Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê (GSO) đưa ra trong buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 10/7.
Báo cáo về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).
Khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong quý II, lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% trong quý trước và giảm 5,5% so với cùng kì năm trước.
Dịch Covid-19 khiến tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao nhất 10 năm, trong đó tỉ lệ thất nghiệp tăng cao nhất ở nhóm lao động trình độ chuyên môn thấp. Tỉ lệ thất nghiệp trong quý II là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46% - mức cao nhất 10 năm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê đề xuất các giải pháp gồm đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả; nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế.
Ngoài ra, Tổng cục cũng cho rằng cần đẩy nhanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích người lao động nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu trong trạng thái "bình thường mới".