Đại gia thịt lợn Masan toan tính gì sau khi tích cực chi hàng nghìn tỉ cho các thương vụ mua bán đa ngành?

Những năm gần đây, Masan tích cực chi tiền cho các hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, tiêu dùng, công nghệ, tài chính,... Tập đoàn này đang đặt mục tiêu gì khi lấn sân sang nhiều ngành như vậy?

Các thương vụ đầu tư, mua lại và sáp nhập qui mô lớn

Năm 2020 là năm tập đoàn Masan ghi dấu nhiều hoạt động M&A đáng chú ý. 

Theo TTXVN, sau khi chính thức đưa vào vận hành tổ hợp chế biến thịt mát MEATDeli với tổng vốn 1.800 tỉ đồng, qui mô hơn 20 ha tại Khu công nghiệp Tân Đức (Đức Hòa, Long An), Masan đã chi hơn 613 tỉ đồng để chính thức sở hữu 51% tại Công ty 3F VIỆT, đồng thời mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm.

Trước đó vào cuối tháng 10, Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) đã mua gần 110 triệu cổ phần do Masan High-Tech Materials phát hành mới với giá 90 triệu USD để trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty này.

Thương vụ là một phần của cam kết thành lập liên minh chiến lược để phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao, tăng cường hệ thống bán hàng ở châu Á – Thái Bình Dương...

Cuối tháng 7, Masan bỏ ra 862 triệu USD để mua 12,6% cổ phần The CrownX. Hiện tập đoàn đang nắm giữ khoảng 82,6% cổ phần tại The CrownX; tỉ lệ lợi ích kinh tế tương ứng của Masan tại VCM (Đơn vị sở hữu 100% vốn VinCommerce – đơn vị vận hành chuỗi Vinmart, Vinmart+) và MCH (Công ty sở hữu 95,24% vốn tại Masan Consumer) lần lượt là 69,17% và 70,8%.

Đầu năm nay, Masan Consumer đã trở thành công ty mẹ của Bột giặt NET sau khi mua thành công 52% cổ phần. Mức định giá của Bột giặt NET xấp xỉ 46 triệu USD, thông tin từ Kinh tế & Đô thị.

Sau khi về tay Masan, lợi nhuận bột giặt NET tăng mạnh. 9 tháng đầu năm, doanh thu của hãng bột giặt đạt hơn 1.100 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng hơn gấp đôi, lên 119 tỉ đồng, hoàn thành trên 85% kế hoạch doanh thu và vượt 38% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Vào năm ngoái - năm 2019, thị trường được phen xôn xao bởi thương vụ sáp nhập giữa Masan và hai công ty con của Vingroup. 

Cụ thể, VinCommerce, VinEco và Masan sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Đại gia thịt lợn Masan toan tính gì sau khi tích cực chi hàng nghìn tỉ cho các thương vụ mua bán đa ngành? - Ảnh 1.

Sáp nhập Vincommerce, Masan đặt mục trở thành Tập đoàn bán lẻ tiêu dùng hàng đầu. (Ảnh: Kim Ngân/Thanh niên).

Theo thông tin công bố, VinCommerce có vốn điều lệ 6.436 tỉ đồng, VinEco ở mức 2.000 tỉ đồng. Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ cùng hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco.

Theo Tạp chí Tài chính, vụ hợp nhất trị giá ba tỉ USD giữa Vingroup và Masan vào tháng 12/2019 nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và qui mô hàng đầu Việt Nam.

Masan hoạch tính gì?

Tăng trưởng ở nhiều mảng kinh doanh sau sáp nhập kéo doanh thu thuần của Masan tăng mạnh. Theo kết quả kinh doanh 9 tháng năm tài chính 2020, doanh thu thuần đạt 55.618 tỉ đồng, tăng 110,8% so với cùng kì năm trước. 

Thông tin từ TTXVN cho thấy, nguyên nhân doanh thu thuần tăng vọt là do Masan hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập và được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội tại của tất cả các mảng kinh doanh. 

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông là 852 tỉ đồng trong quí III và 969 tỉ đồng trong 9 tháng năm 2020.

Hiện tại, Masan hoạt động trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm tươi sống và dịch vụ tài chính (thông qua cổ phần đáng kể trong Techcombank), các lĩnh vực này chiếm khoảng 50% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam. Lần đầu tiên tại Việt Nam một doanh nghiệp sản xuất nắm quyền điều hành một hệ thống bán lẻ.

Tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt 150.000 – 250.000 tỉ đồng với tỉ suất lợi nhuận hoạt động 14 - 15%, phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho ít nhất 50 triệu người tiêu dùng, đồng thời, tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng lên mức 25%.

Báo Thanh niên dẫn lời phỏng vấn của ông Danny Le, Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan hồi cuối tháng 6, cho biết bước tiếp theo của tập đoàn này sẽ là truyền thông, giáo dục, sức khỏe, tài chính... 

Giai đoạn tới, Masan sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng qui mô.

Đại gia thịt lợn Masan toan tính gì sau khi tích cực chi hàng nghìn tỉ cho các thương vụ mua bán đa ngành? - Ảnh 2.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Tập đoàn sẽ chú trọng cải thiện các tỉ suất tài chính với EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) cao hơn trong tương lai gần thông qua việc mở rộng mảng kinh doanh thịt của MML, tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của HCS vào MHT và quan trọng nhất là đóng góp EBITDA tích cực từ VCM khi các sáng kiến cải thiện hiệu quả hoạt động của Masan được thực hiện hoàn chỉnh.

“Giấc mơ của chúng ta là mang lại ít nhất cho mỗi người Việt Nam một sản phẩm của Masan. Tin rằng nếu cùng thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận hai chữ số”, báo Thanh niên trích lời phát biểu tại ĐHCĐ năm 2020 của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.