Cô lập Huawei nhưng Mỹ không thể rời Huawei

Trước những đòn đánh tới tấp của Mỹ vào Huawei, Trung Quốc đã tìm ra cách trả đũa để tránh leo thang thương chiến khi lẳng lặng tìm cách tự chủ công nghệ, không lệ thuộc vào các hệ điều hành và con chip từ các doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.
Cô lập Huawei nhưng Mỹ không thể rời Huawei - Ảnh 1.

Huawei thực sự đang chi phối thế giới - Ảnh: REUTERS

Chúng ta đang không nghĩ tới tình thế này sẽ dội ngược trở lại thế nào khi chúng ta đang ứng phó với một Trung Quốc đã tự chủ hơn, lớn mạnh hơn và đã giảm phụ thuộc hơn nhiều vào Mỹ

Ông Ali Wyne (nhà phân tích chính sách của Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận RAND Corporation) nhận định

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã hé lộ khả năng kháng cự với những "đòn" của Mỹ khi trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg ngày 26/5.

Theo đó, ông Nhậm khẳng định Huawei đã thực hiện phát triển các loại chip điện tử trong nhiều năm nay, cũng như xây dựng phần mềm riêng cho điện thoại và hệ điều hành của họ. 

Ngoài ra, hãng này cũng sẽ nhanh chóng tìm nguồn cung thay thế để giữ vững lợi thế cạnh tranh hiện tại trong lĩnh vực hạ tầng 5G.

Có lộ trình từ trước

Cho tới nay, Trung Quốc đã triển khai kế hoạch chiến lược Made in China 2025 của chính phủ được 4 năm. 

Đây là chiến lược được thông qua vào tháng 5/2015, nhằm đưa các nhà sản xuất nội địa trở thành lực lượng chiếm ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn, công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo và xe tự lái.

Trung Quốc tiêu thụ tới 60% lượng cung chất bán dẫn toàn cầu, nhưng mới chỉ sản xuất được 13%. Made in China 2025 được khởi động cũng từ mối lo một ngày nào đó Trung Quốc sẽ bị Mỹ đe dọa giống như tình huống xảy ra hôm nay với Huawei.

Chính ông Nhậm Chính Phi, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài CCTV (Trung Quốc) tuần trước, cho biết ông đã bắt đầu tích trữ các linh kiện, bộ phận chủ chốt và tăng tốc quá trình này sau khi con gái ông, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt tại Canada hồi tháng 12 năm ngoái. 

"Chúng tôi đã chuẩn bị - ông Nhậm nói - Chúng tôi không kiểm soát được những gì phía Mỹ sẽ làm với chúng tôi". Nhưng ông Nhậm cũng nói bất cứ sự gián đoạn nào, nếu có, với Huawei cũng sẽ chỉ là tạm thời.

"Ngay cả khi không nhận đủ nguồn cung từ các đối tác, chúng tôi cũng sẽ không gặp phải vấn đề gì. Đó là vì chúng tôi đã có thể sản xuất tất cả những loại chip tối tân cần có. 

Ngay cả trong lúc yên ổn, chúng tôi cũng đã áp dụng chính sách 1+1: một nửa số chip của chúng tôi đến từ các công ty Mỹ và nửa còn lại là của Huawei" - ông Nhậm nói.

Dĩ nhiên, có thể nói ông Nhậm đang cố "nói cứng" trong tình thế khó khăn, song xu thế tiến dần về phía độc lập, tự chủ công nghệ trong tầm nhìn của nhà lãnh đạo doanh nghiệp này là sự thật không thể chối cãi, ngay với chính giới chuyên gia Mỹ.

Thế giới phụ thuộc Huawei?

Người Mỹ có thể cô lập Huawei, nhưng cũng chính người Mỹ không thể tách rời Huawei. 

Theo báo New York Times (NYT), hàng tỉ bit dữ liệu của doanh nghiệp, người dân Mỹ vẫn sẽ phải "đổ" qua hệ thống tuyến cáp quang dưới biển do công ty con Huawei Marine của Huawei quản lý và thông qua rất nhiều vệ tinh kết nối thông tin toàn cầu đang nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc.

Có một sự thật, trong nhiều tuyên bố, công khai hay riêng tư, các quan chức tình báo cũng như lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông của Mỹ đều đã thừa nhận dù thế nào thì ông Trump và nước Mỹ của ông sẽ vẫn phải vận hành trong một thế giới không thể xa rời Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc.

Họ đã và đang kiểm soát 40-60% mạng lưới dữ liệu thông tin toàn cầu, theo báo NYT và trên nền tảng đó là thông tin về mọi hoạt động liên lạc, hợp tác, riêng tư của tất tần tật lĩnh vực.

Trong khi chính quyền Mỹ tăng áp lực lên các đồng minh nhằm cản trở lộ trình phát triển mạng 5G của Huawei, "gã khổng lồ" Trung Quốc này đã lặng lẽ giành vị thế đáng kể trên thị trường toàn cầu ở một trong những thành phần trọng yếu nhất của hạ tầng viễn thông - các tuyến cáp ngầm dưới đáy biển.

Hầu như mọi hoạt động truyền tải dữ liệu trên thế giới đều đi qua hệ thống cáp này. Mặc dù các vệ tinh liên lạc cũng được sử dụng, nhưng lượng dữ liệu đi qua chúng chỉ chiếm khoảng 1%, theo tạp chí Nikkei Asian Review.

Tháng 9 năm ngoái, công ty này gây sốc với các ông trùm dẫn đầu ngành công nghiệp cáp ngầm là SubCom của Mỹ, NEC của Nhật và Alcatel-Lucent của châu Âu khi công bố hoàn thành tuyến cáp xuyên biển dài 6.000km xuyên Đại Tây Dương, nối giữa Nam Mỹ và châu Phi.

Mặc dù ông Trump hay các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông dẫn ra các lập luận khác nhau để giải thích lý do ngăn chặn Huawei, song có một điểm chính: nỗi lo của họ về việc các dữ liệu truyền tải trên hệ thống mạng bị đánh cắp không lớn bằng nỗi ám ảnh về tình huống khi xảy ra xung đột, phía Trung Quốc có thể bất ngờ "ngắt mạch", chặn đứng dòng lưu chuyển dữ liệu ấy.

Đó là vì phần lớn những thông tin nhạy cảm nhất của Mỹ khi lưu chuyển qua hệ thống mạng Internet toàn cầu, bao gồm cả những trao đổi liên lạc quân sự và dữ liệu tài chính, đều đã được mã hóa. 

Do đó, theo giới quan sát, nỗi lo lớn nhất của Mỹ trong vấn đề này là theo thời gian, Trung Quốc sẽ giành được vị thế thống lĩnh trong các hệ thống chuyển mạch và hệ thống cáp ngầm xuyên biển truyền dữ liệu.

Đi đầu về truyền tải dữ liệu

Theo tạp chí Nikkei Asian Review, trong giai đoạn 2015-2020, Huawei dự kiến hoàn thành 20 tuyến cáp mới, hầu hết là các tuyến có chiều dài dưới 1.000km.

Theo đó, ngay cả khi Mỹ thành công trong việc cản bước Huawei khỏi lĩnh vực phát triển mạng 5G tại nhiều nước lớn, công ty Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục duy trì được vị thế hàng đầu của họ trong việc xử lý truyền tải dữ liệu toàn cầu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.