Tu). Sau đó tuyến đi qua cánh đồng các xã Phúc Khánh, Hòa Tiến và Cộng Hòa.
Kết thúc tuyến tại Km24+800 tại điểm đầu cầu vượt sông Luộc. Trên đất có các công trình hiện trạng như là nhà bán mái (nhà tạm của người dân) và nhà 1 tầng (nhà ở), cột điện, cây cối...
Về hướng tuyến, đoạn đầu từ nút giao QL 10 đến nút Đồng Tu tận dụng tối đa hướng tuyến đã được chấp thuận của dự án BOT, BT phê duyệt năm 2016; đoạn từ nút Đồng Tu đi sang Hưng Yên tuyến mới, có nghiên cứu phương án tối ưu để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng.
Hướng tuyến phương án kiến nghị cụ thể bao gồm điểm đầu tại nút giao với QL 10, tuyến đi trùng với đường trục Khu công nghiệp TBS sông Trà. Qua địa phận xã Tân Bình (Thuộc thành phố Thái Bình), tiếp đó tuyến đi qua khu đất nông nghiệp thuộc địa phận các xã Tân Phong, Phúc Thành, huyện Vũ Thư.
Tuyến vượt sông Trà Lý tại Km5+510. Vị trí vượt sông cách cầu Hòa Bình hơn 8km về phía thượng lưu. Qua sông Trà Lý, tuyến đi sang địa phận huyện Đông Hưng, từ đây tuyến đi song song với QL39, tuyến qua xã các xã Minh Phú, Liên Hoa, Hồng Bạch, Hồng Việt. Tiếp theo, tuyến đi sang địa phận huyện Hưng Hà tuyến qua xã Hồng Lĩnh, Văn Lang, Minh Khai, Kim Trung, thị trấnHưng Hà.
Tuyến giao ĐT 452 (sau là QL 39B) tại Km14+000, giao ĐT.454 tại Km15+900, giao cao tốc CT.39 tại Km18+860 (nút giao Đồng Tu). Sau đó tuyến đi qua cánh đồng các xã Phúc Khánh, Hòa Tiến và Cộng Hòa.
Tuyến vượt sông Luộc tại Km25+350 - vị trí vượt sông cách cầu La Tiến khoảng 7,5 km về phía thượng lưu, chiều dài cầu khoảng 1000 m. Sang địa phận tỉnh Hưng Yên, tuyến kết nối với đường ĐT 386C là điểm cuối dự án, thuộc địa phận xã Tống Trân, huyện Phù Cừ.
Đoạn từ nút Đồng Tu đến cuối tuyến nghiên cứu phương án tuyến so sánh: Hướng tuyến từ nút giao Đồng Tu tuyến đi lệch sang trái so với phương án 1 (vị trí xa nhất khoảng 650 m).
Tổng chiều dài tuyến theo phương án kiến nghị khoảng 26,1 km (Thái Bình đầu tư 24,8Km, phía Hưng Yên đầu tư 1,3 km), trong đó, chiều dài trên địa bàn TP Thái Bình (đi qua một xã) và huyện Vũ Thư khoảng 5,5 km (đi qua hai xã); huyện Đông Hưng khoảng 6,9 km (đi qua 4 xã); huyện Hưng Hà khoảng 12,95 km (đi qua 9 xã).
Về quy mô xây dựng, đường chính thiết kế theo quy mô đường cấp II đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/h; đường song hành thiết kế theo quy mô đường cấp III đồng bằng.
Quy mô chung của tuyến đường cụ thể đoạn từ Km0+00 đến Km0+600 (qua Khu công nghiệp TBS Sông Trà) được đầu từ xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô đường đô thị 63 m.
Đoạn từ Km0+600 đến Km24+800 đầu tư xây dựng đường song hành hai bên tuyến 2x12 = 24 m; dải đất dự trữ ở giữa để xây dựng tuyến chính rộng 29 m; giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện 60 m. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa chặt cấp cao A1.
Về tiến độ thực hiện dự án, thời gian thực hiện dự án (giai đoạn phân kỳ đầu tư) từ năm 2025 - 2028.
Cụ thể, cụ thể, tháng 2 - 5/2025 hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và bàn giao mốc mặt bằng dự án cho địa phương triển khai giải phóng mặt bằng; tháng 6 - 10/2025: Hoàn thành phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án; tháng 12/2025: Hoàn thành công tác GPMB và công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng.
Năm 2026 - 2028 sẽ khởi công và triển khai thi công xây lắp; tháng 11/2028 hoàn thành công trình và tháng 12/2028 sẽ đưa công trình vào sử dụng.
Tổng mức đầu tư dự án là 4.928 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Trên cơ sở hoạch định các vị trí giao cắt để đảm bảo tốc độ khai thác của tuyến chính, trên tuyến có tổng số 6 nút giao bằng bao gồm nút giao đầu tuyến với QL 10 tại Km0+00; nút giao ĐH 48 tại Km8+000; nút giao ĐT 452 tại Km14+00.
Nút giao Đồng Tu tại Km18+860 (giao cao tốc CT 39); Nút giao ĐH 65A tại Km22+420; nút giao cuối tuyến ĐT 386C tại Km26+100 (do phía tỉnh Hưng Yên đầu tư).
Về hệ thống cầu, cầu Cống Vực vượt sông Trà Lý tại Km5+510: Phần cầu chính TVTK nghiên cứu 03 phương án để lựa chọn gồm phương án Extradosed; phương án đúc hẫng cân bằng; phương án cầu vòm.
Các nhịp dẫn sử dụng nhịp giản đơn đặt trên hệ móng cọc khoang nhồi. Tổng chiều dài cầu khoảng 606m, chiều rộng toàn cầu 24,0m.
Các cầu trung, cầu nhỏ vượt kênh có 12 vị trí bố trí các cầu vượt kênh có thể kết hợp vượt cả đường ngang, kết cấu nhịp giản đơn đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi hoặc cọc đóng, tại mỗi vị trí bố trí 2 cầu nằm trên 2 đường song hành tương ứng. Chiều rộng mỗi cầu 13 m.
TP Hưng Yên, trung tâm hành chính tỉnh Hưng yên mới sau sáp nhập. (Ảnh: Báo Chính phủ).
Theo các Nghị quyết thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và Nghị quyết thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 vừa được Chính phủ thống qua vừa qua , hai địa phương bao gồm Thái Bình và Hưng Yên sẽ được hợp nhất.
Theo đó, hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Tỉnh hợp nhất sẽ có diện tích tự nhiên 2.515 km2, dân số hơn 3,5 triệu người, gồm 104 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Tau khi sáp nhập, tỉnh Hưng Yên (mới) dự kiến còn 93 xã và 11 phường. Trong đó tỉnh Hưng Yên (cũ) gồm 33 xã, 6 phường và tỉnh Thái Bình (cũ) gồm 60 xã, 5 phường.