Chiều 28-10, chúng tôi đến gia đình cô Vỹ ở dưới chân núi Hủng Vàng (xóm 7, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) thấy cửa đóng then cài. Hàng xóm cho biết, "chồng cô Vỹ đang đi bệnh viện còn cô đang phải ra đồng ruộng trồng rau để bán".
Quyết định nghỉ hưu của cô Nguyễn Thị Vỹ. |
Trời sẫm tối, cô Vỹ mới về đến nhà. Vừa cho đàn gà và vịt trong vườn nhà ăn, cô Vỹ quệt nước mắt vừa nói: "Khi cầm quyết định nghỉ hưu, tôi đọc không thể tin vào mắt mình, lương 1.356 ngàn đồng/tháng. Tôi choáng váng, ngã quỹ xuống. Trở về nhà tôi nằm khóc bốn ngày. Đêm không sao chợp mắt được.
Sau 35 năm học tập và công tác từ miền núi đến miền trung du, miền xuôi, tôi không ngờ nghỉ hưu với mức lương quá thấp vậy. Dù tôi nói thật mức lương hưu thì người thân và xóm giềng đều không tin, mọi người cho rằng tôi "giấu giếm lương chứ ít nhất cũng tháng 3,5 triệu mới đủ sống".
Sau khi nghỉ hưu, tôi buồn, lo lắng, suy nghĩ quá nhiều sụt mất 4kg. Người tôi vốn gầy lại gầy thêm như thế này. Giờ nghỉ hưu lương quá thấp, không đủ mua gạo ăn, phải "bò" ra mà làm nông thôi".
Năm 1980, cô Vỹ tròn 18 tuổi, khăn gói lên huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) học sơ cấp sư phạm mầm non. Thời điểm ấy, ở miền núi khó khăn, thiếu giáo viên, cô Vỹ vừa đi học vừa đi dạy.
Cô Nguyễn Thị Vỹ: "Mong xem xét lại lương hưu giáo viên mầm non đặc thù như chúng tôi". |
Năm 1984, cô Vỹ được phân công trở về quê nhà xã Nam Xuân làm giáo viên Trường Mầm non xã Nam Xuân. Quá trình công tác cô Vỹ luôn đạt danh hiệu khá và suất sắc. Năm 2003, cô Vỹ đi học lên Trung cấp Sư phạm Mầm non rồi trở về trường tiếp tục công tác. Năm 2008, cô Vỹ đi học và sau đó tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, tiếp tục dạy học rồi được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.
"Thời gian đầu đi dạy, chúng tôi được trả lương bằng thóc, mỗi tháng mấy yến thóc mang về xát ra gạo để ăn. Có những thời điểm rất khó khăn, chúng tôi phải mượn nhà dân, kho hợp tác xã để làm lớp dạy học cho các em. Dù khó khăn, vất vả, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình bỏ nghề, cứ cố gắng bám trụ vậy.
Năm 1995, tôi được đóng bảo hiểm xã hội và phải đóng truy thu bảo hiểm số tiền 2,6 triệu đồng. Để có 2,6 triệu đồng đóng bảo hiểm xã hội tôi phải bán đôi hoa tai một chỉ vàng 9999, hai con bê và hai con heo của gia đình. Đến năm 2011, tôi làm tổ phó giáo viên mầm non được vào biên chế nhà nước. Trước khi nghỉ hưu tôi nhận lương 6,3 triệu đồng/tháng, nhưng khi nhận quyết định lương hưu thì tôi choáng váng, ngã quỵ. Từng ấy lương hưu khi tuổi chúng tôi đã già, sao sống nổi đây".
Nghỉ hưu lương 1,3 triệu đồng, cô Vỹ phải đi ra đồng làm việc. |
Các đồng nghiệp của cô Vỹ cũng đang khuyên cô "cầm quyết định xuống thành phố gặp các thầy cô giáo cũ nhờ tính lại lương đã đúng chưa, chứ sao thấp như vậy?".
Theo quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của cô Vỹ do bà Lê Thị Dung- Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An ký, nêu: "Cô Vỹ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 22 năm 5 tháng, trong đó 22 năm 5 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thời gian làm việc được tính thâm niên nghề 22 năm 5 tháng. Mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng hoặc bình quân tiền lương và thu nhập tháng làm căn cứ tính lương hưu là 2.009.536 đồng. Tỷ lệ để tính lương hưu 67,50%. Được hưởng chế độ lương hưu từ 1-6-2017. Lương hưu hàng tháng 2.009.536 đồng x 67,50% = 1.356.473 đồng. Cô Lan không có trợ cấp khác, không trợ cấp một lần...".
Theo cô Vỹ, với mức lương hưu như trên thì không đủ để sống cuộc sống tối thiểu.
"Cả cuộc đời chúng tôi đã gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mầm non, bây giờ tuổi về già, sức khỏe yếu dần. Tôi mong các cấp, các ngành xem xét lại mức lương hưu cho giáo viên mầm non đặc thù như chúng tôi"- cô Vỹ nói.
Tân sinh viên 'đứng ngồi không yên' với 'Em gái mưa' tại ĐH Hà Nội
Tại đêm Gala chào tân sinh viên 2017 tổ chức tại ĐH Hà Nội tối 28/10, Lê Vũ Bình đã làm khán giả 'đứng ngồi ... |