Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) là một trong nhiều doanh nghiệp nhà nước do UBND TP HCM quản lí, nằm trong danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trước năm 2021 theo quyết định mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, Satra nằm trong nhóm doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.
Kinh doanh ổn định với lợi nhuận nghìn tỉ mỗi năm, nhưng "ông lớn" Satra vẫn thận trọng với kế hoạch năm nay, vì thị trường bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt bởi các tay chơi trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính dồi dào.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trực thuộc UBND TP HCM. Công ty được thành lập năm 1995 với vốn điều lệ 893,5 tỉ đồng và 100% thuộc sở hữu của UBND TP HCM.
Satra là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trực thuộc UBND TP HCM. (Ảnh: Satra).
10 năm sau, Satra tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động lần đầu tiên, chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò quản lí sang doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo hình thức công ty mẹ, công ty con, được trực tiếp kinh doanh và đầu tư tài chính.
Đến năm 2010, Satra chuyển đổi mô hình thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con với 78 đơn vị thành viên, vốn điều lệ được nâng lên thành 3.600 tỉ đồng.
Đến nay, Satra hoạt động ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, bán buôn, bán lẻ lương thực, thực phẩm vẫn là thế mạnh nhất của "ông lớn" này. Ngoài ra, các hoạt động hiện nay của Satra còn có kinh doanh xăng dầu, vàng bạc đá quý, kho bãi, lưu trữ hàng hóa.
Ở lĩnh vực bất động sản, Satra là đơn vị đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng, mặt bằng, quầy cảng, dịch vụ kho vận…
Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Satra đạt 8.660 tỉ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm bắt đầu chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Dự kiến, năm nay, Satra sẽ nộp vào ngân sách 2.346 tỉ đồng. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Tại thời điểm ngày 31/12/2018, tổng tài sản Satra đạt 15.236 tỉ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm đầu năm.
Năm 2018, Satra nộp vào ngân sách Nhà nước 2.699 tỉ đồng. Năm 2016 và 2017 lần lượt là 3.875 tỉ và 2.598 tỉ đồng. Dự kiến, năm nay, "ông lớn" này sẽ nộp vào ngân sách 2.346 tỉ đồng.
Nhiều năm nay, Satra luôn là doanh nghiệp "con cưng" của TP HCM khi dẫn đầu về tỉ lệ đóng góp lợi nhuận của khối doanh nghiệp Nhà nước.
Đáng chú ý, tình hình kinh doanh tại doanh nghiệp này rất khả quan với doanh thu và lợi nhuận tăng đều từng năm. Vì vậy, dù đã thuộc hàng "gạo cội" khi là một trong những doanh nghiệp bán lẻ lâu đời, nhưng vị thế của Satra vẫn không lép vế so với các doanh nghiệp mới xuất hiện gần đây.
Kết thúc năm 2018, Satra đạt tổng doanh thu hợp nhất 18.186 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.054 tỉ đồng, tăng 7%.
Kết quả kinh doanh này của Satra tăng đều đặn, thấy rõ nhất trong giai đoạn 2014-2018, trung bình mỗi năm tăng hơn 10%.
Satra kinh doanh ổn định nhiều năm qua với lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Dù kết quả kinh doanh ấn tượng, tuy nhiên, ban lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Sài Gòn vẫn dè dặt về kế hoạch kinh doanh của năm nay, trước 1 năm thời điểm phải hoàn tất cổ phần hóa theo yêu cầu của Thủ tướng.
Theo đó, Satra đặt mục tiêu doanh thu đạt trên 20.100 tỉ đồng, tăng 11% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 15% so với cùng kì, còn 3.430 tỉ đồng.
Theo Satra, nguyên nhân là thị trường bán lẻ đang có sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tiềm lực tài chính mạnh. Vì vậy, Satra tỏ ra thận trọng, giữ chân khách hàng bằng nhiều chương trình khuyến mãi trong năm.
Tuy nhiên, dù mục tiêu lợi nhuận có phần dè dặt nhưng nửa đầu năm nay, tình hình kinh doanh của Satra không xấu như dự báo.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Satra tăng 7% so với cùng kì, xấp xỉ 4.000 tỉ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Satra đạt 281 tỉ đồng, tăng 18%.
Về các khoản chi phí của Satra cũng không đáng kể so với doanh thu, cụ thể, chi phí bán hàng ở mức 345 tỉ đồng, tăng 21%, chi phí quản lí doanh nghiệp giảm mạnh 53%, còn 152 tỉ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Satra đạt 1.949 tỉ đồng, gần bằng một nửa lợi nhuận cả năm 2018 và đã đạt 57% kế hoạch cả năm nay.
Nhận định về tình hình kinh doanh năm nay, lãnh đạo Satra cho biết Việt Nam vẫn là thị trường lớn của ngành phân phối hàng hóa tiêu dùng, trong đó mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ là phân khúc đang phát triển nhanh, đây là cơ hội để Satra đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần bán lẻ.
Về mô hình này, hiện Satra đang sở hữu hơn 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFood, đây được xem là mô hình cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.opFood của Saigon Co.op hay Vinmart+, VinEco thuộc Vingroup, hay tay chơi mới Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động.
Lãnh đạo Satra cho biết thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng nhưng đang bị cạnh tranh khốc liệt. (Ảnh: SGTT).
Tuy nhiên, lãnh đạo Satra cũng cho rằng thị trường bán lẻ hiện đang cạnh tranh gay gắt bởi những nhà bán lẻ có tiềm lực mạnh trong và ngoài nước. Trong khi đó, các dự án đầu tư lại gặp khó khăn do thủ tục triển khai đầu tư xây dựng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ chung của tổng công ty.
"Satra sẽ bám sát định hướng là nhà phân phối lớn với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, kho hàng tại TP HCM và các trung tâm đô thị lớn của cả nước", Tổng giám đốc Satra Lê Minh Trang cho biết.
Ngoài ra, doanh nghiệp lớn trực thuộc UBND TP HCM này cho biết thêm sẽ tập trung vào 2 mũi nhọn là kinh doanh và đầu tư, nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ.
Đáng chú ý, Satra cho rằng khuyến mãi lớn xuyên suốt trong năm sẽ là chiến thuật để doanh nghiệp giữ được khách hàng cũ và tăng lượng khách hàng mới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.