Người dùng bây giờ chỉ gọi Zalo, Viber, 2 'ông lớn' MobiFone và VNPT làm ăn ra sao trước cổ phần hóa?

Cả MobiFone và VNPT đều cho rằng các dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, tin nhắn... đang suy thoái, trong khi đó, Zalo, Viber, Skype… đang lên ngôi khiến kết quả kinh doanh phần nào bị ảnh hưởng.

Trong danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 mà Thủ tướng đã kí quyết định phê duyệt, có nhiều ông lớn của các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực viễn thông có Tổng công ty Viễn thông MobiFone và công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).

Theo quyết định của Thủ tướng, cả 2 doanh nghiệp này cùng nằm trong diện thực hiện cổ phần hóa do nhà nước nắm trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

2 'ông lớn' viễn thông MobiFone và VNPT có tổng tài sản hơn chục nghìn tỉ đồng

Là 2 doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực viễn thông, nắm khoảng một nửa thị phần thuê bao di động của cả nước, MobiFone và VNPT có kết quả kinh doanh khá khả quan trong nửa đầu năm nay, dù làn sóng dịch vụ trên nền tảng Internet như Zalo, Viber, Skype… đang phát triển mạnh.

trusomobifonetaihanoi_anhkimquy3_njrn-1562736122-width990height660

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Tổng công ty mẹ MobiFone đạt 29.182 tỉ đồng. (Ảnh: MobiFone).

Báo cáo tài chính do Tổng công ty mẹ MobiFone vừa công bố cho biết tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 29.182 tỉ đồng, giảm nhẹ 4% so với cuối năm ngoái.

Vốn chủ sở hữu Nhà nước tại MobiFone đến giữa năm 2019 đạt 15.000 tỉ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 5.080 tỉ đồng và lợi nhuận chưa phân phối là 150 tỉ đồng. 

Cuối tháng 6, tiền và các tài khoản tương đương tiền của Tổng công ty mẹ MobiFone 1.745 tỉ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến 11.678 tỉ đồng. 

Số tiền gửi ngân hàng gồm 8.445 tỉ đồng tiền gốc và 329 tỉ đồng tiền chênh lệch nhận được so với tiền gốc đầu tư ban đầu. Báo cáo cũng thể hiện MobiFone đã nhận lại trong thương vụ hoàn trả việc mua 95% cổ phần AVG. 

Riêng lãi tiền gửi ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 418 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kì 2018.

Tương tự MobiFone, nửa đầu nay, tổng tài sản của VNPT cũng giảm 4% so với đầu năm, còn 93.550 tỉ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền của VNPT là 2.418 tỉ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của VNPT đạt 35.310 tỉ đồng.

images1889085_VNPTt

Nửa đầu nay, tổng tài sản của VNPT đạt 93.550 tỉ đồng. (Ảnh: VNPT).

Chiếm khoảng 40% tổng tài sản doanh nghiệp và 56% vốn góp của chủ sở hữu VNPT là các khoản mục tiền mặt và tiền gửi (37.728 tỉ đồng).

Đáng chú ý, nhiều năm qua, tổng tài sản, tiền mặt, tiền gửi của VNPT và MobiFone đều rất lớn, và duy trì trên con số hơn chục nghìn tỉ.

VNPT và MobiFone đang làm ăn ra sao?

Báo cáo tài chính của Tổng công ty mẹ MobiFone cho biết doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay đạt 15.168 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kì. 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của MobiFone lên đến 17.231 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng gấp 5 lần cùng kì, lên đến 535 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp lại được cắt khá nhiều, khiến lợi nhuận trước thuế của MobiFone tăng đáng kể.

Tổng lợi nhuận trước thuế của MobiFone nửa đầu 2019 nay đạt 2.644 tỉ đồng. Cùng kì năm ngoái, lãi trước thuế của MobiFone là 2.435 tỉ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của MobiFone đạt 9%.

Đại diện MobiFone cho biết đây là kết quả kinh doanh khả quan khi hoàn thành được 43,8% kế hoạch của cả năm 2019. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-26 lúc 22

Lợi nhuận trước thuế của MobiFone và VNPT vẫn tăng trưởng lần lượt 9% và 11% so với cùng kì. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Nhìn vào kết quả kinh doanh từ năm 2016 đến nay, lợi nhuận của MobiFone đều tăng trưởng đều đặn hàng năm. Năm 2016 này, lãi trước thuế của MobiFone đạt 5.347 tỉ. Năm 2017, con số này tăng lên thành 5.642 tỉ, tăng 5,5%. Năm 2018, lãi tiếp tục tăng thêm 5%, đạt 5.919 tỉ đồng.

Trong khi đó, báo cáo hoạt động kinh doanh hợp nhất của VNPT cũng rất ấn tượng khi lãi lên đến nghìn tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNPT đạt 26.188 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kì năm ngoái.

Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 23% so với cùng kì, tăng lên thành 1.320 tỉ đồng. Chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp cũng nối đuôi tăng theo.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VNPT đạt 3.563 tỉ đồng. Cùng kì năm ngoái, con số này là 3.199 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 11%.

 Như vậy, với mục tiêu 7.090 tỉ đồng lãi trước thuế của cả năm nay, VNPT đã hoàn thành được 50,3% kế hoạch.

Zalo, Viber, Skype… đã lấy bớt lợi nhuận của VNPT và MobiFone

Thực tế, kết quả kinh doanh của 2 "ông lớn" trong ngành viễn thông là MobiFone và VNPT vẫn thể hiện tích cực trong bối cảnh làn sóng dịch vụ trên nền tảng Internet OTT như Zalo, Viber, Skype… đang phát triển mạnh.

1383614947212

Zalo, Viber, Skype… đã lấy bớt lợi nhuận của VNPT và MobiFone. (Ảnh: Techz).

Điều này được lãnh đạo của MobiFone và VNPT thừa nhận, bởi nó tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của dịch vụ viễn thông.

Trong bản báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018, đại diện MobiFone cho biết năm này, doanh thu  giảm từ 44.205 tỉ xuống chỉ còn 38.883 tỉ đồng, chủ yếu do thách thức chung của ngành viễn thông khi người dùng chuyển dần từ dịch vụ thoại truyền thống sang Zalo, Viber, Skype…

Vì vậy năm 2019, MobiFone cho biết sẽ tập trung phát triển các dự án trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh theo xu hướng chuyển đổi số, như IoT, M2M, ưu tiên các giải pháp chuẩn bị hạ tầng, nền tảng để triển khai thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng.

Bên cạnh đó, MobiFone sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng dung lượng mạng lõi và vùng phủ sóng mạng lõi vô tuyến, khắc phục chất lượng mạng 3G, lắp đặt thêm thiết bị tại các điểm đen. Đồng thời, triển khai nhanh thiết bị 4G để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh các dịch vụ data tốc độ cao…

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-27 lúc 08

Trước sự cạnh tranh của Zalo, Viber... cả VNPT và MobiFone đều có phần chững lại về doanh thu. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tương tự, VNPT cũng cho biết nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản như thoại, sms… đang ở thời kì suy thoái, nhu cầu sử dụng giảm vì vậy tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, VNPT cho biết sẽ rót 12.200 tỉ đồng, vào đầu tư mạng thông tin di động 4G, đẩy mạnh đầu tư, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, băng rộng, cố định và các dịch vụ data, dịch vụ IPTV Multimedia…

Ngoài VNPT và MobiFone, nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải cổ phần hoá đến hết năm 2020 do Thủ tướng vừa phê duyệt là một loạt các ông lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản, Công ty Vàng bạc đá quý SJC (SJC)…