Đường đã có sẵn chỉ cần quây lại, những tay đua F1 nổi tiếng sẽ lướt nhanh qua những con phố của thủ đô Hà Nội, giúp hình ảnh của thành phố được lan truyền khắp thế giới.
Tưởng chừng giải đua xe Công thức 1 (F1) sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để Hà Nội quảng bá hình ảnh, tuy nhiên câu chuyện lại không hề dễ dàng như vậy. Theo thống kê của Fomula Money, một thành phố sẽ mất khoảng 60 triệu USD để tổ chức một vòng đua F1 đường phố, chưa kể khoảng 40 triệu USD (tăng thêm khoảng 5%/năm) chi phí mỗi năm để nhận được quyền tổ chức vòng đua.
Chi lớn, Hà Nội sẽ nhận được gì?
Chi phí trên bao gồm thuê nhân sự, trải nhựa lại các con đường để phù hợp chuẩn đua F1, rào chắn các con đường, chuẩn bị sân khấu chính, chuẩn bị khu vực kỹ thuật cho các đội đua, bảo hiểm cho toàn bộ vòng đua cùng nhiều chi phí khác.
Giới chức thành phố Abu Dhabi khẳng định thắng lớn khi đầu tư vào đua xe Công thức 1 (F1). Ảnh: The National. |
Với nhiều thành phố, hợp đồng tổ chức thường kéo dài khoảng 10 năm với điều khoản phí tổ chức sẽ tăng 5% mỗi năm và tổng giá trị hợp đồng thường vào khoảng gần 400 triệu USD.
Hơn nữa với các chặng đua đường phố, dù chi phí ban đầu thấp nhưng sau mỗi năm, toàn bộ các hạng mục sẽ phải tái đầu tư một lần nữa thay vì có thể sử dụng lại như phương án xây dựng trường đua chuyên dụng.
Chính vì kinh phí tổ chức lớn nên Thủ tướng đã yêu cầu Hà Nội nếu đưa giải đua này về Việt Nam thì phải trên tinh thần sẽ xã hội hoá toàn bộ, không dùng ngân sách Nhà nước.
Theo Forbes ước tính, việc tổ chức 1 vòng đua đường phố F1 trong vòng 10 năm có thể khiến các thành phố tốn gần 1 tỷ USD. Vậy Hà Nội và các doanh nghiệp liên quan sẽ thu lại gì khi bỏ ra một khoản lớn như vậy?
Hiển nhiên nhất là thành phố và các doanh nghiệp liên quan sẽ thu được tiền vé của những khán giả đam mê môn thể thao tốc độ này. Theo tờ The National, năm 2016, Abu Dhabi, thủ đô của UAE đã bán được hơn 60.000 vé xem vòng đua F1, mỗi vé trị giá từ 600 USD cho 2 ngày vào cửa xem các tay đua tới 5.400 USD cho trọn vẹn 3 ngày của sự kiện bao gồm các buổi hòa nhạc hay các sự kiện bên lề.
Tờ này cũng nhận định hiện diện quốc tế và độ nổi tiếng của Abu Dhabi đã được nâng cao kể từ khi thành phố này công bố đứng ra tổ chức một vòng đua F1. Hình ảnh của thành phố được cho là gắn liền với nhữngđặc điểm của môn thể thao này, đó là tốc độ, công nghệ, sự dũng cảm và sự hiện đại.
"Có một hiệu ứng xuất hiện khi tham gia vào một môn thể thao có nhận diện toàn cầu", ông Donal Kilalwa, CEO của Promoseven Sport Marketing tại Dubai nhận định.
"Rất khó để vạch rõ cán cân giữa lợi ích kinh tế và chi phí đầu tư. Tuy nhiên, dưới dạng một công cụ marketing, vòng đua sẽ mang cả thế giới đổ dồn sự chú ý về thành phố của bạn", ông Kilalwa nói thêm.
Ông Rashid Aboobacker, chuyên gia từ TRI Consulting cho hay "Sự kiện F1 là một điểm thu hút khách du lịch quan trọng với Abu Dhabi. Sự kiện này thu hút hàng chục nghìn du khách tới thành phố mỗi năm".
"Tuy nhiên, quan trọng hơn, sự kiến giúp thành phố định vị vững chắc trên bản đồ du lịch quốc tế bên cạnh nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn khác và sẽ tiếp tục đóng vai trò là một công cụ marketing hiệu quả", ông Aboobacker nói.
"Chúng tôi không có số liệu cụ thể từ Sở Du lịch và Văn hóa Abu Dhabi về doanh thu sản sinh từ mỗi vòng đua F1. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp kín phòng khách sạn vào tháng 11/2015, khi vòng đua diễn ra, lên tới 83% so với mức 75,4% trung bình cả năm", chuyên gia từ TRI Consulting phân tích.
Trước UAE, Bahrain là nước Trung Đông đầu tiên đứng ra tổ chức đua F1 từ năm 2004 và tới nay nước này được cho là đã thu về 1 tỷ USD, theo số liệu từ Bahrain International Circuit.
Gần với Việt Nam hơn,theo thống kê của Hội đồng Du lịch Singapore (STB), giai đoạn 2008-2015, cuộc đua thu hút 350.000 khách quốc tế, mang về 150 triệu USD mỗi năm.
F1 và Hà Nội liệu có hợp nhau?
Với việc xã hội hóa toàn bộ chi phí, việc tổ chức một chặng đua F1 sẽ giúp Hà Nội thu về rất nhiều lợi ích về quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch trong khi áp lực về thu hồi vốn lại nằm ở các doanh nghiệp tham gia tổ chức.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu hình ảnh mà F1 mang lại có phải là hình ảnh mà Hà Nội đang muốn quảng bá. Nhìn ra khu vực, Singapore từng rất thành công khi quảng bá hình ảnh qua những chặng đua F1.
Singapore cũng từng thành công khi lựa chọn F1 để quảng bá du lịch. Ảnh: SingaporeGP. |
Quốc đảo này mang khung cảnh những tòa nhà trọc trời, hiện đại với kiến trúc độc đáo tới gần hơn với khán giả toàn cầu thông qua việc làm nền cho những chiếc xe hơi nhanh nhất thế giới tranh tài trên chính đường phố Singapore.
Giống như Abu Dhabi, F1 là sự lựa chọn hợp lý cho Singapore khi thành phố này muốn quảng bá đến thế giới một hình ảnh hiện đại, năng động, tốc độ và đặc biệt là sự giàu có.
Theo SCMP, Hà Nội không mang đặc trưng của một thành phố tổ chức đua F1, giải đua gắn liền với sự giàu có, với những nhà tài trợ như Rolex. Cây viết Nicolas Atkin của tờ này miêu tả xung quanh anh không phải là sự xa hoa với những hàng dài du thuyền mà những chiếc xe đua F1 thường lướt qua tại trường đua Monaco mà thay vào đó là những xe bán hàng rong ọp ẹp ở Hồ Hoàn Kiếm.
Cũng trong bài viết của mình, Atkin đã nói rất nhiều về vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội và những đặc trưng của thủ đô một nước thu nhập trung bình, những điều sẽ khó mà ăn nhập với màn trình diễn của hàng loạt tay đua lừng danh như Lewis Hamilton hay Sebastian Vettel.
Và tiêu đề mà Atkin lựa chọn cho bài viết của mình trên phiên bản báo giấy của SCMP là "Quá sớm cho một chặng đua F1 ở Hà Nội".
Dự báo thời tiết ngày 11/10: Miền Bắc tiếp tục chìm trong mưa lạnh, có nơi rét dưới 17 độ C
Đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa tiếp tục gây mưa rét cho Bắc Bộ, dự báo còn kéo dài thêm 2 ngày ... |