Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam đang trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo kết quả kinh doanh ấn tượng cho các chủ đầu tư khu công nghiệp. Giá cho thuê bình quân theo đó cũng tăng 10% so với cuối năm 2019, bù đắp chi phí phát triển dự án.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, dòng vốn FDI đi ngang, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất, chiếm 71%. Đa số các dòng vốn này đầu tư vào thị trường Hà Nội và Bắc Ninh ở phía Bắc; Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương ở phía Nam.
Trong khi đó, áp lực môi trường cạnh tranh đã khiến nhiều công ty đa quốc gia Trung Quốc và nước ngoài di dời nhà máy đến khu vực Đông Nam Á. Quan trọng hơn, nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hóa rủi ro kinh doanh do tình trạng leo thang cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về tình hình thị trường khu công nghiệp phía Bắc, VDSC cho biết, kể từ tháng 2/2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng, tất cả các hoạt động đi lại đều bị hoãn lại, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài trong việc khảo sát thị trường hoặc làm việc trực tiếp với chủ đầu tư khu công nghiệp.
Giá đất trung bình trong quí I/2020 đạt 99 USD/m2/thời hạn thuê, tăng 6,5% so với cùng kì năm ngoái.
Đơn bị này dự báo, thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn là những thị trường khu công nghiệp trọng điểm ở khu vực phía Bắc nhờ nguồn cung lớn.
Còn tại phía Nam, theo phân tích của VDSC, hiện trạng khan hiếm quĩ đất là vấn đề chính với tỉ lệ lấp đầy ở mức cao trong khi nguồn cung mới còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững mạnh, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty này đang tích cực “bắt tay” liên doanh với chủ đầu tư khu công nghiệp trong nước hoặc trực tiếp mua quĩ đất và tài sản vận hành.
Bên cạnh đó, mặc dù đại dịch COVID-19 có thể gây ra những khó khăn tạm thời nhưng nhu cầu đất khu công nghiệp vẫn ở mức cao. Giá đất khu công nghiệp trung bình ở miền Nam hiện tại là 106 USD/m2/chu kì thuê, tăng 9,7% theo năm.
Với những phân tích trên, VDSC đưa ra dự đoán tích cực cho các doanh nghiệp có sẵn quĩ đất. Ngược lại, các doanh nghiệp sở hữu ít đất hoặc không có sẵn quĩ đất sẽ có ít cơ hội hơn.
Đơn cử, tại miền Bắc, Kinh Bắc và Viglacera là đang có quĩ đất sẵn sàng cho thuê lớn; tương ứng lần lượt là là 900 ha và 1.150 ha. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn nhu cầu cho thuê từ các doanh nghiệp điện tử và doanh nghiệp sản xuất phụ tùng và linh kiện.
Còn tại khu vực miền Nam, Becamex (BCM) và Cao su Phước Hòa (PHR) cũng sở hữu quĩ đất công nghiệp khổng lồ, rộng hơn 1.000 ha, nằm chủ yếu ở tỉnh Bình Dương. Khách thuê chính là các doanh nghiệp gỗ, bao gồm cả trong nước và FDI. Ngoài ra, cơ cấu khách thuê cũng rất đa dạng đến từ nhiều ngành bao gồm vận tải, điện, cơ khí, gỗ và hàng tiêu dùng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC) cũng đang có nhiều lợi thế với quĩ đất rất lớn và sẵn có tại khu công nghiệp Châu Đức, với diện tích có thể cho thuê còn lại gần 900ha.