Đại học định hướng doanh nghiệp: Không thay đổi, trường đại học sẽ mất chỗ đứng

Trên thực tế, giáo dục đại học hiện nay đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ trong việc xác định lại tôn chỉ mục tiêu, vai trò, tổ chức và phạm vi ảnh hưởng của mình đối với xã hội và nền kinh tế. Đã có những thảo luận thậm chí đề cập đến nguy cơ trường đại học đánh mất chỗ đứng của mình trong xã hội và nền kinh tế nếu không kịp thay đổi.
dai hoc dinh huong doanh nghiep khong thay doi truong dai hoc se mat cho dung
Thí sinh và phụ huynh hồi hộp xem chốt điểm chuẩn tại trường ĐH Kinh tế quốc dân trong tuyển sinh năm 2015 (Ảnh: minh họa)

Xu thế phát triển đại học theo mô hình doanh nghiệp

Đại học theo mô hình doanh nghiệp (entrepreneurial university) đang là xu thế phát triển hiện nay của nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới, trong đó nhấn mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các trường đại học vào quá trình đổi mới sáng tạo và tạo ra các giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội. Môi trường khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội và cạnh tranh trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng mở ra những viễn cảnh mới trong sáng tạo, trao đổi và ứng dụng tri thức.

Trong vài năm trở lại đây ở Việt Nam, “tinh thần doanh nghiệp” (entrepreneurship) đang trở thành một trong các thuật ngữ có mức độ xuất hiện hàng đầu trong các thảo luận trên nhiều diễn đàn khoa học và nghề nghiệp, cũng như là chủ đề chiếm vị trí ưu tiên trong các chính sách phát triển của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh cả xã hội đang chuyển mình hướng đến mục tiêu cá nhân khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp, các trường đại học cần đổi mới như thế nào để bắt nhịp và đồng hành cùng sự phát triển chung của cả hệ thống là một câu hỏi có tính chiến lược.

Trên thế giới, khái niệm “đại học theo mô hình doanh nghiệp” (entrepreneurial university) đã xuất hiện từ thập niên cuối của thế kỷ trước, với các nghiên cứu tiên phong của Etzcowitz (1983), Wasser (1990), và Clark (1998). Theo các tác giả này, đại học theo mô hình doanh nghiệp là các trường đại học tích cực tìm cơ hội thương mại hóa các ý tưởng và tạo ra giá trị kinh tế trong xã hội, cũng như không coi đó là một mối đe dọa đến các giá trị hàn lâm khoa học của mình (Clark, 2004).

Trong thập niên tiếp theo, các nghiên cứu về đại học theo mô hình doanh nghiệp, cả trên góc độ hàn lâm học thuật và ứng dụng thực tiễn, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới khoa học (Gibb và cộng sự, 2013).

Có thể thấy đại học theo mô hình doanh nghiệp được phát triển tại cả những trường đại học có bề dày và uy tín lâu năm về nghiên cứu hàn lâm như Oxford (Anh), Stanford, Massachuset Institute of Technology (Mỹ), cũng như tại các cơ sở giáo dục đại học hiện đại và ít tuổi hơn tại các quốc gia mới phát triển và đang phát triển, như Đại học Quốc gia Singapore (Wong, 2007), Đại học Hoa Đông, Trung Quốc (Ye Liu, 2008).

Tại Việt Nam, những trường đại học đầu tiên đưa tên tuổi mình gắn với khái niệm này có thể kể đến Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Phạm Thị Ly, 2012), Đại học Quốc gia Hà Nội (Nguyễn Hữu Đức, 2013), Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (Hà Thế An, 2016).

Môi trường làm việc, các mô hình kinh doanh mới, các cách tổ chức và vận hành kinh tế tại một nước trên đà phát triển mạnh mẽ như Việt Nam đang thay đổi và chuyển biến hằng ngày. Trường đại học với sứ mệnh phát triển tri thức và đào tạo nguồn nhân lực bậc cao phục vụ cho xã hội cần có sự chuẩn bị và thích nghi với các xu hướng vận động mới của nền kinh tế.

Đại học định hướng doanh nghiệp: Không theo đuổi mục tiêu kinh tế

Là một trong những tác giả đi đầu trong các nghiên cứu về đại học theo mô hình doanh nghiệp, Etzkowitz và cộng sự (2008) mô tả sự vận động và phát triển của giáo dục đại học trong lịch sử như một quá trình trải qua 3 giai đoạn.

Ba giai đoạn phát triển của giáo dục đại học

dai hoc dinh huong doanh nghiep khong thay doi truong dai hoc se mat cho dung
Nguồn Etzkowitz và cộng sự (2008)

Từ giữa những năm 1980, thuật ngữ “theo mô hình doanh nghiệp” (entrepreneurial) bắt đầu xuất hiện bên cạnh các khái niệm khoa học, nhà khoa học và trường đại học. Trường đại học theo mô hình doanh nghiệp được coi là những trường có khả năng kết nối hiệu quả tri thức khoa học với phát triển và tạo ra các giá trị kinh tế. Theo Hannon (2008), Robertson (2008) và Etzkowitz (2004), trường đại học theo mô hình doanh nghiệp có một số đặc điểm như sau:

- Chủ động và tích cực vốn hóa tài sản tri thức (capitalization of knowledge), dẹp bỏ ranh giới và thúc đẩy dòng chảy tri thức giữa mình và các tổ chức khác, cụ thể là giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

- Có tư duy cởi mở về định hướng doanh nghiệp, theo đó, định hướng doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là tạo ra một hoạt động kinh doanh.

- Có một môi trường tích cực thúc đẩy phát triển các cơ hội, tư duy cũng như hành vi hướng tới tạo ra lợi ích kinh tế.

- Quản lý thành công mối quan hệ phụ thuộc qua lại với giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, trong khi vẫn đảm bảo tính độc lập của mình.

- Lãnh đạo nhà trường có quyết tâm mạnh mẽ hướng tới phát triển các năng lực khởi nghiệp trong toàn bộ sinh viên và giảng viên.

Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là trường đại học theo mô hình doanh nghiệp không theo đuổi mục tiêu kinh tế, mà mục tiêu phát triển kinh tế được tích hợp cùng với mục tiêu phát triển tri thức khoa học, hướng tới tạo ra một giá trị cộng hưởng thiết thực và hiệu quả hơn của các trường đại học cho xã hội.

Trên thực tế, giáo dục đại học hiện nay đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ trong việc xác định lại tôn chỉ mục tiêu, vai trò, tổ chức và phạm vi ảnh hưởng của mình đối với xã hội và nền kinh tế. Đã có những thảo luận thậm chí đề cập đến nguy cơ trường đại học đánh mất chỗ đứng của mình trong xã hội và nền kinh tế nếu không kịp thay đổi. (Đàm Quang Minh và Phạm Hiệp, 2016).

Đại học truyền thống mất dần vị thế độc quyền

Thời đại ngày nay chứng kiến những thay đổi không ngừng của khoa học và công nghệ. Các phát minh sáng chế được nhanh chóng đưa vào ứng dụng tạo ra những bước đột phá trong sinh hoạt và lao động. Giáo dục đại học phải đối mặt với thách thức dự báo những kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần, trong khi tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra quá nhanh.

Các cơ sở đào tạo với những chương trình học cập nhật, bám sát thực tiễn và hợp tác sâu rộng với giới doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu sẽ có ưu thế trong việc thu hút người học. Ở đó người học có thể tìm được những kỹ năng và kiến thức cùng với tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải (Lê Bảo Long, 2016).

Quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, đi kèm với việc mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng internet đã khiến các cơ sở giáo dục đại học truyền thống mất dần vị thế độc quyền của mình về nắm giữ và truyền thụ tri thức.

Toàn cầu hóa và số hóa cũng là những động lực thúc đẩy quá trình chia sẻ kinh nghiệm và tri thức ẩn (tacit knowledge) trong cộng đồng, khiến các trường đại học không còn là trung tâm trang bị kỹ năng cần thiết để cá nhân gia nhập thị trường lao động (Gibb và cộng sự, 2013). Các trường đại học do đó đứng trước sức ép phải hội nhập mạnh mẽ vào các dòng chảy trao đổi tri thức, chuyển giao công nghệ để không tự cô lập chính mình.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường đại học đang đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn kinh tế có tiềm lực công nghệ, con người và nguồn tài chính đang đi đầu trong cuộc đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống (Lê Bảo Long, 2016). Bản thân họ có thể chủ động thành lập các cơ sở nghiên cứu và giáo dục bậc cao, trước hết là để phục vụ nhu cầu nhân lực cho chính mình. Ranh giới về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực đại học và công nghiệp ngày càng thu hẹp (Đàm Quang Minh và Phạm Hiệp, 2016). Đại học ngày càng cần phải tìm đến doanh nghiệp để tận dụng các nguồn lực, cũng như đẩy nhanh ứng dụng các giá trị tri thức mình tạo ra, để giữ vững chỗ đứng.

Cuối cùng, khi đầu vào giáo dục đại học ngày càng được mở rộng đại trà, cùng với đó là xu hướng xã hội hóa và gia tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, trường đại học có thêm cơ hội đa dạng hóa các nguồn tài chính. Trường đại học có thể chủ động thiết lập hợp tác với giới doanh nghiệp, cho phép mình tiếp cận với nguồn đầu tư và những tài sản vô hình mà ngân sách công không đủ đáp ứng. Việc này cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng tri thức và thương mại hóa tri thức mà trường đại học tạo ra (Ropke, 1998).

Như vậy mục tiêu gắn kết sứ mệnh của các trường đại học với phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh đó là sức ép cạnh tranh, là những động lực thúc đẩy trường đại học chuyển dịch từ mô hình giảng dạy và nghiên cứu khoa học truyền thống sang mô hình đại học định hướng doanh nghiệp. Đó là mô hình ở đó sứ mệnh sáng tạo phát triển các giá trị và lợi ích ích kinh tế được bổ sung và tích hợp với sứ mệnh đã được thừa nhận của các trường đại học - nghiên cứu phát triển tri thức khoa học và truyền thụ tri thức cho xã hội.

Kỳ II: Đại học định hướng doanh nghiệp: Cạnh tranh khắc nghiệt trên sân nhà

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.