Cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan: Ra đi để lại thế giới tốt đẹp hơn

Ông Annan qua đời, thế giới mất đi người có nhiều trăn trở cho nền hòa bình, người dành cả cuộc đời đấu tranh không ngừng nghỉ để cải thiện cuộc sống hàng triệu người dân.

Rạng sáng 18/8, cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan qua đời tại thành phố Bern, Thụy Sĩ, với người vợ Nane Annan và ba người con là Ama, Kojo and Nina bên giường bệnh.

Từ khi còn là chàng thanh niên ngoài 20 tuổi, ông Annan đã phục vụ Liên Hợp Quốc, tổ chức được sáng lập với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

Bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của ông, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã "góp phần to lớn giúp thế giới mà ông vừa rời bỏ trở thành nơi tốt đẹp hơn so với thế giới thời ông được sinh ra".

cuu tong thu ky lhq kofi annan ra di de lai the gioi tot dep hon
Cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan vừa qua đời ở tuổi 80. (Ảnh: Financial Times)

Hai vụ diệt chủng ám ảnh cựu tổng thư ký

Ông Annan sinh tại thành phố Kumasi, Ghana vào ngày 8/4/1938. Ông bắt đầu tham gia bộ máy điều hành Liên Hợp Quốc từ năm 1962 với cương vị nhân viên hành chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Sau đó, ông làm việc tại Hội đồng Kinh tế Châu Phi của Liên Hợp Quốc ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, tiếp đến là nhân viên Lực lượng Khẩn cấp Liên Hợp Quốc tại thành phố Ismailia, Ai Cập.

Ngoài ra, ông còn là cao ủy của Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại Geneva và đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao khác tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.

Trước khi trở thành tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Annan từng là thư ký phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình và là người đại diện đặc biệt của cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros-Ghali giai đoạn 1995-1996.

Dưới cương vị người điều hành các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, ông Annan từng bị chỉ trích vì thất bại trong việc chấm dứt nạn diệt chủng ở Rwanda.

Năm 1994, Hội đồng Bảo an và nhiều cá nhân, tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, bao gồm ông Annan, bị đại diện Liên Hợp Quốc tại Rwanda cáo buộc phớt lờ cảnh báo về vụ diệt chủng ở quốc gia này.

Theo ước tính, 800.000 người đã thiệt mạng sau thảm họa trên vì các lãnh đạo thế giới lưỡng lự trong việc gửi quân viện trợ.

"Thời điểm đó, tôi tin rằng mình đã làm hết sức có thể, nhưng sau đó tôi nhân ra rằng đáng lẽ ra mình nên làm nhiều hơn thế", ông Annan phát biểu năm 2004.

cuu tong thu ky lhq kofi annan ra di de lai the gioi tot dep hon

Một phụ nữ gục ngã tại biên giới Rwanda khi đang tìm đường thoát khỏi quốc gia này nhằm tránh thảm họa diệt chủng. (Ảnh: Reuters)

Năm 1995, hàng nghìn người theo đạo Hồi bị tàn sát tại thị trấn Srebrenica, Bosna và Hercegovina, quốc gia ở Đông Âu, khi người Serb tràn qua "vùng an toàn" của Liên Hợp Quốc.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi ấy, ông Boutros Boutros-Ghali, đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội sau hai vụ diệt chủng. Sau này, ông Annan cho rằng những sự kiện trên định hình tư tưởng của ông.

"Là một người con của Ghana, ông Annan luôn cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt đối với châu Phi", theo thông báo từ Tổ chức Kofi Annan.

Tháng 4/2001, cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc khởi động chiến dịch chống lại đại dịch HIV/AIDS.

Ông đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Y tế Toàn cầu, nhằm khuyến khích gia tăng ngân sách cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng HIV/AIDS tại nhiều quốc gia đang phát triển.

"Ông Annan chính là hiện thân của Liên Hợp Quốc"

Ông Annan là tổng thư ký Liên Hợp Quốc thứ 7, ông đảm nhiệm vị trí này trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1997 đến 2006. Năm 2001, ông cùng Liên Hợp Quốc nhận giải Nobel Hòa Bình vì những cống hiến nhân đạo.

Tổ chức Kofi Annan mô tả ông là "một chính khách toàn cầu và là người am hiểu các vấn đề quốc tế đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho một thế giới hòa bình và công bằng hơn".

Tổ chức độc lập này được cựu tổng thư ký thành lập từ năm 2007, hoạt động vì hòa bình, nhân quyền và sự phát triển của các nước trên thế giới.

Ông António Guterres, tổng thư ký hiện tại của Liên Hợp Quốc, là người từng được ông Annan bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu cơ quan chuyên trách các vấn đề nhập cư.

"Theo nhiều cách, ông Annan chính là hiện thân của Liên Hợp Quốc. Ông lần lượt đảm nhiệm nhiều cấp bậc tại đây trước khi trở thành người dẫn dắt tổ chức bước qua thiên niên kỷ mới với phẩm giá và sự quyết tâm ít người sánh kịp", ông Guterres nói.

Đương kim tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng ông Annan vừa là bạn, vừa là người hướng dẫn của ông và là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người.

"Ông ấy cho mọi người không gian để đối thoại, một nơi để giải quyết các vấn đề và con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong những thời khắc hỗn loạn, ông không ngừng làm việc để đưa những giá trị của Hiến chương Liên Hợp Quốc vào cuộc sống.

Di sản của ông sẽ là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta", ông Guterres khẳng định.

cuu tong thu ky lhq kofi annan ra di de lai the gioi tot dep hon

Ông Annan (trái) và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Han Seung Soo nhận giải Nobel Hòa bình năm 2001. (Ảnh: AAP)

Annan đồng thời là chủ tịch nhóm Các bô lão (The Elders), tổ chức độc lập gồm nhiều lãnh đạo thế giới hoạt động cho hòa bình và nhân quyền do cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thành lập.

Bà Gro Harlem Brundtland, cựu thủ tướng Na Uy đồng thời là phó chủ tịch tổ chức trên, cho biết bà và các đồng nghiệp vô cùng đau buồn trước sự ra đi của ông Annan.

"Sự hiện diện của ông Kofi vô cùng mạnh mẽ và truyền cảm hứng, Các bô lão sẽ không có vị trí này ngày hôm nay nếu không có sự lãnh đạo của ông.

Trong suốt cuộc đời mình, ông Kofi làm việc không ngừng nghỉ nhằm cải thiện cuộc sống của hàng triệu con người trên khắp thế giới", CNN dẫn lời bà Brundtland.

Kết thúc nhiệm kỳ với sự giận dữ

Từ khi đảm nhận chức vụ tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào năm 1997, ông Annan trở thành "người đi đầu" trong cuộc chiến bảo vệ nhân quyền và luôn thúc giục các cơ quan của Liên Hợp Quốc bảo vệ người dân nếu chính quyền địa phương quay lưng với họ.

Nhiệm kỳ đầu của ông được đánh giá cao, nhưng nhiệm kỳ thứ hai, với cuộc chiến do Mỹ khơi mào tại Iraq, lại không mấy êm đẹp.

Ông rời khỏi cương vị tổng thư ký Liên Hợp Quốc với sự giận dữ dành cho chính quyền cựu tổng thống George W. Bush.

Tháng 12/2006, trong bài phát biểu cuối cùng khi còn tại vị, ông Annan cáo buộc Mỹ vi phạm nhân quyền dưới danh nghĩa chống khủng bố.

Theo Guardian, bài phát biểu trên nhắm đến chủ nghĩa tân bảo thủ là nền tảng của các chính sách ngoại giao dưới thời cựu tổng thống Bush.

Đây đồng thời là dấu hiệu cho thấy sự giận dữ của ông đối với chính quyền Bush khi lực lượng Mỹ khơi mào cuộc chiến tại Iraq năm 2003 mà chưa được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.

cuu tong thu ky lhq kofi annan ra di de lai the gioi tot dep hon

Ông Annan phát biểu tại một hội nghị về hòa bình năm 2012. (Ảnh: HopeXXL)

"Khi sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh quân đội, được sử dụng, thế giới chỉ xem đây là chuyện hợp pháp khi nó được sử dụng đúng mục đích - cho những mục tiêu được chia sẻ rộng rãi phù hợp với những giá trị được chấp nhận rộng rãi", ông phát biểu tại thư viện tổng thống Harry Truman, bang Missouri, Mỹ.

Tháng 2/2012, ông Annan được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm đặc phái viên tại Syria. Tuy nhiên, ông từ chức 6 tháng sau đó, lấy lý do về sự gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực và "sự thiếu thống nhất" trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông tận hưởng tuổi già tại một ngôi làng ở Thụy Sĩ sau khi nghỉ hưu.

"Tôi là một người theo chủ nghĩa lạc quan rất cứng đầu, tôi được sinh ra là một người lạc quan và tôi sẽ mãi mãi là một người lạc quan", ông nói trong cuộc phỏng vấn với BBC nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 hồi tháng 4.

Bên trong trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York Nổi bật giữa các cao ốc đồ sộ của New York, tòa nhà bề thế của Liên Hợp Quốc là địa điểm làm việc, họp hành của lãnh đạo các quốc gia, đại sứ và phái đoàn quốc tế.
cuu tong thu ky lhq kofi annan ra di de lai the gioi tot dep hon Cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan qua đời

Ngày 18/8, Liên hợp quốc (LHQ) thông báo cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã qua đời.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.