Chiều nay (8/6), Quốc hội tiếp tục phiên họp chất vấn và trả lời chất nhóm vấn đề lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Đại biểu đoàn TP HCM Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề phải chăng thời gian qua đã có sự buông lỏng quản lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những cảnh báo của Bộ Tài chính về thị trường này không có hiệu quả.
Ông Nghĩa cho biết mục tiêu đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP nhưng đến cuối năm 2021 đã là 18,2%, tương đương gần 51 tỷ USD quy đổi. Con số này gấp ba lần so với năm 2018.
Thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm vừa qua, có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10. Trong số 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm qua, có doanh nghiệp phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.
"Có doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất cao tới 13%, doanh nghiệp vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng, gấp 47 lần. Có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ đồng, tỷ lệ gấp 28 lần", ông Nghĩa dẫn ví dụ.
Đại biểu đề nghị có giải pháp quản lý sao cho 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất những năm trước đây. Điều này có liên quan đến ngành ngân hàng, nên vừa rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thanh tra các ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng cần giải pháp cho tương lai.
Giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết số liệu do Ủy ban Chứng khoán và Vụ Tài chính Ngân hàng cung cấp thì trái phiếu doanh nghiệp tương đương 15% GDP.
Theo Bộ trưởng, từ trước đến nay, trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn chưa trả được nợ do bị hủy giao dịch, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời nội dung tranh luận. (Ảnh: Quốc hội).
Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính là cơ quan hành pháp nên phải thực hiện theo đúng luật pháp, căn cứ vào Luật Chứng khoán và Nghị định 153. Do đó, phần trái phiếu phát hành riêng lẻ, cơ quan nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý.
"Khi thảo luận Luật và khi đưa ra đã cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, do doanh nghiệp phát hành, vay trả. Sau này mới đặt vấn đề phải do cơ quan nhà nước quản lý. Trong Luật Chứng khoán không đưa ra điều kiện phát hành, cần phải doanh nghiệp có lãi hay cần có tài sản đảm bảo, do đó trong Nghị định 153 cũng không thể quy định được điều kiện phát hành", ông Phớc cho hay.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện đúng quy định của pháp luật nên trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, nhưng phải phát hành đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm lành mạnh thị trường vốn, thị trường tài chính nói chung.
Tuy nhiên, ông Huệ cũng cho rằng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro, đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng vốn huy động. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm bằng tài sản rủi ro còn lớn", Chủ tịch Quốc hội nhận định.