Bài viết thể hiện quan điểm của ông Wang Xiangfei, cố vấn biên tập của tờ South China Morning Post tại Bắc Kinh.
Thương chiến Mỹ-Trung đang tiến lên một nấc thang nguy hiểm, với việc Washington cấm Huawei mua phần mềm và chất bán dẫn do các công ty Mỹ sản xuất, và đe dọa sẽ đưa vào danh sách đen thêm nhiều công ty công nghệ hàng đầu nữa của Trung Quốc.
Mặc dù Mỹ có lí do chính đáng là giảm bớt sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, việc Washington cấm Huawei và các công ty Trung Quốc khác sử dụng các bộ phận và phần mềm do các công ty Mỹ sản xuất, với lí lẽ đảm bảo an ninh quốc gia, là nhằm để kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Điều này rất nguy hiểm vì nó có thể gây thêm căng thẳng song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh thực sự.
Một bên, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng sử dụng lời đe dọa cấm Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, để đạt được nhiều nhượng bộ hơn từ Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại, như ông đã làm với công ty viễn thông Trung Quốc ZTE trong năm 2018.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cũng đã và đang đưa ra những quan điểm lên án rằng Mỹ đang bắt nạt các công ty Trung Quốc. Và lời đe dọa mới nhất của chính quyền Trump chỉ gây thêm áp lực cho Bắc Kinh trong việc xem xét các biện pháp trả đũa lên các doanh nghiệp Mỹ.
Đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tỉnh Giang Tây, chuyến thị sát nội địa đầu tiên của ông kể từ khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang hai tuần trước. Mặc dù ông Tập đã không đề cập một cách rõ ràng về căng thẳng với Mỹ, nhưng báo chí nước ngoài đã nhanh chóng nhấn mạnh chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến một công ty sản xuất đất hiếm lớn của nước này.
Cụ thể, Trung Quốc là nhà sản xuất khoáng sản đất hiếm lớn nhất thế giới, vốn rất quan trọng đối với các sản phẩm sản xuất cao cấp, như chất bán dẫn. Do đó, một số nhà phân tích đã suy luận rằng chuyến thăm của ông Tập là một gợi ý tinh tế nhưng chắc chắn rằng nếu cần thiết, Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến thương mại kéo dài và gây tổn hại không kém cho ngành sản xuất công nghệ cao của Mỹ.
Nhưng trong khi Bắc Kinh chắc chắn đang chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất, rõ ràng cách tốt nhất vẫn là xoa dịu căng thẳng với Mỹ.
Cho đến nay, các quan chức cấp cao Trung Quốc không đưa ra những giọng điệu thách thức Mỹ trước công chúng. Ví dụ, hôm 21/5, đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải, nói với Fox News rằng Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đàm phán.
“Trung Quốc vẫn sẵn sàng tiếp tục cuộc hội đàm với các Mỹ để đạt thỏa thuận. Cánh cửa vẫn để mở”, ông nói.
Ngay chính người sáng lập Huawei cũng có những quan điểm xoa dịu tình hình.
Ông Nhậm Chính Phi không đồng tình với làn sóng người dân Trung Quốc tẩy chay Apple và mua sản phẩm Huawei nhân danh lòng tự hào dân tộc, ngay cả sau khi công ty của ông bị đưa vào danh sách đen của Mỹ - ngăn không cho họ mua phần mềm và sản phẩm do Mỹ sản xuất mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Ông Nhậm cho biết Huawei đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc đụng độ với Mỹ, vì Huawei đã trở thành một người khổng lồ công nghệ toàn cầu. Ông bác bỏ những lo ngại rằng lệnh cấm của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đối với hoạt động và khả năng sinh lời của công ty.
Mặc dù các công ty Mỹ như Google được cho là bắt đầu tuân thủ các quy định của Mỹ, ngừng hợp tác và cung cấp dịch vụ cho Huawei, ông Nhậm cho biết các công ty Mỹ không có lỗi. Trên thực tế, ông bày tỏ sự đánh giá cao đối với các công ty Mỹ vì sự đóng góp của họ cho sự phát triển của Huawei.
Ông Nhậm cho biết hỗ trợ Huawei không nhất thiết là phải mua điện thoại thông minh Huawei. Ông nhận định việc mua hay không mua sản phẩm của Huawei chỉ là một quyết định thương mại và không nên liên kết với chính trị hay lòng yêu nước.
Vì vậy, bây giờ, Trung Quốc sẽ là khôn ngoan để nghĩ về đại cục và không trả đũa các công ty Mỹ. Với việc ông Tập và ông Trump dự kiến sẽ gặp nhau tại hội nghị G20 ở Nhật Bản vào tháng tới, hai bên sẽ có cơ hội để đạt được thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng.