Công cuộc tìm bạn đời ở nơi đàn ông 'khát' vợ

Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khiến nam giới ở quần âor Faroe phải tìm vợ từ những đất nước xa xôi như Thái Lan hay Philippines.
 
cong cuoc tim ban doi o noi dan ong khat vo
Quần đảo Faroe nằm giữa Na Uy và Iceland đối mặt tình trạng mất cân bằng giới tính khiến nam giới phải tìm vợ ở các nước như Thái Lan hay Philippines. Ảnh: BBC

Quần đảo Faroe, chuỗi 18 đảo nằm giữa Na Uy và Iceland, những năm gần đây đối mặt với tình trạng dân số sụt giảm đáng kể. Phần lớn dân số trẻ chọn rời Faroe tới các nước khác để học tập hoặc làm việc và thường không quay về. So với đàn ông, phụ nữ có xu hướng định cư ở nước ngoài nhiều hơn.

Ước tính số lượng nam giới tại Faroe nhiều hơn phụ nữ 2.000 người, theo ông Axel Johannesen, Thủ tướng Faroe. Để xây dựng tổ ấm, các đấng mày râu Faroe buộc phải tìm vợ từ quốc gia khác thông qua các trang web hẹn hò trực tuyến, mạng xã hội hoặc mai mối từ gia đình đa văn hoá khác trên đảo.

Theo BBC, tại Faroe có hơn 300 phụ nữ Thái Lan và Philippines kết hôn với người bản địa, góp phần tạo nên một cộng đồng thiểu số lớn nhất trên quần đảo khi xét trên tổng dân số 50.000 người.

Cú sốc văn hoá của cô dâu mới

cong cuoc tim ban doi o noi dan ong khat vo
Athaya Slaetalid, người Thái Lan, kết hôn cùng Jan, cư dân quần đảo Faroe. Ảnh: BBC

Những ngày đầu rời Thái Lan tới Faroe, Athaya Slaetalid hầu như ngồi cả ngày bên lò sưởi. Tại Faroe, mùa đông kéo dài suốt 6 tháng, vào ngày hè nhiệt độ tối đa chỉ ở mức 16 độ C. Dù không lạnh như nước láng giềng Iceland, khí hậu ẩm ướt, giá buốt cũng là một thách thức đáng kể với một người đến tới vùng nhiệt đới như Athaya.

"Mọi người bảo tôi hãy ra ngoài để tận hưởng ánh nắng Mặt Trời nhưng tôi từ chối vì thấy lạnh ghê gớm", Athaya tâm sự.

Athaya gặp Jan, người chồng hiện tại, khi anh tới Thái Lan làm ăn cùng một người bạn. Jan hiểu rõ những khó khăn mà người vợ mới phải đối mặt để hoà nhập vào xứ sở mà cả văn hoá, khí hậu, lẫn cảnh vật đều xa lạ.

"Tôi lo lắng bởi mọi thứ vợ tôi bỏ lại và những điều cô ấy sắp đón nhận đều trái ngược nhau. Nhưng tôi hiểu Athaya, cô ấy là người không chịu đầu hàng", Jan chia sẻ.

Là một phần của Vương quốc Đan Mạch, quần đảo Faroe có ngôn ngữ riêng và nền văn hoá độc đáo, đặc biệt là ẩm thực. Các món ăn phổ biến ở đây là thịt cừu lên men, cá tuyết sấy khô, mỡ và thịt cá voi mà không hề có sự hiện diện của bất cứ gia vị châu Á nào.

"Khi con trai Jocob còn nhỏ, tôi ở nhà suốt ngày mà không nói chuyện với ai. Những người khác trong làng đa phần là người già và không nói tiếng Anh, người cùng lứa tuổi tôi đều đi làm, không có đứa trẻ nào bằng tuổi chơi cùng Jacob. Tôi thực sự thấy cô đơn và đoán điều này sẽ xảy ra trong 2-3 năm đầu tiên", Athaya nói.

Hoà nhập

cong cuoc tim ban doi o noi dan ong khat vo
Kristjan Arnason cùng người vợ Thái Lan Bunlom. Ảnh: BBC

Dần hoà nhập vào cuộc sống mới, Athaya hiện làm việc tại một nhà hàng ở thủ đô Torshavn cùng nhiều phụ nữ Thái Lan khác khi con trai tới tuổi đi nhà trẻ. Cô cùng chồng sống trong một ngôi nhà gỗ ấm áp bên bờ vịnh, bao quanh là những ngọn núi hùng vĩ.

"Tôi có thêm bạn bè và cảm giác như được về nhà", Athaya nói.

Cũng như Athayna, Krongrak Jokladal tới Faroe kết hôn với Trondur, một thuỷ thủ làm việc xa nhà hàng tháng trời. Vượt qua cảm giác bị cô lập, Krongrak bắt đầu mở tiệm massage tại trung tâm Torshavn, khác xa công việc kế toán tại cơ quan chính quyền của Krongrak khi cô còn ở Bangkok.

"Tôi không thể làm việc trong giờ hành chính như mọi người vì con nhỏ. Dù bố mẹ chồng có thể chăm sóc đứa trẻ, tôi muốn tự làm chủ để chủ động thời gian", Krongrak chia sẻ.

Việc một phụ nữ châu Á như Krongrak làm chủ cơ sở kinh doanh là điều hiếm thấy tại Faroe. Thậm chí những phụ nữ châu Á học vấn cao ở Faroe, bất đồng ngôn ngữ là rào cản khiến họ phải chấp nhận công việc trình độ thấp.

Thủ tướng Axel Johannesen khẳng định chính phủ Faroe luôn chú trọng giúp đỡ người nhập cư hoà nhập cuộc sống.

"Phụ nữ châu Á tại Faroe đều rất năng động, một điều rất hữu ích cho thị trường lao động Faroe. Một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giúp họ học tiếng Faroe. Có nhiều lớp học miễn phí do chính phủ cung cấp đã được triển khai", ông nói.

Kristjan Arnason cũng là một người cưới vợ châu Á. Anh nhớ lại những nỗ lực của người vợ Thái Lan khi học tiếng bản ngữ.

"Sau ngày làm việc, cô ấy ngồi đọc từ điển Anh-Faroe rất chăm chỉ", Arnason kể về vợ, cô Bunlom, người tới Faroe vào năm 2002.

"Tôi thấy mình may mắn. Tôi nói nếuchuyển tới đây, anh ấy phải tìm cho tôi một công việc và anh ấy làm được. Tôi làm việc trong khách sạn, nên tôi cần học cách nói chuyện với đồng nghiệp bản xứ", Bunlom nói.

Trong khi di cư là một đề tài nhạy cảm tại nhiều nước châu Âu, cộng đồng Faroe dường như nằm ngoài xu thế này khi cởi mở với những cô dâu gốc Á.

"Tôi nghĩ việc hầu hết người nhập cư đều là phụ nữ chính là lợi ích. Họ tới đây, làm việc và không gây ra bất cứ vấn đề xã hội nào. Song chúng tôi cũng nhận thấy những vấn đề người nhập cư tới nước khác như Anh, Thuỵ Điển, thậm chí Đan Mạch phải đối diện. Đó là lý do vì sao chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo người nhập cư không bị cô lập", Magni Arge, nữ chính trị gia của Faroe, cho hay.

Antonette Egholm, một phụ nữ Philippines sống tại Faroe, nói cô chưa từng gặp thái độ bài nhập cư nào của người dân trên dảo.

"Mọi người đều thân thiện. Tôi chưa gặp phản ứng tiêu cực nào vì là người nước ngoài ở Faroe. Tôi sống ở Manila, nơi thường xuyên đối mặt với tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm và tội phạm. Ở đây thì khác, chúng tôi không lo lắng nếu quên khoá nhà. Chăm sóc sức khoẻ và giáo dục lại miễn phí", Antonette nói.

Chồng cô, anh Regin cũng tin rằng đa dạng hoá là điều nên được chào đón tại Faroe.

"Chúng tôi thích có nhiều đứa trẻ lai. Hệ gene của chúng tôi thật sự hạn chế, nên việc chào đón người nhập cư hoàn toàn là điều tốt để có những gia đình mới", Regin nói.

Regin cho biết, thỉnh thoảng vài người bạn vẫn nói đùa anh đã "đặt hàng" vợ bằng cách nhấn phím "enter" trên máy tính. Song, mối quan hệ của hai vợ chồng anh vẫn tốt đẹp bất chấp mọi định kiến.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...