Cựu Giám đốc Công ty Halico không phạm tội như truy tố

Xét xử lại vụ cựu giám đốc công ty Halico cùng đồng bọn câu kết bán rượu xuất khẩu trong nước nhằm trốn thuế. Sau 2 ngày mở tòa, HĐXX tuyên Hồ Văn Hải không phạm tội như truy tố của VKS.

Sau hai ngày xét xử và nghị án, ngày 08/5, TAND TP.Hà Nội tuyên bản án đối với bị cáo Hồ Văn Hải (SN 1956, trú ở Tập thể Nhà máy rượu, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cựu Giám đốc Công ty CP cồn rượu Hà Nội (Halico) - bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281-BLHS. Được biết, đây là lần thứ tư mở tòa để xét xử vụ án này.

cuu giam doc cong ty halico khong pham toi nhu truy to
Các bị cáo tại tòa

Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Kim Hạnh (SN 1973, trú tại Tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) – cựu Phó đội trưởng một đội nghiệp vụ, thuộc Chi cục Hải quan Hà Nội - cũng bị cáo buộc phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài ra, Hoàng Văn Xưởng (SN 1971), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân; Đinh Thị Minh Hoa (SN 1974, vợ Xưởng); Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1980), cựu chuyên viên Phòng phát triển thị trường của Halico và Nguyễn Thị Thủy (SN 1977), nhân viên Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) cùng bị truy tố về tội “Trốn thuế”, theo khoản 3, Điều 161-BLHS.

Theo truy tố, Công ty CP cồn rượu Hà Nội có 54% vốn Nhà nước. Từ cuối năm 2006 đến tháng 3/2014, Hồ Văn Hải được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Halico, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Năm 2008, vợ chồng Hoàng Văn Xưởng thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân (gọi tắt là Công ty Hoàng Lân) với ngành nghề kinh doanh chính là rượu, bia và nước giải khát. Vợ chồng Xưởng đã nảy sinh ý định mua rượu xuất khẩu bán trong nước, trốn thuế kiếm lời nên liên hệ với Hồ Văn Hải cho Cty Hoàng Lân làm trung gian xuất khẩu rượu sang Lào.

Hồ Văn Hải đã đồng ý và giao Nguyễn Thị Quỳnh Trang – nhân viên Phòng phát triển thị trường của Halico - phối hợp với Cty Hoàng Lân làm thủ tục ký HĐ và tổ chức thực hiện các đơn hàng mua bán rượu xuất khẩu.

Cụ thể, ngày 28/11/2008, Công ty Hoàng Lân ký hợp đồng rượu xuất khẩu đầu tiên với Halico. Trên cơ sở ấy, từ ngày 17/12 đến 30/12/2008, Halico đã cung cấp cho đối tác 5.070 thùng rượu Vodka để xuất khẩu sang Lào. Thế nhưng, vợ chồng Xưởng không đưa rượu qua bên kia biên giới mà tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Năm 2009, Halico tiếp tục giao kết hợp đồng với Công ty Hoàng Lân tổng cộng 22.420 thùng rượu Vodka. Cũng như lần trước, toàn bộ số rượu xuất khẩu này chỉ “để dành” để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam với giá bán thấp hơn giá bình thường.

Sự việc này chỉ dừng lại khi bị một số đại lý rượu trong nước phát hiện và phản đối. Thế nhưng vì lợi nhuận, ít lâu sau Halico đã móc nối lại công việc làm ăn với công ty Hoàng Lân.

Để việc làm ăn bất chính được thuận lợi, vợ chồng Xưởng bàn bạc và thỏa thuận ăn chia với một số cán bộ của Halico, trong đó có Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Mặt khác, thông qua Nguyễn Thị Thúy, Xưởng kết nối với Nguyễn Thị Kim Hạnh và cựu cán bộ hải quan này nhanh chóng trở thành người chuyên hoàn thiện thủ tục xuất khẩu rượu “ảo” sang Lào.

Ngoài việc gian dối xuất khẩu rượu “ảo” sang Lào, vợ chồng Xưởng còn đưa hơn 22.000 thùng bia lon Hà Nội sang nước láng giềng. Tuy nhiên, đó chỉ là trên hợp đồng, chứng từ và giấy tờ hải quan. Bởi thực tế, hàng vạn thùng bia lon đã được chủ doanh nghiệp tư nhân giải phóng hết ngay tại thị trường nội địa, chiếm đoạt tổng cộng hơn 13 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước, trong đó chủ yếu là tiền thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại tòa, bị cáo Hải khai nhận không có hành vi chỉ đạo cấp dưới bán rượu xuất khẩu cho công ty Hoàng Lân, hồ sơ bán rượu là do các phòng ban lập và trình lên cho Hải ký. Các bị cáo khác cũng khai tại tòa không bàn bạc với Hải việc trốn thuế và ăn chia. Các bị cáo đều nói số tiền 300 triệu đồng đưa cho Hải là tiền quà biếu, đưa nhiều lần và khẳng định đây không phải là tiền ăn chia.

Sau quá trình xét xử, HĐXX nhận định bị cáo Hải không có động cơ vụ lợi, không có mục đích trốn thuế nên không đủ căn cứ quy kết vào tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn.

Bị cáo Hải biết công ty Hoàng Lân tiêu thụ 1 phần rượu trong nước nhưng không kiểm soát, kiểm tra tức là không thực hiện nhiệm vụ của mình dẫn đến thất thoát tiền thuế của nhà nước nên HĐXX tuyên bố bị cáo Hải phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS. Theo đó, bị cáo Ngô Văn Hải bị tuyên phạt 36 tháng tù về tội danh này.

Nhận định về hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh, HĐXX cho rằng bị cáo này không có chức năng và quyền hạn để lập khống hồ sơ nên không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như VKS quy kết mà là đồng phạm với Xưởng về tội Trốn thuế nên bị tuyên phạt 24 tháng tù, nhưng cho bị cáo hưởng án treo.

Đối với 4 bị cáo còn lại, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố. Do vậy, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Xưởng 42 tháng tù giam ; Hoa và Trang cũng lĩnh án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Thủy cũng phải nhận bản án là 20 tháng tù nhưng HĐXX cũng xem xét cho bị cáo hưởng án treo.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.