Trước thềm cổ phần hóa, Agribank bất ngờ báo lãi 8.200 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm

Với việc lãi trước thuế tới 8.200 tỉ đồng, Agribank đã hoàn thành tới 82% kế hoạch cả năm 2019 chỉ sau 7 tháng.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), 7 tháng đầu năm 2019, tổng thu nhập của Agibank đạt 70.759 tỉ đồng, tăng 11.627 tỉ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kì năm 2018. Trong khi đó, tổng chi phí trước thuế đạt 62.559 tỉ đồng, tăng 8.503 tỉ đồng tương đương hơn 16% so với cùng kì năm 2018, trong đó chi phí hoạt động tín dụng tăng 19,6%.

vnf-agribank-loi-nhuan-7-thang

Trước thềm cổ phần hóa, Agribank bất ngờ báo lãi 8.200 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm.

Kết thúc 7 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 8.200 tỉ đồng (sau khi tạm phân bổ các khoản phải trích), tăng 127% so với cùng kì năm trước.

Phía Agribank cho biết tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng hiện đạt trên 1 triệu tỉ đồng, trong đó tỉ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

Dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống của Agribank hiện đạt gần 220.000 tỉ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỉ trọng 22% dư nợ cho vay của Agribank.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Agribank đặt mục tiêu năm 2019, tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Mặc dù mong muốn diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được", phía Agribank cho hay.

Dẫn chứng thêm, ngân hàng này cho biết Agribank là ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất, do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Bên cạnh đó, Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Một trong những vấn đề nan giải nhất là “bài toán” tăng vốn.

Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỉ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại.

Với quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỉ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng của Agribank từ 11-14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 55 có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên lại là áp lực đối với Agribank khi tỉ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chủ yếu là cho vay không có tài sản bảo đảm dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh (70.000-80.000 tỉ đồng mỗi năm).

"Đây là lĩnh vực đầu tư chính của Agribank nhưng lại thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao. Ngoài huy động vốn cạnh tranh bình đẳng như các ngân hàng thương mại khác, trong cơ cấu tín dụng, Agribank dành một phần lớn cho các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ưu đãi thấp, tuy vậy, Ngân hàng thường xuyên trong tình trạng chưa nhận được đủ cấp bù lãi suất", phía Agribank nhấn mạnh.

Do đó, để quá trình cổ phần hóa thành công, ngoài những nỗ lực tự thân, Agribank bày tỏ mong muốn Chính phủ và các cơ quan bộ ngành cùng tích cực “vào cuộc” hỗ trợ Agribank sớm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tăng năng lực tài chính và tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, tự chủ hơn trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.