Bamboo Airways – hãng hàng không của Tập đoàn FLC – mới đây đã mở bán vé bay thẳng từ Hà Nội, Vinh và Hải Phòng tới huyện đảo Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự kiến các đường bay sẽ khai trương vào ngày 29/9 tới với tần suất hai chuyến/ngày với chặng xuất phát từ Hà Nội và một chuyến/ngày với chặng từ Vinh cũng như Hải Phòng.
Để khai thác được các đường bay tới Côn Đảo, Bamboo Airways đã phải thuê ướt hai chiếc tàu bay phản lực khu vực Embraer E195.
Ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Bamboo Airways kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết từ khi hãng hàng không này mới thành lập, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã giao nhiệm vụ mở đường bay thẳng tới Côn Đảo từ các tỉnh thành phía bắc.
Hiện nay có hai đường bay tới Côn Đảo nhưng đều xuất phát từ địa phương phía nam là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Ông Thắng cho biết ban lãnh đạo Bamboo Airways đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam cũng như nhà sản xuất Airbus về khả năng sử dụng tàu bay A319 cho đường bay tới Côn Đảo. Tuy nhiên do giới hạn về kĩ thuật của đường băng ở Côn Đảo nên phương án sử dụng A319 là không khả thi.
"Khi đó chúng tôi bị bế tắc về phương án tàu bay", ông Thắng nói. Về sau, tình cờ ông Thắng biết đến chiếc Embraer E195 và đã nghiên cứu để sử dụng dòng tàu bay này cho chặng tới Côn Đảo.
"Cuối năm 2019, tôi bay từ Los Angeles, bang California tới thành phố Charleston, bang South Carolina (Mỹ) để nhận bàn giao tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner cho Bamboo Airways. Để thực hiện hành trình này, tôi phải trải qua ba chuyến bay trong đó có một chặng dài 25 phút sử dụng chiếc E195.
"Khi ngồi trên máy bay, tôi có cảm giác rất êm ái. Sau khi hạ cánh, tôi nhắn tin cho các cộng sự của tôi rằng hãy tìm hiểu ngay xem chiếc Embraer E195 này có phù hợp cho chặng Côn Đảo hay không", ông Thắng kể lại.
Về sau, Cục Hàng không Việt Nam đã chấp thuận cho Bamboo Airways sử dụng tàu Embraer E195 cho chặng bay tới Côn Đảo.
Loại tàu bay do Brazil sản xuất này có tốc độ tối đa 871 km/h, tầm bay tối đa 4.260 km, tức là nhanh hơn và xa hơn so với tàu bay cánh quạt ATR 72 đang được dùng cho các đường bay Côn Đảo hiện hữu.
Sức chứa tối đa của E195 là khoảng 118 hành khách, tuy nhiên do giới hạn về tải trọng của đường băng nên Bamboo Airways sẽ chỉ khai thác khoảng 100 hành khách mỗi chuyến.
Dù vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường, sức chứa của E195 vẫn lớn hơn con số 66 hành khách mỗi chuyến với tàu ATR 72 hiện nay.
Nói về lí do chọn Hà Nội, Vinh và Hải Phòng làm điểm thiết lập đường bay tới Côn Đảo, ông Đặng Tất Thắng cho biết đây là ba địa phương dân cư đông đúc và có nhu cầu bay tới Côn Đảo lớn nhất. "Theo một thống kê của Cục Hàng không, khoảng 90% khách tới Côn Đảo là từ khu vực phía bắc", ông Thắng cho biết.
Theo ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không, việc Bamboo Airways mở đường bay tới Côn Đảo từ ba tỉnh thành phía bắc sẽ giúp phục vụ một thị trường "đang bị bỏ ngỏ". Ngoài ra, việc bay thẳng tới Côn Đảo mà không cần nối chuyến ở TP HCM sẽ tránh được tình trạng quá tải với sân bay Tân Sơn Nhất.
"Bay thẳng từ phía bắc ra Côn Đảo giúp tiết kiệm nguồn lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, nguồn lực này có thể được dùng cho các đường bay huyết mạch nối liền Bắc - Nam và quan trọng hơn nữa là dành cho các đường bay quốc tế, kết nối giao thương, du lịch với nước ngoài", ông Cường phân tích.
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways thì cho biết các đường bay từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng sẽ không chỉ phục vụ cư dân ở các tỉnh, thành này mà còn hàng triệu người từ các địa phương lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, …
Theo thống kê của Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2019, Côn Đảo đón gần 400.000 lượt khách, tăng 37% so với năm 2018. Du khách đến với Côn Đảo chủ yếu để du lịch tâm linh do nơi đây có di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt là nhà tù từng giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng từ những năm triều Nguyễn cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
"Côn Đảo chỉ có 7.000 dân nhưng có tới hơn 22.000 ngôi mộ trong đó có nhiều ngôi mộ của các chí sĩ cách mạng yêu nước, do đó hòn đảo này phù hợp để phát triển du lịch tâm linh", ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Ngoài ra, Côn Đảo còn có nhiều loài sinh vật quí hiếm cần bảo tồn như rùa biển, hệ sinh thái san hô thuộc loại đẹp nhất tại Việt Nam và diện tích lớn rừng nguyên sinh ... Nhiều du khách đến với Côn Đảo để được xem rùa biển đẻ trứng và ngắm rạn san hô hàng giờ liền.
Theo ông Trịnh Hàng, khoảng 85% GDP của Côn Đảo là đến từ ngành du lịch.
Việc Bamboo Airways mở cùng lúc ba đường bay mới tới Côn Đảo sẽ giúp kinh tế của huyện đảo này thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn nữa.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch và kinh tế cần đảm bảo sự bền vững. Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng Cục du lịch cho rằng: "Nếu không biết giữ gìn thì vài năm nữa sẽ không ai tìm đến Côn Đảo".
Sức chứa của Côn Đảo không lớn nên cần cân nhắc về số đường bay và số khách đưa tới sao cho phù hợp lượng cơ sở lưu trú. Nếu đưa khách tới chỉ để thắp hương tâm linh rồi về luôn trong ngày vì không có chỗ nghỉ dưỡng thì giá trị kinh tế sẽ không cao.
Việc nâng cấp sân bay Côn Đảo cũng là một bài toán khó. Hiện nay sân bay này không có đèn đêm nên hoạt động cất hạ cánh bị giới hạn trong khung giờ từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn. Bamboo Airways và Tập đoàn FLC đã đề xuất tài trợ đèn đêm để khai thác 24/24 nhưng kế hoạch này còn cần phải nghiên cứu thêm.
Việc kéo dài đường băng từ 1.830 mét hiện nay lên 2.400 mét để các tàu A319/A320 hạ cánh được cũng không đơn giản. Phó Cục trưởng Võ Huy Cường cho biết về mặt tài chính và công nghệ, chúng ta có thể lấn ra biển để kéo dài đường cất hạ cánh.
Tuy nhiên ông bày tỏ lo ngại: "Nếu kéo dài đường cất hạ cánh thì chúng ta không thể đảm bảo Côn Đảo vẫn còn là Côn Đảo". Việc lắp đèn đêm cũng đòi hòi lấn biến và hiện nay chưa có cơ quan nào đứng ra đánh giá tác động môi trường của dự án kéo dài đường cất hạ cánh và lắp đèn đêm.