Ở nơi Huawei còn là ông vua

Cán cân trong “cuộc chiến công nghệ” Mỹ - Trung tại châu Phi là một bức tranh khác, nơi lãnh đạo châu Phi lâm vào tình thế khó xử. Ở đây, Huawei là một "ông vua".
Ở nơi Huawei còn là ông vua - Ảnh 1.

Người dân chọn mua điện thoại tại một cửa hàng ở châu Phi. (Ảnh: AFP).

Câu chuyện công nghệ, mà cụ thể Huawei, đang được xem như khởi đầu cho một "cuộc chiến tranh lạnh công nghệ", theo cách nói của các chuyên gia với đài BBC ngày 26/5. 

Nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới người dùng điện thoại và sử dụng các dịch vụ khác của Huawei trên toàn cầu. Trong đó, châu Phi là một "chiến địa" đặc biệt.

Vùng đất Huawei

Hầu hết người châu Phi đang sử dụng điện thoại Trung Quốc để kết nối Internet, thông qua những nền tảng cũng do Trung Quốc xây dựng. Và ít nhất một nửa số ấy là của Huawei.

Ông Eric Olander, người đang làm việc cho dự án China Africa ở Nam Phi, cho rằng Huawei đang xây dựng số lượng lớn các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở châu Phi. Và nếu Mỹ thành công trong việc kiềm chế công ty này, dư chấn của nó sẽ làm tổn hại ngành công nghệ ở đây.

Nguy cơ châu Phi bị ảnh hưởng là có thật, dù tới nay Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa kêu gọi các quốc gia lục địa đen theo chân Mỹ "tẩy chay" Huawei, như các đồng minh khác của Washington.

Mặc dù thế, tín hiệu rõ ràng trong thông điệp về "nguy cơ an ninh" do Huawei mang lại vẫn xuất hiện.

Trong một bài viết vào tháng 1/2018, tờ Le Monde (Pháp) phát hiện hệ thống máy tính của Liên minh châu Phi (AU) đặt tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) đã bị xâm phạm. Công ty lắp đặt hệ thống này không phải ai khác mà chính là Huawei. 

Theo đó, trong vòng suốt 5 năm, từ đúng nửa đêm tới 2h sáng, dữ liệu từ máy chủ AU sẽ được chuyển đến máy chủ ở Thượng Hải, cách đó 8.000 km.

Cả quan chức AU và Trung Quốc đều bác bỏ công bố này. Đa số chính phủ châu Phi, ngay cả ở những quốc gia có quan hệ an ninh mật thiết với Mỹ, đều đứng ngoài cuộc tranh luận về Huawei. 

Lí do cho sự im lặng này được cho là khá hiển nhiên: Huawei hiện đang kinh doanh rộng khắp châu Phi, bao gồm cả vai trò nhà cung cấp điện thoại lớn tại đây. 

Nhà nghiên cứu lâu năm Cobus van Staden, chuyên gia về quan hệ Trung - Phi tại Học viện quốc tế Nam Phi, cho biết Huawei xây dựng phần lớn hệ thống mạng 4G cho châu lục này.

Ở nơi Huawei còn là ông vua - Ảnh 2.

Trụ sở African Union ở Addis Ababa, Ethiopia. (Ảnh: AFP).

Giám đốc điều hành Bob Collymore của Tập đoàn viễn thông Safaricom (Kenya), cho biết Huawei từng là "một đối tác tuyệt vời trong nhiều năm". 

Ông bình luận: "Chúng tôi muốn gắn bó cùng các đối tác nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, có thể sẽ có vài khó khăn nếu có lệnh cấm công công ty Mỹ làm ăn cùng Huawei, vì đây là quan hệ làm ăn kết nối chặt với nhau".

Huawei khai trương văn phòng đầu tiên tại châu Phi vào năm 1998. Gần đây, hãng đã liên tục thắng các hợp đồng xây dựng mạng viễn thông 5G trên khắp lục địa này.

"Quy mô hiện tại của Huawei tại đây được tạo nên, nhờ việc họ là doanh nghiệp đầu tiên khai thác tiềm năng kinh tế công nghệ thông tin của châu Phi, cũng như có đủ nguồn lực hỗ trợ cho các dự án của mình. Ngoài ra, họ còn được giúp đỡ bởi điều kiện cho các gói hỗ trợ của Trung Quốc, buộc chính phủ tại châu Phi hợp tác cùng doanh nghiệp Trung Quốc", ông Van Staden giải thích.

"Chủ nghĩa thực dân kĩ thuật số"

Theo Công ty nghiên cứu công nghệ IDC, Huawei hiện là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ tư châu Phi, đứng sau công ty Trung Quốc khác là Transsion (hãng sở hữu các thương hiệu như Tecno và Infinix), và sau Samsung của Hàn Quốc.

Cả bốn thương hiệu lớn này đều sử dụng hệ điều hành Android của Google.

Sự thống trị của Huawei cũng như mối quan hệ của hãng này với chính phủ các nước châu Phi sẽ gặp thử thách nếu "cuộc chiến công nghệ" giữa Mỹ và Trung Quốc quay sang đe dọa Huawei ở châu lục này.

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, dự đoán rằng câu chuyện sẽ trôi về hướng biến xung đột thành hai lựa chọn rõ ràng: Internet của Trung Quốc và Internet không của Trung Quốc, do Mỹ dẫn đầu.

Khi ấy, theo bà Harriet Kariuki - chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - châu Phi, thì châu Phi không nên "chọn phe". 

Bà nói: "Đây không phải cuộc chiến của chúng tôi. Chúng tôi chỉ nên tập trung vào việc mình làm thôi. Đây có vẻ là thời điểm châu Phi cân nhắc phát triển công nghệ của riêng mình, liên quan tới thị trường của chính mình, thay vì trở thành những khách hàng thụ động. Tôi muốn thấy các nước châu Phi sát cánh bên nhau và đẩy lùi chế độ 'chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số' như thế này".

Một số chuyên gia khác cũng nói với đài BBC, rằng Huawei đang chiếm lĩnh thị trường châu Phi nhờ giá thành và việc khai thác tốt nơi này. 

Nhưng họ đều đồng ý rằng châu Phi không nên chọn phe, ngoại trừ Fazlin Fransman. Nhà nghiên cứu đang làm việc cho Viện Nghiên cứu Moja ở Nam Phi này, cho rằng sự bùng nổ Internet hiện nay ở châu Phi chủ yếu nhờ đầu tư từ các công ty công nghệ Trung Quốc. Vì vậy, theo bà Fransman, châu Phi thực ra đã chọn phe. Và phe ấy là Trung Quốc.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.