Cụm cảng Quy Nhơn được khuyến cáo giữ mức 28 triệu tấn hàng hóa/năm

Ngày 10/3, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về phát triển cảng biển, cảng cạn trên địa bàn tỉnh.
Cụm cảng Quy Nhơn được khuyến cáo giữ mức 28 triệu tấn hàng hóa/năm - Ảnh 1.

Một góc cảng Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đánh giá, cụm cảng biển Quy Nhơn hiện nay có nhiều bất cập, diện tích mặt nước và diện tích toàn bộ các khu cảng đều hẹp; hàng hóa được giải phóng và tập kết chỉ duy nhất bằng đường bộ; môi trường bị ô nhiễm; không có khu vực cho tàu 100.000 – 150.000 tấn…

Thứ trưởng Nguyễn Nhật khuyến cáo, "cụm cảng Quy Nhơn chỉ nên phát triển đến khoảng 28 triệu tấn hàng hóa/năm. Nếu phát triển từ 30 triệu tấn/năm trở lên thì cụm cảng phải có kết nối đường sắt để giải phóng hàng hóa".

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Cảng biển Quy Nhơn là cảng loại I, cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, bao gồm các khu bến chức năng Khu bến Quy Nhơn – Thị Nại; Khu bến Nhơn Hội; Bến Tam Quan – Đè Gi. Năm 2020, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quy Nhơn khoảng 12,3 triệu tấn.

Đến năm 2030, Khu bế Quy Nhơn – Thị Nại sẽ là khu bến tổng hợp, container cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn; có bến chuyên dung cho tàu trọng tải từ 5.000 – 10.000 tấn. Riêng bến Quy Nhơn có năng lực thông qua khoảng 23,5 – 26 triệu tấn hàng hóa/năm.

Các bến Tân Cảng Quy Nhơn, Thị Nại được quy hoạch đến 2030 có năng lực thông qua khoảng 2 triệu tấn/cảng/năm. Bến Tân Cảng Miền Trung là 1 triệu tấn/năm; Bến Đống Đa khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

Khu bến Nhơn Hội được quy hoạch là khu bến chuyên dùng, có bến tổng hợp, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Nhơn Hội và hỗ trợ khu bến Quy Nhơn – Thị Nại khi các bến cảng này phát huy hết công suất.

Cảng biển được xác định là một trong những định hướng phát triển chính của tỉnh Bình Định trong thời gian tới. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, gần đây, bằng nhiều nguồn lực, Bình Định đã đầu tư xây dựng, mở rộng hàng loạt công trình giao thông như: Quốc lộ 19, Quốc lộ 19C, Quốc lộ 19 mới, tuyến đường nối Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Định; tuyến đường phía Tây tỉnh; đường ven biển…

Tất cả đều được kết nối và phục vụ cho sự phát triển của khu cụm cảng Quy Nhơn. Điều này đã giảm đáng kể sự xung đột giữa giao thông đối ngoại (từ cảng Quy Nhơn đi các tỉnh và ngược lại) với giao thông đô thị Quy Nhơn (cảng Quy Nhơn nằm trong thành phố).

Theo quy hoạch, Bình Định đã bố trí khu vực cảng cạn tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) 30ha, sẽ kết nối với cảng cạn tỉnh Gia Lai 10 ha; bố trí quỹ đất 86 ha dọc tuyến Quốc lộ 19 mới cách cảng Quy Nhơn 14 km; 200 ha cho khu logistics… Cùng với đó là chủ trương mở rộng diện tích các cảng để phục vụ cho sự phát triển của kinh tế hàng hải của địa phương này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những nỗ lực được đánh giá rất lớn này vẫn chưa đủ đáp ứng cho tiềm năng, vị trí của khu cụm cảng Quy Nhơn có thể phát triển trong tương lai. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đề nghị, UBND tỉnh Bình Định cần kiến nghị bổ sung các cảng cạn trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch chi tiết các cảng cạn; hoặc bổ sung cùng chương trình quy hoạch tổng thể của cả nước sắp tới đây.

Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Nhật đề nghị, tỉnh Bình Định cần xác định rõ đến năm 2030, kinh tế hàng hải đứng ở vị trí nào trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; nên chuẩn bị khu bến Nhơn Hội để sử dụng cho tàu trọng tải lớn; chuyển dần Cảng cá Quy Nhơn ra cảng Đề Gi; chuyển khu bến Thị Nại thành khu bến du lịch, tính đến sự phát triển về bến du thuyền…

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.