Trung Quốc chuẩn bị luật cấm công ty Mỹ

Dự thảo quy định mới của Bắc Kinh có thể trả đũa việc đàn áp của chính quyền ông Trump đối với công ty Trung Quốc Huawei, với lệnh cấm đối với các công ty Mỹ.

Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đề xuất một bộ các biện pháp an ninh mạng, nếu được kí kết thành luật, sẽ yêu cầu các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc "đánh giá rủi ro an ninh quốc gia" khi mua các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài, theo báo cáo của South China Morning Post.

Cơ quan giám sát internet của Trung Quốc được cho là công bố dự thảo quy định trực tuyến để nhận phản hồi công khai cho đến ngày 24/6. Các biện pháp dường như không chỉ rõ các rủi ro bảo mật tiềm ẩn, thay vào đó đề cập đến các điều khoản rộng của "rò rỉ, mất và chuyển dữ liệu quan trọng xuyên biên giới", và "mối đe dọa bảo mật chuỗi cung ứng".

Trung Quốc chuẩn bị luật cấm công ty Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Ông Nick Marro, nhà phân tích của công ty tư vấn Economist Intelligence Unit, cho biết một đạo luật như vậy sẽ giúp Bắc Kinh ngăn chặn công nghệ không mong muốn của Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies và 68 chi nhánh của công ty. Điều đó có nghĩa là giờ đây họ không thể mua các bộ phận và linh kiện từ các đối tác ở Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.

Không lâu sau, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, bao gồm Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cắt đứt quan hệ với Huawei. Việc Google thu hồi giấy phép Android của Huawei gây ra những lo ngại đặc biệt về tương lai của các thiết bị di động của công ty Trung Quốc chạy trên Android.

Trong khi đó, các báo cáo nổi lên nói rằng Huawei đang phát triển hệ điều hành thay thế của riêng mình. Dù vậy "hệ điều hành Huawei" được hiểu là "chưa sẵn sàng" trong thời điểm hiện tại và dự kiến sẽ sớm ra mắt vào mùa xuân tới.

Các nhà quản lý Huawei cho biết những động thái gần đây của Washington sẽ gây ra ít thiệt hại cho tập đoàn của họ nhưng sẽ gây hại cho người tiêu dùng.

 "Trong những ngày gần đây, các hạn chế, dựa trên các cáo buộc không có căn cứ, được áp dụng đối với Huawei để làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của chúng tôi" - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Huawei, Ken Hu, nói ở Đức ngày 23/5.

"Ở châu Âu, khoảng 3/4 người dùng điện thoại thông minh dựa vào điện thoại Android. Huawei chiếm khoảng 20% thị trường này. Những quyết định liều lĩnh như vậy có thể gây ra tác hại lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp ở châu Âu", ông nói.

Chính quyền Tổng thống Trump tìm cách bóp nghẹt Huawei vì những cáo buộc rằng họ có thể là gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, điều mà công ty thẳng thừng phủ nhận.

Tuy nhiên, ông Donald Trump ám chỉ rằng Huawei, mặc dù "rất nguy hiểm", có thể được sử dụng như một điều kiện thương lượng trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ rộng lớn hơn.

 "Có thể Huawei thậm chí sẽ được đưa vào một số loại thỏa thuận thương mại", ông Trump tuyên bố. "Nếu chúng tôi thực hiện một thỏa thuận, tôi có thể tưởng tượng Huawei được đưa vào một số hình thức, một phần của thỏa thuận thương mại."

Hai cường quốc thế giới hiện đang tham gia đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại leo thang. Vòng đàm phán thương mại mới nhất diễn ra tại Mỹ mà không có thỏa thuận, nhưng các bên đồng ý gặp nhau để đàm phán thêm tại Bắc Kinh. Vào ngày 9 tháng 5, chính quyền ông Trump tăng mức thuế từ 10 đến 25% đối với khoảng 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Cuối ngày, ông Trump ra lệnh tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Mỹ từ Trung Quốc, trị giá khoảng 300 tỉ USD.

Tất cả bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái, sau khi chính quyền ông Trump áp 25% thuế quan đối với hàng hóa trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc nhằm giải quyết thâm hụt thương mại, khiến Bắc Kinh kịp thời phản ứng. Kể từ đó, các bên trao đổi nhiều vòng thuế thương mại.

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.