Bamboo Airways tìm cách hồi phục sau đại dịch

Hãng dự định sẽ vực dậy hoạt động trong thời gian tới thông qua việc mở các đường bay nội địa mới, chưa ai khai thác, và nối lại các đường bay quốc tế khi được cho phép.
Bamboo Airways tìm đường hồi phục sau dịch - Ảnh 1.

Trụ sở chính Bamboo Airways trên phố Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc)

Kế hoạch mở mới đường bay

Ngày 9/9 vừa qua, Bamboo Airways công bố kế hoạch mở ba đường bay thẳng từ Hà Nội, Vinh và Hải Phòng đi huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) từ ngày 29/9.

Theo lời Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Quân, việc mở ba đường bay tới Côn Đảo là một phần trong kế hoạch hồi phục sau dịch mà Bamboo Airways từng "ủ mưu" trong thời gian phong tỏa.

Do hạn chế về tải trọng cũng như chiều dài đường băng, Bamboo Airways không thể khai thác các dòng tàu bay thông dụng như Airbus A320, A321 cho chặng Côn Đảo mà phải dùng loại tàu nhỏ hơn là Embraer E195.

Đây là loại máy bay phản lực khu vực (RJ) do Brazil sản xuất với sức chứa tối đa 118 ghế nhưng Bamboo Airways cũng chỉ vận chuyển khoảng 100 khách mỗi chuyến do phải đảm bảo tải trọng tối đa ở Côn Đảo. Đổi lại, Bamboo Airways cung cấp dịch vụ khoang hạng Thương gia (Business) cho những hành khách có khả năng chi trả cao.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/8/2019, Bamboo Airways chỉ được phép khai thác các tàu thân hẹp Airbus A319, A320, A321 và tàu thân rộng Airbus A330, A350 và Boeing 787. 

Tuy nhiên trong quá trình hãng xin cấp phép bay đến Côn Đảo, Chính phủ đã đồng ý cho Bamboo Airways "khai thác các tàu bay Airbus, Boeing và các loại tương đương, trong đó có Embraer E195", Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trọng cho biết.

Trong thời gian tới, Bamboo Airways dự kiến sử dụng tàu E195 này để mở các đường bay mới tới các sân bay hạn chế về đường băng tương tự Côn đảo như Điện Biên, Cà Mau và Kiên Giang. 

Ngoài ra, hãng cũng có thể mở thêm đường bay Đà Nẵng - Côn Đảo khi tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng để kiểm soát hoàn toàn. Đây là đường bay mà Bamboo từng tính đến nhưng rồi phải gác lại vì dịch tái bùng phát.

Về mạng bay quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đã lập kế hoạch nối lại các chặng bay thường lệ tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Đài Loan, Lào và Campuchia từ ngày 15/9 hoặc 22/9. Các hãng hàng không được chỉ định tham gia mở lại đường bay quốc tế giai đoạn đầu bao gồm Vietjet Air, Vietnam Airlines và Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines).

Bamboo Airways – hãng hàng không của Tập đoàn FLC - không có mặt trong đợt bay quốc tế đầu tiên này nhưng Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trọng kì vọng sẽ được tham gia trong giai đoạn mở rộng, dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Lãnh đạo Bamboo Airways cho biết trong những tháng chưa mở lại bay thường lệ quốc tế, hãng vẫn thực hiện nhiều chuyến bay chở hàng ra nước ngoài cũng như những chuyến được cấp phép đặc biệt để đưa công dân hồi hương, tạo thêm doanh thu và tận dụng năng lực tàu bay.

Bamboo Airways tìm đường hồi phục sau dịch - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways. (Ảnh: Đức Quyền)

"Chúng tôi đã khai thác nhiều chuyến bay quốc tế để giải cứu công dân từ châu Âu, Đông Bắc Á và mới đây nhất là Australia; ngoài ra còn có các chuyến chở hàng hóa, trong đó có vật tư y tế như khẩu trang vải đi châu Âu, đang chuẩn bị chở đi Mỹ và Đông Bắc Á", Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Quân nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bamboo Airways cũng cho hay hãng đã tranh thủ thời gian phong tỏa vì dịch để đào tạo nhân lực, bảo dưỡng tàu bay, … chuẩn bị cho thời gian hồi phục sắp tới.

Các hãng hàng không khác cũng có những động thái tương tự. Chẳng hạn Vietnam Airlines cũng dùng thời gian máy bay nằm đất để lắp cánh cong cho các tàu thân hẹp trong gia đình A320, A321, qua đó giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

Thách thức từ cạnh tranh và hai đợt bùng phát Covid-19

Trước khi có dịch Covid-19, Bamboo Airways dự kiến chiếm 30% thị phần hàng không trong nước, nâng qui mô đội bay từ 22 chiếc lên 40 chiếc trong năm 2020. Sau khi dịch bùng phát đợt 1, Bamboo Airways hạ mục tiêu đội bay còn 30 chiếc.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trọng chia sẻ "Hồi tháng 4 khi cả nước phong tỏa chống dịch, mỗi hãng hàng không chỉ được bay vài chuyến một ngày. 'Anh cả đỏ' Vietnam Airlines có ngày được ba chuyến, Bamboo Airways có ngày được một chuyến, có ngày không được chuyến nào".

"Về kết quả kinh doanh thì hãng hàng không nào cũng khó khăn, doanh thu giảm rất tệ", ông Trọng nói nhưng không cung cấp con số chi tiết về Bamboo Airways.

Bamboo Airways tìm đường hồi phục sau dịch - Ảnh 4.

Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng. (Ảnh: Đức Quyền)

Tuy vậy, thị trường cũng hàng không cũng có những điểm sáng le lói giữa địa dịch. "Trong tháng 6 và đầu tháng 7, tôi không ngờ là thị trường hồi phục rất nhanh. Chúng tôi khai thác các đường bay nội địa gần như bằng với các năm trước. Nếu dịch đợt 2 không bùng phát ở Đà Nẵng hồi cuối tháng 7 thì chúng tôi cũng không phải kêu gọi giảm giá phí".

Bình luận này của ông Nguyễn Ngọc Trọng khá tương đồng với chia sẻ hồi đầu tháng 8 của lãnh đạo Vietnam Airlines.

Theo ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, dịch Covid-19 tái bùng phát ngày 25/7 tại Đà Nẵng đã làm tổng số chuyến bay trên toàn mạng nội địa của Vietnam Airlines giảm gần 80%, bẻ gãy đà hồi phục nhanh chóng của hàng không Việt.

Ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết dòng tiền của Tổng công ty cải thiện khoảng 1.700 tỉ đồng trong tháng 6 và 7 khi dịch bệnh được kiểm soát và người dân đi du lịch nhiều. Tuy nhiên dịch bệnh xuất hiện trở lại trong cộng đồng khiến công ty lại lâm vào thế khó.

Lãnh đạo Bamboo Airways tin tưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và thị trường hàng không hồi phục, các hãng bay sẽ cải thiện kết quả kinh doanh.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng nói: "Trước đây chỉ có một hãng hàng không duy nhất là Vietnam Airlines, thời vàng son cũng lãi khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Sau này có thêm Vietjet, nhiều người lo cạnh tranh gay gắt. Thực tế có cạnh tranh thật nhưng các hãng vẫn phát triển lớn mạnh, lợi nhuận hàng năm của Vietnam Airlines tăng lên 2.000, rồi thậm chí 2.500 tỉ. Năm 2019, Bamboo Airways bắt đầu gia nhập thị trường, nhiều người lại lo cạnh tranh gay gắt nhưng các hãng hàng không năm ngoái đều có lãi cả".

Trước khi đến với Bamboo Airways đầu năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Trọng từng có nhiều năm làm Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.