Đại dịch là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với chuyển đổi số

Đại dịch đã mang lại cho Việt Nam và các nước ASEAN những cơ hội nhất định, đầu tiên là cơ hội để các nước bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số, có thể dịch vụ hóa các hoạt động cơ sở hạ tầng và tiếp tục chú trọng về yếu tố con người.
COVID-19 là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với chuyển đổi số - Ảnh 1.

Covid-19 là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với chuyển đổi số. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, sáng 13/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư (ASEAN-BIS) 2020, các đại biểu đã tham gia phát biểu và thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN với chủ đề: “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm”.

GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) khẳng định bên cạnh những thách thức, đại dịch Covid-19 cũng mang lại cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN những cơ hội nhất định.

Theo đó, cơ hội đầu tiên chính là cơ hội để các nước bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số; tiếp đến là cơ hội để có thể dịch vụ hóa các hoạt động cơ sở hạ tầng và cơ hội để tiếp tục chú trọng hơn nữa về con người, hướng về con người nhiều hơn.

Theo ông Anger Gurria, Tổng Thư kí Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thế giới đang phải đối mặt với cuộc suy thoái nặng nề nhất từ sau thế chiến toàn cầu và OECD dự báo GDP toàn cầu có sự sụt giảm 4,5% trong năm 2020. Theo đó, nền kinh tế ASEAN phải gánh chịu và dự báo sẽ suy giảm 4,23% trong năm 2020.

Đại diện OECD cho biết để xử lí những thách thức trên có 5 lĩnh vực cần ưu tiên. Đầu tiên là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19.

Tiếp theo là cải thiện môi trường đầu tư; những vấn đề hành vi kinh doanh có trách nhiệm, liêm chính trong kinh doanh; giảm thiểu những méo mó của thị trường; và chuyển đổi số, giúp cho SME có chuỗi cung ứng mang tính bao trùm cao.

Tiến sĩ Aladdin D. Rillo, Phó Tổng Thư kí ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN cho biết để vượt qua đại dịch COVID-19, trước hết phải tập trung vào hợp tác trong khu vực, chuyển từ biện pháp ngăn ngừa sang phục hồi và có những hành động quyết đoán với đại dịch, bảo đảm nguồn ngân quĩ xử lí đại dịch phải đầy đủ.

Mở cửa được nền kinh tế để những ngành quan trọng nhất khôi phục lại, ví dụ như ngành hàng không. Đồng thời tiếp tục phát triển mạnh mẽ về nguồn vốn, con người, đẩy mạnh số hóa... để bù đắp lại những mất mát do Covid-19.

ASEAN-BIS là diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, nơi hội tụ các lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định, tư vấn chính sách với các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực. Đây là một diễn đàn đặc biệt, nơi các nguyên thủ ASEAN và các nước đối tác cùng thảo luận với cộng đồng khu vực tư nhân về tương lai của khu vực.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.