Gian hàng nhỏ này nằm trên đường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội), chủ yếu bán sô cô la tươi, kem cùng các loại nước giải khát. Và tất cả những đồ ăn, uống ở đây đều do tự tay anh chủ cửa hàng chế biến. Theo anh, như vậy để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách hàng.
Không gian quán chỉ rộng tầm 20m2 nhưng được thiết kế khá bắt mắt, với không gian ốp gỗ xung quanh, cảm giác đầu tiên khi bước vào giống như một chiếc hộp kín. Bên trong cửa hàng chỉ có một góc nhỏ để hàng hóa và tính tiền, còn lại là không gian dành cho khách.
Khi đến đây khách hàng chỉ cần bấm chuông sau khi hệ thống camera quét và nhận diện khuôn mặt cửa sẽ tự động mở cho khách ra vào. (Ảnh Chí Duy) |
Không gian quán chỉ rộng tầm 20m2 nhưng được thiết kế khá bắt mắt, với không gian ốp gỗ xung quanh, cảm giác đầu tiên khi bước vào giống như một chiếc hộp kín. (Ảnh Chí Duy) |
Chia sẻ với phóng viên, chủ cửa hàng anh Đào Khánh Hiệp cho biết: “Tôi tham khảo các siêu thị mini ở Nhật Bản thấy người nông dân vừa tự sản xuất vừa bán hàng, đem lại lợi nhuận cao, giảm giá thành sản phẩm. Mô hình này không chỉ tiết kiệm nhân lực, hạ giá thành sản phẩm mà còn giúp khách hàng thoải mái. Điều này không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn thể hiện được nét đẹp văn hóa của con người.
Từ đó tôi đặt ra câu hỏi tại sao ở nước mình lại không? Mặc kệ mọi người nói tôi là điên rồ, tôi vẫn bắt tay vào xây dựng mô hình bán hàng tự động 100% đầu tiên ở Việt Nam. Mới đầu khi đưa ra ý tưởng bố tôi luôn phản đối và không đồng ý, nhưng tôi vẫn quyết định thử”.
Bảng hướng dẫn cách thanh toán khi mua đồ. (Ảnh Chí Duy) |
Menu của quán khá phong phú từ sô cô la tươi cho đến nước uống.(Ảnh Chí Duy) |
Đi vào hoạt động được gần 6 tháng nhưng quán không hề có nhân viên, thay vào đó sẽ là các camera giám sát, quét và nhận diện khuôn mặt và báo về cho một nhân viên túc trực online để giải đáp thắc mắc của khách hàng khi cần thiết.
Khi đến đây khách hàng chỉ cần bấm chuông và đẩy cửa vào. Sau đó có thể tự lựa chọn cho mình những món ăn, đồ uống thích hợp. Chọn đồ xong tự mang sản phẩm đến trước bàn để máy xem giá và in hóa đơn. Khách hàng sẽ lấy hóa đơn này, cho thêm số tiền cần thanh toán vào túi nilon có sẵn và bỏ vào hòm.
|
...Khách hàng sẽ lấy hóa đơn này, cho thêm số tiền cần thanh toán vào túi nilon có sẵn và bỏ vào hòm. (Ảnh Chí Duy) |
Anh cũng chia sẻ dự án này mất 6 tháng để hoàn thành, hai tháng đầu tiên là khâu lên ý tưởng vất vả nhất "Tôi mất hai tháng chỉ để suy nghĩ linh tinh như là thanh toán ra làm sao, khách sẽ tự phục vụ thế nào...".
Minh Phương, một khách quen của quán cho biết: “Mình biết đến quán này khoảng hơn 2 tháng nay, mới đầu còn thấy bỡ ngỡ về cách phụ vụ này nhưng giờ thấy cũng thú vị. Nó giúp mọi người phát huy tính tự giác và trung thực. Mỗi khi đến đây mình thấy thoải mái vì được tự do muốn làm gì thì làm, không phải chịu sự quản lí của ai. Hơn nữa chủ quán phải thực sự tin tưởng khách hàng mới như vậy, vì máy tính cũng đâu biết được khách trả số tiền là bao nhiêu, thật hay giả".
Những mảnh giấy lưu lại ý kiến và chia sẻ của khách hàng. |
Anh Hoàng Minh Tuyền, một vị khách khác cũng chia sẻ: "Tôi thích được ngồi một mình nên tôi hay chọn những giờ vắng khách để ra đây. Thực sự rất thoải mái và không lo ai làm phiền".
Mặc dù không gian quán khá nhỏ nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thích tìm đến đây để trải nghiệm cách phục vụ cũng như sản phẩm của cửa hàng. (Ảnh Chí Duy) |
Có lẽ, bất tiện nhất với khách hàng là việc trả lại tiền thừa không được chủ cửa hàng thực hiện ngay. Tuy nhiên, để bù lại sự bất tiện này, chủ cửa hàng cam kết sẽ cộng thêm 10% tổng số tiền thừa vào lần mua hàng kế tiếp của khách.
Thời gian sắp tới dự định của anh Hiệp là sẽ nhân rộng mô hình này và sẽ tiếp tục phát triển thêm robot tư vấn hướng dẫn cho khách. Tiến tới cách phục vụ 100% tự động.