Chiều 5/8, tại buổi họp báo chuyên đề, Bộ Tài chính đã công bố một số thông tin về kết quả thoái vốn, cổ phần hóa DNNN 6 tháng đầu năm 2019.
Về tình hình thoái vốn, tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.092 tỉ đồng, thu về 3.831 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong 6 tháng vừa qua, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn với tổng giá trị 1.333 tỉ đồng, thu về 2.174 tỉ đồng.
Cụ thể, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỉ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam, thu về 2.002 tỉ đồng, SCIC thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỉ đồng, thu về 166 tỉ đồng.
Lũy kế từ năm 2016 đến hết quý II/2019, tổng số thoái vốn đạt 24.157 tỉ đồng, thu về 169.787 tỉ đồng.
Về cổ phần hóa, lũy kế đến hết quý II/2019 đã có 35/127 doanh nghiệp nhà nước thực hiện xong việc cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN, chỉ hoàn thành 28% kế hoạch.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng kí giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đến hết quý II/2019, theo rà soát của Bộ Tài chính và UBCKNN, vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng kí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, 158 doanh nghiệp cũng được Bộ bổ sung vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng kí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Như vậy, đến nay còn 780 doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng kí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tính đến hết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chuyển giao 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỉ đồng (trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 822 tỉ đồng, năm 2018 đã chuyển giao 9 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 3.248 tỉ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC là Công ty cổ phần phát triển văn hóa du lịch Vũng Tàu, với số vốn nhà nước là 751 triệu đồng và Tổng công ty Thép Việt Nam, với 6.368 tỉ đồng.
Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỉ đồng.
Bộ Tài chính nhận định kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN diễn ra chậm. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng kí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch.
Đặc biệt, tỉ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.