Trung Quốc truy quét các hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin

Ủy ban phát triển và ổn định tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ truy quét các hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử bitcoin để đề phòng các rủi ro tài chính.
Trung Quốc truy quét các hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin - Ảnh 1.

Trung Quốc truy quét các hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin. (Ảnh: AFP/ TTXVN).

Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chủ trì, ủy ban trên cho biết Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán và duy trì sự ổn định của thị trường cổ phiếu, trái phiếu và ngoại hối.

Mới đây, ngày 18/5, Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc công bố lệnh cấm các thể chế tài chính, bao gồm ngân hàng và các kênh thanh toán trực tuyến, cung cấp cho khách hàng bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền kỹ thuật số, như đăng ký, giao dịch và thanh toán.

Những động thái gần đây của Bắc Kinh thể hiện sự leo thang mạnh mẽ các động thái chống lại tiền kỹ thuật số tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giá của đồng bitcoin đã giảm khoảng 40% giá trị từ mức cao kỷ lục 64.895 USD/bitcoin đạt được ngày 14/4. Đến ngày 22/5, giá trị đồng tiền này dao động quanh mức 36.000 USD/bitcoin. Tính từ đầu tuần, cả Bitcoin và Etherium, đồng tiền điện tử lớn nhất và lớn thứ hai, đều giảm khoảng 15%.

Không chỉ ở Trung Quốc, bảo vệ nhà đầu tư và phòng chống rửa tiền là mối quan tâm đặc biệt của các chính phủ và cơ quan quản lý tài chính của nhiều nước trên thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách đang đau đầu tìm câu trả lời cho câu hỏi: liệu họ có nên kiểm soát và ban hành quy định đối với ngành công nghiệp tiền điện tử hay không.

Trước đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã đề xuất cơ quan quản lý thị trường của thành phố cấp phép cho các sàn giao dịch tiền điện tử và chỉ cho phép họ cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo Jehan Chu, nhà quản lý thuộc công ty đầu tư mạo hiểm trên nền tảng chuỗi khối Kenetic Capital, việc ban hành quy định về tiền điện tử là không thể tránh khỏi, nhưng các chính sách quá hạn chế sẽ làm kìm hãm cơ hội và khiến ngành công nghiệp (tiền kỹ thuật số) rời khỏi châu Á.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hôm 21/5 cũng đã cảnh báo về những "rủi ro hệ thống" của việc giao dịch tiền điện tử.

Bài báo trên trang web của CCTV nhấn mạnh bitcoin không còn là một tài sản đầu tư để tránh rủi ro mà đã trở thành là một công cụ đầu cơ.

Do tiền điện tử là một tài sản không nằm dưới sự quản lý nên chúng thường được sử dụng trong giao dịch trên các thị trường “chợ đen”, hoặc nhằm mục đích rửa tiền, buôn lậu vũ khí, cờ bạc và buôn bán ma túy.

Khai thác tiền ảo, hay còn gọi là “đào tiền ảo” là ngành kinh doanh khổng lồ ở Trung Quốc. Theo một số ước tính, Trung Quốc chiếm tới 70% nguồn cung tiền điện tử trên thế giới, mặc dù có những ý kiến cho rằng tỷ lệ này đã giảm trong những năm gần đây.

Winston Ma, giáo sư trợ giảng của Trường Luật NYU, nhận định những biện pháp truy quét và kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền điện tử của Trung Quốc sẽ có tác động sâu sắc đến thị trường tiền điện tử toàn cầu.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc siết chặt các quy định liên quan đến tiền ảo. Trung Quốc không công nhận tiền điện tử là một đồng tiền hợp pháp và hệ thống ngân hàng không chấp nhận tiền điện tử hoặc cung cấp các dịch vụ có liên quan.

Vào cuối năm 2013, các cơ quan quản lý tài chính, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), đã cấm các ngân hàng và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến bitcoin.

Đến tháng 9/2017, Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số nội địa. PBoC từng thông báo sẽ chặn truy cập tất cả các trang web phát hành tiền số ra công chúng lần đầu (ICO).

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.