Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Thắng).
Trao đổi với Thanh niên, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức sẽ khiến một số viên chức tâm tư vì nếu như có hợp đồng dài hạn thì người ta sẽ yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, việc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn cũng không tương thích với bộ luật Lao động hiện nay vì bộ luật này quy định sau 2 lần ký hợp đồng ngắn hạn thì phải ký hợp đồng dài hạn. “Nếu thông qua điều khoản này thì cũng phải làm sao đó để 2 luật này tương thích với nhau”, bà Lan nói.
“Tuy nhiên, mình cũng phải thấy mục tiêu khi đưa ra việc sửa đổi lần này. Tôi nói thật, nếu tôi có quyền tôi còn làm dữ hơn. Không phải phân biệt công chức với viên chức gì cả vì tất cả đều ăn lương từ ngân sách. Mà xã hội ai cũng thấy đội ngũ công chức, viên chức chưa làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng khi đánh giá bao giờ cũng xuất sắc, cũng tốt, rất hình thức”, bà Lan nói thêm.
Ông nào chỉ hoàn thành nhiệm vụ là buồn lắm rồi
Vậy bà cho rằng, việc bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức sẽ tạo nên động lực tốt để đối tượng này làm việc?
Điều quan trọng là quy định này sẽ giúp những người lãnh đạo, đứng đầu đơn vị sử dụng người lao động có trách nhiệm và quyền hạn trong tuyển dụng cũng như sa thải. Hiện nay nhiều người ỉ là công chức, viên chức rồi vô quậy hoài, không chịu làm việc thế thì lúc nào mới có được sự cạnh tranh.
Có một sự đồng bộ rất kỳ lạ giữa giáo dục và thị trường lao động khu vực nhà nước là lúc còn là học sinh thì cả lớp toàn học sinh xuất sắc, tới chừng vô đi làm cũng toàn là những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông nào không có chữ xuất sắc, chỉ hoàn thành nhiệm vụ đã buồn lắm rồi. Kiếm người không hoàn thành nhiệm vụ còn khó hơn. Ai cũng tốt, cũng xuất sắc nhưng tổng thể chung thì lại không thấy hiệu quả đâu hết.
Sức ép đối với bộ máy là rất lớn. Mình phải thấy cái nào là quan trọng nhất. Để vượt qua thử thách và làm được điều gì đó đòi hỏi phải có sự hi sinh. Và người viên chức cũng phải thấy anh có trách nhiệm làm việc tới nơi, tới chốn, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm.
Nhưng người ta cũng lo sẽ có chuyện lạm quyền của những người được giao quyền tuyển dụng, sa thải nhân viên?
Đương nhiên cái gì cũng có 2 mặt. Nhưng khi giao cho những người đứng đầu quyền lớn như vậy thì anh ta cũng phải chịu trách nhiệm với hoạt động của đơn vị, hiệu quả của công việc. Bên cạnh đó chúng ta vẫn còn tổ chức công đoàn và bản thân viên chức, người lao động cũng có quyền khiếu kiện nếu như người đứng đầu lạm dụng quyền của mình để sa thải không đúng. Chuyện nào ra chuyện đó. Không phải vì sợ lạm quyền mà bỏ đi chỗ này.
Cái cần đổi mới nhất là công chức chứ không phải viên chức
Nhưng cũng có nhiều ý kiến đặt vấn đề tại sao không bỏ biên chế suốt đời đối với công chức mà chỉ bỏ với viên chức?
Đó là cái mà tôi đánh giá là chưa ổn trong dự thảo luật lần này. Công chức cũng phải tiến dần tới bỏ biên chế như viên chức. Chỉ có như thế người đứng đầu mới có chọn được người làm việc tốt nhất cho công việc.
Bản thân tôi là lãnh đạo một đơn vị nhưng tại sao tôi không có quyền tự do tuyển dụng những người làm được việc, những sinh viên xuất sắc mới ra trường. Với quỹ lương và số biên chế được giao, tôi mượn ai là việc của tôi. Tôi mượn ít người hơn thì tôi tự làm, miễn là hiệu quả công việc tốt nhất chứ không phải bắt tôi nhất định phải có đủ số công chức đã ấn định.
Ở ta hiện nay, hễ động đến đồng lương nhà nước thì lại liên quan tới rất nhiều vấn đề. Nói thật là một cái dở của hệ thống mình là tuyển dụng vào cực kỳ khó khăn nhưng đuổi ra cũng không đơn giản nếu họ không làm được việc.
Hiện nay, viên chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ vẫn có thể cho chấm dứt hợp đồng và cho thôi việc được?
Đúng là như vậy nhưng như tôi đã nói việc đánh giá hiện nay còn hình thức quá.
Nếu đó là nguyên nhân thì việc cần làm là cải thiện việc đánh giá chứ không phải là bỏ chế độ hợp đồng dài hạn đối với viên chức?
Tôi nghĩ là nên có thêm một “vũ khí” khác. Phải có nhiều biện pháp. Còn viên chức chẳng việc gì phải lo nếu làm tốt công việc cả. Nhưng thực tế là hiện nay có rất nhiều trường hợp mà người ta chỉ chờ đến nghỉ hưu thôi vì không có cách nào đuổi đi được.
Vì thế, theo tôi thì việc bỏ chế độ hợp đồng dài hạn đối với viên chức chỉ là bước để mình cảnh tỉnh người lao động. Còn cái chính thì vẫn phải đánh giá viên chức sao cho thực chất.
Thực tế thì ở các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay phần lớn đều tự chủ và cũng đã tiệm cận thị trường hơn. Vì khi tự chủ nghĩa là nhà nước không bao cấp nữa, tất cả phụ thuộc vào nguồn thu của mình. Vì thế, nếu anh mướn nhiều người thì anh phải trả nhiều, anh sẽ lỗ. Do đó, họ phải tính toán làm sao tìm được người làm được việc.
Thành ra tôi thấy cái cần đổi mới nhất hiện nay chính là công chức chứ không phải viên chức. Đơn vị sự nghiệp công lập hiện giờ họ cũng đã có nhiều cách tác động để những người lao động không làm được việc phải đi. Còn công chức thì vẫn vậy. Nếu ngon thì phải bỏ biên chế đối với công chức. Nhưng tôi e là chưa làm được.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội, tính đến nay (ngày 22/4/2019), tổng hợp từ số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 bộ, ngành ở Trung ương và 45/63 địa phương cho thấy: Tổng số công chức là 284.668 người, trong đó: - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 76.695 người, chiếm tỷ lệ 26.94% - Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 197.377 người, chiếm tỷ lệ 69,34% - Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 6.732 người, chiếm tỷ lệ 2,36% - Không hoàn thành nhiệm vụ: 1.690 người, chiếm tỷ lệ 0,59%. Tổng số viên chức 1.104.393 người, trong đó: - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 300.866 người, chiếm tỷ lệ 27,24% - Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 740.792 người, chiếm tỷ lệ 67,08% - Hoàn thành nhiệm vụ: 70.042 người, chiếm tỷ lệ 6,34% - Không hoàn thành nhiệm vụ: 4.244 người, chiếm tỷ lệ 0,38%. |