Nghề trang điểm cho người chết ở Trung Quốc | |
Phụ nữ Trung Quốc đổ xô học làm bảo mẫu |
Nhiều bé gái Trung Quốc bị coi như "không tồn tại". Ảnh minh họa: SCMP |
Con số chênh lệch 30 triệu giữa tỷ lệ sinh nam và nữ do chính sách một con tại Trung Quốc có thể chỉ là phóng đại, khi một nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng nhiều bé gái bị khai sinh muộn hoặc thậm chí không được khai sinh. Đây có thể được coi là lời lý giải cho hiện tượng một số lượng lớn bé gái bị "mất tích" trong thống kê tỷ lệ sinh.
Các nhà nghiên cứu cho biết số thanh niên 20 tuổi trong năm 2010 nhiều hơn số trẻ sinh ra năm 1990 tới 4 triệu người, trong đó nữ nhiều hơn nam tới 1 triệu người. Từ năm 1990 tới nay, khoảng 25 triệu phụ nữ không nằm trong số liệu thống kê khai sinh, theo John Kennedy, phó giáo sư môn khoa học chính trị Đại học Kansas.
Năm 1996, các nhà nghiên cứu từng phỏng vấn một người đàn ông ở Thiểm Tây, có con gái không được khai sinh và bị coi như "không tồn tại". Điều đó có nghĩa cô gái này không có hộ khẩu và không được hưởng phúc lợi y tế và giáo dục. Kennedy giải thích rằng, chính quyền địa phương có thể không can thiệp và thậm chí bao che những trường hợp sinh con thứ hai để đảm bảo ổn định xã hội, dù biết việc này sẽ gây ảnh hưởng tới công tác thống kê dân số cả nước.
Nhà nghiên cứu Liang Zhongtang tại Thượng Hải cũng phát hiện ra rằng, từ khi chính sách một con có hiệu lực vào những năm 1980, những bé gái là con thứ hai thường không được đăng ký khai sinh chính thức, nhưng lại có tên trong điều tra dân số sau này, do để lại thông tin khi yêu cầu dịch vụ phúc lợi xã hội.
"Sự thực là có tình trạng mất cân bằng giới tính, nhưng không đến mức nghiêm trọng như trong thống kê. Lý do là một số bé gái không được đăng ký khai sinh khi chào đời. Tỷ lệ mất cân bằng này sẽ giảm đi khi chúng lớn lên và có tên trong bảng điều tra dân số", Liang nói.
Chính sách một con của Trung Quốc cho phép gia đình ở nông thôn có con thứ hai, chỉ khi con đầu lòng là gái. Cặp vợ chồng nào vi phạm sẽ phải nộp số tiền phạt lớn, thậm chí mất việc nếu làm cho việc trong các cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước. Năm ngoái, Trung Quốc hủy bỏ chính sách này và cho phép mỗi gia đình có hai con, khi nước này phải đối mặt với tình trạng dân số già và nguy cơ thiếu lao động trong tương lai.
Ảnh minh họa: SMP |
Cán bộ kế hoạch gia đình cho rằng tư tưởng trọng nam khinh nữ cùng chính sách một con là nguyên nhân khiến nước này có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất thế giới. Đỉnh điểm là năm 2004, khi tỷ lệ bé trai và bé gái chào đời lần lượt là 121 và 100. Ở một số tỉnh, số bé trai còn lên đến 130.
Năm ngoái, tỷ lệ mất cân bằng giảm xuống 100/113, trong khi theo các nhà nhân khẩu học, tỷ lệ thông thường là 100/107. Truyền thông Trung Quốc ước tính nước này có tới 13 triệu người không được đăng ký hộ khẩu.