Lãi nghìn tỉ nửa đầu năm 2019, Agribank than khó cán đích cổ phần hóa trước năm 2021

Lợi nhuận nửa đầu năm 2019 đạt 8.200 tỉ đồng, cao hơn con số cả năm 2018. Tuy nhiên, Agribank vẫn cho biết quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ, bởi nhiều thách thức, vướng mắc mà ngân hàng khó có thể tự giải quyết được.

Trong khi 3 ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" là BIDV, Vietcombank và VietinBank đã hoàn hành cổ phần hóa, tìm được các đối tác nước ngoài thì "ông lớn" còn lại là Agribank vẫn tỏ ra thận trọng với nhiệm vụ được giao.

0b1ngan-hang-doanh-nghiep-bb-baaacyok7k-15419402175231413974405

Agribank là ngân hàng duy nhất chưa cổ phần hoá trong nhóm "Big 4". (Ảnh: NLĐ).

Tuy nhiên, Agribank hiện chỉ còn hơn 1 năm "chạy đua" về đích cổ phần hóa bởi mới đây, Thủ tướng đã ra quyết định thúc 93 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có Agribank phải nhanh chóng thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Theo quyết định này, Agribank là 1 trong 4 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên. 

Agribank đang đứng đầu về quy mô tài sản

Agribank được thành lập năm 1988, theo Quyết định số 53/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với tên gọi là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam. Hai năm sau, ngân hàng này được đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.

Năm 1996, Agribank được đổi tên một lần nữa thành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho đến nay. 

Ngày 30/1/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 214 phê duyệt việc chuyển đổi hình thức sở hữu của Agribank từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Đến nay, Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm "Big 4" chưa thực hiện cổ phần hóa, với 100% tỉ lệ sở hữu đều thuộc Nhà nước. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-12 lúc 15

Agribank đang dẫn đầu về dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Trong khi đó, tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng còn lại đã giảm đáng kể. Cụ thể, hiện vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, Vietcombank là 77,11% và BIDV là 95,28%.

Tính đến cuối năm 2018, Agribank vẫn giữ vững được vị thế "anh cả", khi dẫn đầu về quy mô tài sản so với 3 ngân hàng còn lại là BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,28 triệu tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì năm 2017. 

Dư nợ cho vay và huy động tiền gửi cũng vượt mốc 1 triệu tỉ đồng, cao hơn nhiều so với các ngân hàng còn lại.

 Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng hơn 1 triệu tỉ, huy động tiền gửi khách hàng đạt 1,1 triệu tỉ đồng.

Ngoài ra, nhằm tăng năng lực tài chính trước khi cổ phần hóa, thời gian qua, Agribank đã tập trung mọi nguồn lực để xử lí thu hồi nợ sau xử lí. 

Cuối năm 2018, nhà băng vượt mục tiêu thu hồi nợ đã xử lí rủi ro và nợ bán cho VAMC (nợ sau xử lí) đề ra, trong đó thu hồi nợ đã xử lí rủi ro tăng 22% so với năm 2017.

Tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2018 là 1,51%, giảm 0,03% so với năm 2017.

Agribank đang kinh doanh ra sao?

Tính đến hết tháng 7/2019, tổng doanh thu của Agibank đạt 70.759 tỉ đồng, tăng 11.627 tỉ, tương đương tăng hơn 20% so với cùng kì năm 2018.

Lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 8.200 tỉ đồng, tăng 127% so với cùng kì. Với kết quả kinh doanh trên, Agribank hoàn thành được 75% kế hoạch cả năm.

anh-chup-man-hinh-2019-08-20-luc-104750-15662730046481734077888

Nửa đầu năm 2019, lợi nhuận của Agribank vượt kết quả cả năm 2018. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế trong 7 tháng đầu năm 2019 của Agribank vượt cả con số lợi nhuận kiếm được của cả năm 2018. 

Năm ngoái, lãi trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 7.552 tỉ đồng.

Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, doanh thu phí dịch vụ của Agribank đạt gần 4.000 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kì. 

Đại diện ngân hàng cho hay bên cạnh việc xử lí nợ xấu, chất lượng tín dụng cũng được cải thiện bằng các giải pháp xử lí được triển khai đồng bộ, kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, đưa dòng vốn quay vòng và phát huy tác dụng đầu tư phát triển kinh tế.

Tính đến ngày 31/7, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỉ đồng, dư nợ cho vay hơn 1 triệu tỉ đồng.

Cùng với đó, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng đang ở mức 1,49%, thấp hơn so với mức 1,96% của cùng kì năm ngoái và tiếp tục giảm được 0,02% so với đầu năm.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-12 lúc 15

Agribank đang tích cực giảm nợ xấu cho kế hoạch cổ phần hoá trước năm 2021. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lãnh đạo Agribank cho biết nửa đầu năm nay đã tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, sản phẩm dịch vụ.

Agribank chủ yếu triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.

Agribank than khó cổ phần hóa, nan giải nhất là định giá đất đai

Dù đạt được kết quả khả quan trong hoạt động kinh doanh nhưng lãnh đạo Agribank vẫn than khó về lộ trình phải thực hiện cổ phần hóa, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Năm nay được xem là năm bản lề để Agribank chuẩn bị cổ phần hóa, cũng là năm Agribank xác định tiếp tục tập trung triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2. 

agribank-cung-no-luc-xoa-tin-dung-den-165610_virh

Agribank than khó cổ phần hoá vì đang quản lí gần 3 triệu m2 đất đai. (Ảnh: Agribank).

"Mặc dù mong muốn diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được", lãnh đạo Agribank cho biết.

Vấn đề nan giải nhất của Agribank hiện nay là "bài toán" định giá đất đai. 

Agribank cho biết hiện ngân hàng đang có tổng tài sản rất lớn, riêng đất đai thuộc quyền quản lí sử dụng của ngân hàng đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng. 

Số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Do đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương xử lí từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-12 lúc 15

Vốn điều lệ Agribank không thay đổi nhiều trong 5 năm qua. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Ngoài ra, Agribank còn than khó về việc tăng vốn. Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện vốn điều lệ của Agribank đang thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại, chỉ gần 30.500 tỉ đồng.

Một áp lực khác hiện nay là tỉ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70%, và chủ yếu là cho vay không có tài sản bảo đảm, dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh, khoảng 70.000-80.000 tỉ đồng mỗi năm. 

Đầu năm nay, trong một cuộc họp với Bộ Tài chính, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cho biết ngân hàng đã có đề án trình Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ cấp bổ sung 20.200 tỉ đồng giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay số này vẫn chưa được phê duyệt.

"Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới tuy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế", lãnh đạo Agribank cho biết.