Công ty được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giao xây sân bay Long Thành đang gửi ngân hàng hơn 31.000 tỉ đồng

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây sân bay quốc tế Long Thành, có lợi nhuận 9 tháng năm 2019 tới 7.298 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 9, doanh nghiệp có hơn 31.000 tỉ gửi ngân hàng, lãi từ khoản gửi này lên đến gần 1.300 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố tiết lộ, 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế hợp nhất của doanh nghiệp tăng gần 1.200 tỉ so với cùng kì năm ngoái.

Cụ thể, chỉ tính riêng quý III, doanh thu thuần hợp nhất của ACV đạt 4.591 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì năm ngoái. Giá vốn bán hàng cũng tăng 12% khiến lợi nhuận gộp trong kì đạt 2.412 tỉ, tăng 373 tỉ đồng.

acvuuuj-15676686574721389387415

ACV lãi gần 7.300 tỉ trong 9 tháng, đem gửi ngân hàng hơn 31.000 tỉ đồng. (Ảnh: Thanh Niên).

Trong kì, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACV đạt 2.737 tỉ đồng, lãi ròng đạt 2.207 tỉ đồng, tương đương mức tăng 18% so với quý III năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của ACV tăng 1.554 tỉ đồng, lên con số  13.500 tỉ, tương đương mức tăng 13%. Công ty đang quản lí 21 sân bay trên cả nước đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng qua với con số ấn tượng 7.298 tỉ đồng, tăng 1.176 tỉ đồng, tương đương mức tăng 19%. 

Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản ACV tăng hơn 6.000 tỉ so với đầu năm, đạt 59.703 tỉ đồng. Hơn 50% tài sản là tiền gửi ngân hàng.

Chốt ngày báo cáo 30/9, ACV đang có 31.383 tỉ đồng tiền gửi ngắn hạn dưới 12 tháng tại ngân hàng. Trong khi đó, số tiền gửi tại ngân hàng của ACV đầu năm 2019 là 23.730 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, số tiền gửi ngân hàng của ACV đã tăng thêm 7.653 tỉ đồng.

Chỉ tính riêng lãi tiền gửi ngân hàng, ACV đã thu về thêm 1.276 tỉ đồng. 

Vì sao ACV được Bộ trưởng Thể đề xuất giao đầu tư sân bay quốc tế Long Thành?

Báo cáo mới đây của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình Quốc hội đã đề xuất thông qua nghị quyết giao các hạng mục chính của giai đoạn 1 đầu tư sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) cho ACV. 

Tổng mức đầu tư giai đoạn này dự kiến khoảng 48 tỉ USD, tương đương 11.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2020 đến 2025.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-01 lúc 13

Lợi nhuận trước thuế ACV giai đoạn 2015-2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần đề xuất giao ACV đầu tư sân bay Long Thành và sửa chữa các hạng mục tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang hư hỏng nghiêm trọng. Nguyên nhân, theo khẳng định của Bộ trưởng, là ACV có đủ khả năng và tiềm lực về tài chính để thực hiện dự án mới lẫn sửa chữa sân bay đang hư hại.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhắc việc ACV đang có khoảng 25.000 tỉ đồng tiền mặt sinh lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 gần 7.000 tỉ, cùng với 3.000 tỉ khấu hao tài sản nhà ga ở 21 sân bay, thì mỗi năm tài sản đơn vị này tăng thêm 10.000 tỉ đồng. Dự kiến đến 2025, tổng thu của ACV khoảng 50.000 tỉ đồng.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đang là đơn vị quản lí 21/22 sân bay cả nước. 

Cơ cấu cổ đông ACV hiện ra sao?

Báo cáo thường niên năm 2018 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố, cho biết cơ cấu cổ đông của ACV tính đến ngày 1/4/2019, chiếm tỉ lệ cao nhất là Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước, với 95,4% tỉ lệ sở hữu. 

4,6% tỉ lệ sở hữu còn lại, tương ứng hơn 100 triệu cổ phần, là các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước. Đáng chú ý, phần lớn cổ đông ngoài nhà nước tại ACV hiện đều là các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

anh-chup-man-hinh-2019-09-05-luc-144354-1567669446372918630912

Cơ cấu cổ đông hiện nay của ACV, Nhà nước đang nắm 95,4% cổ phần. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Cụ thể, cổ đông là tổ chức, cá nhân nước ngoài tại ACV đang nắm gần 78,2 triệu cổ phần, tương đương 3,59%. Trong đó, nhóm tổ chức nước ngoài nắm 3,56% tỉ lệ sở hữu, và nhóm cá nhân là người nước ngoài nắm 0,03% tỉ lệ sở hữu.

Nhóm cổ đông trong nước nắm 1,01% tỉ lệ sở hữu tại ACV. Trong đó, Công đoàn Tổng Công ty là 0,14% (3 triệu cổ phần), tổ chức trong nước là 0,08% (1,8 triệu cổ phần) và cá nhân trong nước là 0,79% tỉ lệ sở hữu (17,1 triệu cổ phần).

Trong số các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư vào ACV, có quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital). Đây là quỹ tham gia đợt IPO của ACV vào tháng 12/2015.

Theo báo cáo của quỹ này, tính đến cuối năm 2018, Dragon Capital VEIL có khoản đầu tư vào ACV với giá vốn 7,23 triệu USD, giá thị trường 43,8 triệu USD. Như vậy, so với giá vốn 9,5 triệu USD thống kê vào cuối năm 2017, quỹ đầu tư này đã thoái bớt vốn khỏi ACV 2,27 triệu USD.

Ngoài ra, còn có VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF - quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital) cũng tham gia mua cổ phần ACV. VOF đang nắm giữ khoảng 22 triệu cổ phiếu, trị giá gần 80 triệu USD.

Tổng cộng, 2 quỹ này đang nắm khoảng 1/3 tổng lượng cổ phiếu ACV đang lưu hành tự do.

Đầu tháng 9, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, mua lại ACV, nhằm tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không, tạo điều kiện cho ACV tham gia sửa chữa các hạng mục như đường băng, đường lăn, vốn thuộc tài sản Nhà nước.

Theo tính toán, để mua lại hơn 100 triệu cổ phiếu ACV đang lưu hành tự do trên thị trường như Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, đưa ACV quay đầu trở thành doanh nghiệp quốc doanh, thì Chính phủ phải bỏ ra hơn 8.000 tỉ đồng.