Rác thải tập kết trên hè phố ở thủ đô Kathmandu của Nepal tháng 7/2018. |
Nhìn từ trên cao, thủ đô Kathmandu của Nepal dường như có hàng nghìn đôi mắt đang nhấp nháy khi ánh nắng phản chiếu trên các tấm pin năng lượng mặt trời gắn trên mái nhà khắp thành phố.
Nhưng dưới mặt đất là cảnh tượng hoàn toàn khác: những đống chai nhựa, túi bóng, rác thải sinh hoạt chất đống trên đường phố, vương vãi khắp chùa chiền và ngập ngụa trong dòng kênh đen, theo NPR.
Rác thải là vấn đề nhức nhối của Kathmandu suốt nhiều năm qua, hậu quả của sự phát triển chóng mặt và không có quy hoạch của thành phố, cộng với năng lực quản lý đô thị yếu kém.
Thành phố chỉ có duy nhất một bãi rác ở Sisdole, cách thủ đô hơn 22 km, nơi hàng chục xe rác chạy tới chạy lui mỗi ngày để chuyển hơn 800 tấn rác tới chôn lấp.
Các quan chức chính quyền vẫn cho rằng đây là giải pháp ổn thỏa, cho đến khi một sự cố xảy ra, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng rác của Kathmandu.
Ngày 11/3/2015, một chiếc xe rác trên đường tới bãi Sisdole đâm chết một cháu bé 5 tuổi, khiến người dân xung quanh nổi giận, đốt rụi chiếc xe cùng 4 xe ủi đang hoạt động trong bãi rác.
Khi lực lượng cứu hỏa tới tìm cách dập lửa, người dân ném đá tới tấp làm tài xế xe cứu hỏa bị thương, rồi phong tỏa con đường duy nhất dẫn tới bãi rác Sisdole.
Hôm sau, các công nhân đình công, từ chối lái xe chở rác đến Sisdole vì lo ngại về an toàn. Cuộc khủng hoảng bắt đầu, khi người dân tìm mọi nơi để vứt rác.
Người dân cho rác vào túi bóng vứt xuống sông, ném ra các bãi đất hoang, trong khi xe tải, xe kéo, xích lô chở từng đống rác đổ bừa ra các góc phố hoặc tập kết ở bờ sông.
Dưới cái nắng oi bức của tháng 3, những đống rác thải đựng trong túi bóng chất đống bên đường bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Khi những đống rác tự phát này trở nên quá cao và quá thối, giải pháp duy nhất của Kathmandu là đốt. Rác đủ chủng loại bị đốt, tạo ra những đám khói đen kịt khét lẹt mùi nhựa cháy lan tỏa khắp thành phố.
Trong khi đó, quan chức chính quyền chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ rằng đường phố sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, nhưng trên thực tế họ không tìm ra giải pháp gì, khi bãi rác Sisdole vẫn bị người dân phong tỏa.
Chính quyền thành phố cuối cùng buộc phải tìm cách đàm phán và đồng ý bồi thường 10.000 USD cho gia đình cháu bé tử nạn cũng như giải quyết những khiếu nại của người dân.
Họ cũng triển khai cảnh sát vũ trang tới bãi rác Sisdole để bảo vệ các công nhân và thiết bị làm việc tại đây.
Công nhân làm việc tại bãi rác Sisdole của Nepal. (Ảnh: NepaliTimes). |
Sau cuộc khủng hoảng, Kathmandu bắt đầu chú trọng hơn vào việc xử lý rác thải, nhưng họ phải đối mặt với một thực tế rằng thành phố chưa bao giờ xây dựng một hệ thống quản lý rác thải toàn diện ngoài phương pháp đơn giản nhất là thu gom và chôn lấp.
Bãi rác Sisdole ban đầu chỉ được xây dựng để vận hành trong hai năm, nhưng đến nay nó đã tiếp nhận rác của Kathmandu trong hơn một thập kỷ và sắp đến ngưỡng chịu đựng.
Nepal lên kế hoạch xây dựng bãi rác Bancharedanda có quy mô lớn hơn để giảm tải cho Sisdole, nhưng cơ sở này đến nay vẫn dang dở, khi con đường dẫn vào bãi rác chưa được xây dựng.
Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo rằng chôn lấp không phải là biện pháp bền vững để xử lý rác thải.
Chính phủ Nepal năm 2011 từng thông qua Đạo luật Quản lý Rác thải Rắn, nhưng gần như không làm gì để cải thiện năng lực xử lý rác.
Lượng rác thải nhựa tiếp tục tăng, trong khi rác hữu cơ vẫn bị bỏ phí mà không thể tái chế, theo NepaliTimes.
"Nguyên tắc cơ bản của xử lý rác thải - giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế - đã không được tuân thủ ở Kathmandu.
Chúng tôi mắc kẹt với chính hệ thống đã khởi động nhiều năm trước đây mà không có bất cứ sự cải tiến nào", chuyên gia quản lý chất thải rắn Dhundiraj Pathak cho biết.
Máy xúc dùng để chôn lấp rác tại bãi rác Sisdole của Nepal. (Ảnh: NepaliTimes). |
Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á và nhiều chuyên gia môi trường đã khuyến nghị chính phủ và người dân Nepal hạn chế và chấm dứt tình trạng sử dụng túi nylon bừa bãi, vốn làm tắc nghẽn sông ngòi và đường ống thoát nước, gây ra nguy cơ ngập lụt và lan truyền dịch bệnh.
Họ cũng đề nghị nước này ngừng xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, bởi 60% rác thải của Kathmandu là rác hữu cơ có thể được dùng để tái chế làm phân bón.
Chính quyền Nepal cũng được đề nghị tăng cường cải thiện ý thức người dân về tái chế, tái sử dụng và hạn chế rác thải bằng các chiến dịch tuyên truyền trên truyền thông, nhà trường và tới tận nhà dân.
"Chỉ có một phong trào xã hội mới có thể giúp Kathmandu không bị chôn vùi trong rác", Bhushan Tuladhar, cố vấn kỹ thuật khu vực Nam Á của Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc, cảnh báo.
Hà Nội rác ngập đường: 'Chúng ta chỉ cầm cự được 3 - 4 ngày thôi'
Nhấn mạnh “chúng ta chỉ cầm cự được 3 - 4 ngày" ùn ứ rác, sáng 14/1, Giám đốc Sở Xây dựng tiếp tục thúc ... |
Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân trong bán kính 500 mét xung quanh bãi rác
Trước tình trạng người dân phản đối về tình trạng ô nhiễm quanh khu vực bãi rác ở Sóc Sơn, UBND thành phố Hà Nội ... |
Dân phong tỏa bãi rác Nam Sơn: Lãnh đạo xã nói gì?
Lãnh đạo xã Nam Sơn cho biết, lãnh đạo TP Hà Nội cùng lãnh đạo huyện Sóc Sơn và chính quyền địa phương đã trao ... |
Rác chất cao quá đầu người sau 3 ngày ứ đọng ở Hà Nội
Rác lộ thiên, có mặt khắp các con đường ven đô, bắt đầu phân huỷ mạnh khi người dân chặn xe vào khu xử lý ... |