Nhà đầu tư ngoại săn đón bất động sản cao cấp tại trung tâm Sài Gòn, muốn thâu tóm ngân hàng và bán lẻ

Bất động sản cao cấp tại trung tâm TP HCM, tài chính ngân hàng, bán lẻ và hàng tiêu dùng là các lĩnh vực ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam trong nửa cuối năm 2019 và thời gian tới.

Tại Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2019) diễn ra chiều 6/8, nhiều chuyên gia dự báo các thương vụ M&A trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ diễn ra rầm rộ. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng và bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Bất động sản cao cấp được nhà đầu tư ngoại săn đón

"Chúng tôi đã có chiến lược khá rõ ràng từ những năm trước, khi nhìn thấy tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng. Chúng tôi đã hợp tác với CBRE để triển khai dự án tại các quận trung tâm TP HCM, đặc biệt là quận 1", Giám đốc cấp cao Công ty Bất động sản Alpha King - ông Richard Leech, khẳng định.

IMG_6884-crop

Tại M&A Vietnam Forum 2019, các chuyên gia dự báo bất động sản, tài chính và bán lẻ sẽ thu hút đầu tư thời gian tới. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo ông Richard Leech, nhờ việc dự báo trước tương lai, các nhà đầu tư đã tập trung vào bất động sản ở phân khúc cao cấp và đến nay, xu hướng này đang rất đúng. Các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mở rộng chiến lược đó. Ông cũng nói thêm rằng chưa nhắm đến khu vực ngoại thành mà vẫn chỉ tập trung vào các quận trung tâm TP HCM.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận lĩnh vực bất động sản đang gặp khó do sự tắc nghẽn về chính sách, như quy định dừng cấp mới dự án cao tầng tại trung tâm TP HCM, dự án liên quan đất công phải tạm dừng để xem xét tính pháp lí, khiến nhiều dự án bất động, đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư.

Sẽ có một số thương vụ M&A trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank - ông Lê Mạnh Hùng, dự báo lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam sẽ được đặc biệt quan tâm.

Năm 2020, tiến trình tái cơ cấu ngân hàng và xoá nợ xấu kết thúc, kì vọng sẽ có một số thương vụ M&A trong quá trình tái cơ cấu. Ông cũng cho biết thêm, Việt Nam áp dụng các chuẩn mực tài chính mới, yêu cầu ngân hàng tăng cường năng lực tài chính cũng là cơ hội để nguồn vốn bên ngoài chảy vào.

nhanvat2_txbi

Ông Lê Mạnh Hùng dự báo lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam sẽ được đặc biệt quan tâm. (Ảnh: NCĐT).

"Nhiều thương vụ có giá trị rất cao, được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường M&A. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã, sắp kí kết, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá",  Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhận định. 

Cụ thể, nửa đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam đạt 1,9 tỉ USD. Dự báo nửa cuối năm, tổng giá trị các thương vụ có thể hoàn thành là 4,8 tỉ USD, nâng con số cả năm lên thành 6,7 tỉ USD, tương đương gần 90% so với năm 2018.

Các thương vụ nổi bật 6 tháng đầu năm có thể kể đến như SK Group (Hàn Quốc) chi tỉ USD để trở thành cổ đông lớn của Vingroup, Masan. Hay các thương vụ khác như Saigon Co.op - Auchan, THACO - Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup - Fivimart, Mitsui - MinhPhu, Dược Hậu Giang - Taisho, Vinamilk - GTN Foods…

Tháng trước, KEB HANA Bank đã rót 885 triệu USD mua 15% cổ phần BIDV. Thương vụ có yếu tố nước ngoài được xem là lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng tại Việt Nam, đã khởi đầu cho các thương vụ M&A nói chung và tài chính ngân hàng nửa cuối năm nay.

Nhà đầu tư Nhật Bản không muốn hợp tác với các thương vụ mơ hồ

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết thời gian qua, các nhà đầu tư đến từ châu Âu rất quan tâm đến Việt Nam. Đặc biệt mới đây, Việt Nam và châu Âu vừa kí kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA, làn sóng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ ngày càng tăng.

"Các nhà đầu tư châu Âu rất quan tâm lĩnh vực logictics, dược lẫn các hoạt động về năng lượng. Các lĩnh vực này sẽ càng được chú ý đầu tư hơn nhờ tác động tích cực của EVFTA", đại diện EuroCham cho biết.

img5588-1559388144863695099910

Saigon Co.op đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Auchan vào nửa đầu năm 2019. (Ảnh: Phúc Minh).

Với Nhật Bản, các nhà đầu tư nước này cho biết cũng đang rất quan tâm Việt Nam, một phần do mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, và một phần cũng từ căng thẳng thương mại.

Ông Tamotsu Majima - Giám đốc cấp cao Recof Nhật Bản, cho biết hiện có nhiều người Nhật chọn Việt Nam để du lịch và đặc biệt là làm việc lâu dài. Ở chiều hướng ngược lại, các công ty Nhật cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp bản địa. 

Ông cho rằng đây là cơ hội để Nhật Bản và Việt Nam bắt tay hợp tác đầu tư, cũng như thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập.

Ông dẫn chứng: "Nếu như 4 năm qua chỉ có khoảng 20 - 25 giao dịch, thì đến tháng 7/2019 đã có 21 giao dịch. Các công ty Nhật ngày càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là sản xuất và dịch vụ".

Ông Tamotsu Majima khẳng định hiện đã có rất nhiều giao dịch hợp tác đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, quy mô giao dịch rất phong phú, từ các công ty vừa và nhỏ, đến các tập đoàn lớn và mới đây là làn sóng đầu tư  vào các công ty khởi nghiệp. 

Minh chứng cho các thương vụ, Giám đốc cấp cao Recof Nhật Bản nhắc đến vụ M&A giữa Tasho - công ty dược có tiềm lực hàng đầu nước này, và dược Hậu Giang.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng kì vọng nhiều hơn về chất lượng đầu tư của các thương vụ M&A tại Việt Nam.

"Nếu một công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam, không đơn giản chỉ là sáp nhập cổ đông làm một, mà phải nỗ lực rất nhiều để tạo ra cơ thể hoàn toàn mới, đáp ứng yêu cầu về mặt quản trị. Điều này càng trở nên đặc biệt với các công ty Nhật, khi đòi hỏi cao về sự quản trị và tính tuân thủ", Giám đốc điều hành KPMG Nhật Bản - ông Masahiro Kotaka nói thêm.

Ông nhấn mạnh người Nhật không muốn hợp tác trong những thương vụ mơ hồ, mà phải dựa vào số liệu và thực tế hoạt động của đối tác, trước khi tiến hành thảo luận và thực hiện mua bán, sáp nhập.