CTCP Đầu tư phát triển Sông Đà: Thay tên đổi chủ ngoạn mục và ... “hụt hơi”

Sau khi hoàn tất tái cơ cấu, CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà (SIC - HNX) có dấu hiệu “hụt hơi” khi lĩnh vực bất động sản gặp nhiều vướng mắc.
ctcp dau tu phat trien song da thay ten doi chu ngoan muc va hut hoi
Phối cảnh tổng thể Dự án Khu dân cư Sông Đà IDC Tower - một trong 2 dự án bất động sản mà SIC đang triển khai

Cuộc thay tên, đổi chủ ngoạn mục

Giữa tháng 7/2017, SIC đã hoàn tất việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi tên công ty thành Công ty cổ phần ANI cùng toàn bộ thương hiệu, logo, slogan mới. Theo giải thích, ANI là viết tắt của cụm từ “A New Idea” (Ý tưởng mới).

Việc đổi tên có thể coi là bước cuối cùng trong quá trình “thay vỏ” của SIC kể từ khi công ty này “đổi chủ”. SIC từng được biết đến là một thành viên của Tổng công ty Sông Đà, hoạt động tại TP.HCM. Bước ngoặt của SIC đến từ việc Tổng công ty sông Đà thoái vốn thành công toàn bộ 36,72% vốn cổ phần nắm giữ tại SIC hồi cuối năm 2015. Sau khi Sông Đà rút lui, SIC cũng “lột xác” với một cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường để thay đổi toàn bộ Ban lãnh đạo.

Hiện nay, lãnh đạo SIC là anh em Chủ tịch HĐQT Đặng Quang Đạt và Tổng giám đốc Đặng Tất Thành. 2 cổ đông tổ chức lớn của SIC là Công ty TNHH ANZA nắm hơn 26,21% và Công ty TNHH Fistin Việt Nam 7,38%. 2 công ty này đều có địa chỉ tại số 5 phố Phùng Chí Kiên (Hà Nội), trùng với địa chỉ nhà ông Đạt.

Cùng với sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông và ban điều hành mới, chiến lược kinh doanh của SIC cũng có sự thay đổi khi công ty này quyết định chuyển nhượng Nhà máy Thủy điện Krông Kmar cho CTCP Đầu tư ANZEN vào quý III/2016 để tập trung vào lĩnh vực bất động sản.

Do từng là công ty con của Tổng công ty Sông Đà, SIC được thừa hưởng lợi thế về quỹ đất “khủng”, có thể kể đến như Dự án Sông Đà IDC Tower (2,4 ha tại quận Gò Vấp, TP.HCM), Dự án Sông Đà Riverside (2,4 ha tại quận Thủ Đức, TP.HCM), cùng 2 dự án đã được cấp phép khác là Khu dân cư đô thị Sông Đà rộng 43 ha tại Đồng Nai, Khu dân cư Đan Phượng - Hồng Thái rộng 40 ha tại Hà Nội.

Với những bước đi này, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng vào bước tăng trưởng đột phá cho SIC. Chính điều này đã giúp cho cổ phiếu SIC hồi phục từ mức đáy 6.500 đồng/cổ phiếu về mức 12.800 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 16/8).

Hụt hơi trong quý II/2017

SIC cho biết, trong 3 - 5 năm tới, bất động sản tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược đầu tư phát triển của Công ty. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ông Đặng Quang Đạt cho biết, 2 dự án tại TP.HCM đã hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng, Dự án Đan Phượng - Hồng Thái đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000. SIC sẽ đầu tư trên 500 tỷ đồng triển khai Dự án Sông Đà IDC Tower và trên 1.000 tỷ đồng cho Dự án Sông Đà Riverside.

Tuy nhiên, theo Báo cáo tài chính quý II/2017 vừa được SIC công bố, 2 dự án bất động sản tại TP.HCM của SIC đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, tại khoản Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn, giá trị ghi nhận tại thời điểm 30/6/2017 của Dự án Sông Đà IDC Tower và Sông Đà Riverside lần lượt là 145,65 tỷ đồng và 231,9 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với con số ghi nhận ngày 1/1/2017.

Đáng chú ý, 2 dự án này đều đang có tranh chấp với đối tác. Cụ thể, với Dự án Sông Đà Riverside, đối tác góp vốn là CTCP Quốc tế An Vui (góp 49%) đã khiếu kiện lên tòa án và đang trong quá trình hòa giải. Trong khi đó, SIC cũng có tranh chấp với CTCP Green Real tại Dự án Sông Đà IDC Tower.

Cũng theo Báo cáo tài chính nói trên, do đã chuyển nhượng Nhà máy Thủy điện Krông Kmar, trong quý II/2017, SIC không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh thủy điện. Khoản doanh thu lớn nhất trong quý II/2017 của Công ty đến từ kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng trị giá 14,29 tỷ đồng. Khoản doanh thu này bằng đúng giá vốn hàng bán từ hoạt động khác. Điều đó cho thấy, khoản kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng này có thể hiểu là thanh lý. Do ngành nghề kinh doanh đăng ký của Công ty bao gồm “Sản xuất, kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị”, nên khoản này đã được ghi nhận vào doanh thu.

Kết thúc quý II/2017, SIC lỗ 8,55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, Công ty lãi 3,18 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu của việc lỗ trong quý II là do khoản Chi phí khác ghi nhận giá trị lên tới 7,95 tỷ đồng. Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc Công ty cho biết, nguyên nhân biến động lợi nhuận sau thuế này là do trong quý II/2017, Công ty thực hiện hạch toán khoản mục Chi phí khác liên quan đến việc thỏa thuận thanh lý Hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác.

Có lẽ, cuộc tái cơ câu để thoát khỏi “cái bóng” họ Sông Đà của SIC mới chỉ dừng lại ở việc thay tên, đổi chủ. Với việc lựa chọn bất động sản làm lĩnh vực trọng tâm khi cả 2 dự án quan trọng còn đang gặp vướng mắc, SIC sẽ không dễ bứt phá trong thời gian ngắn.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.