Điểm chuẩn Y đa khoa chênh nhau... 9 điểm
Thông tin trên Zing.vn, mức điểm chuẩn của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đánh giá khá thấp so với các trường đào tạo y dược trong cả nước. Thậm chí, nó thấp hơn cả mức nhận điểm xét hồ sơ mà nhà trường đã thông báo trước đó: Thí sinh nộp hồ sơ phải đạt trên 20 điểm.
Nếu so với điểm trúng tuyển Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội, điểm đầu vào của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kém… 9 điểm. Năm nay, điểm trúng tuyển ngành này của ĐH Y Hà Nội là 27. Ngoài ra, thí sinh cần đảm bảo tiêu chí phụ là điểm môn Toán đạt 8,75 trở lên.
Trong khi đó, ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) lấy điểm chuẩn các ngành từ 22 đến 24,75, áp dụng tiêu chí phụ trong tính điểm môn Toán.
Ngành Y Đa khoa của Đại học Y khoa Vinh có điểm chuẩn cao nhất 23,5. Các khoa còn lại như Y học Dự phòng, điểm chuẩn là 21, Y tế Công cộng: 15 điểm, Cử nhân Điều dưỡng: 19 điểm.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS Phạm Gia Khải - Ban chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe Trung ương - Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia cho biết không thể coi thường sức khỏe người bệnh bằng cách đào tạo những bác sĩ có điểm đầu vào thấp.
“Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là sức khỏe của con người không thể coi thường được. Cho nên từ đầu đến cuối tôi vẫn phản đối trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội chiêu sinh y và dược.
Thứ nhất là điểm vào thấp quá sẽ nảy ra tiêu cực. Những người dưới 18 điểm họ có thể đút lót, điều này rất có thể xảy ra.
Thứ hai, không có giáo viên nào dạy lâm sàng mà tôi biết, phần lớn là những người không làm lâm sàng và nhiều tuổi đã về hưu. Tôi không có ý gì nói những người về hưu. Nhưng nếu về hưu mà không cập nhật thêm thì cũng không thể khá được.
Thứ ba là bệnh viện thực tập. Đây toàn là những bệnh viện trước tôi dẫn sinh viên thực tập và không thể được như: Bệnh viện Đống Đa, bệnh viện Hà Đông, bệnh viện Đức Giang ở Gia Lâm mới lên cấp… Bệnh viện tư nhân thì tôi không biết thế nào. Những bệnh viện đó có thể điều trị bệnh nhân nhưng để làm trung tâm thực hành thì lại khác. Nhìn nhận vấn đề, cách cho đơn thuốc và làm xét nghiệm nó khác nhau.
Sau cùng thì những người ra trường, ra viện trình độ làm sao mà tin tưởng và khá được khi nơi học, nơi thực hành, giáo viên như vậy”, GS Khải lo lắng.
Thông báo điểm trúng tuyển NV 1 của trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội. (Ảnh: Đất Việt) |
GS Khải cũng nhắc đến hàng loạt sự cố gần đây như mổ nhầm chân, cắt nhầm niệu đạo… Theo vị giáo sư, tất cả những trường hợp trên đều bắt nguồn từ việc bác sĩ có trình độ yếu kém, không đúng chuyên môn. Vì vậy với việc trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tuyển sinh ngành y đa khoa và dược học với điểm đầu vào thấp, GS Khải tỏ ra vô cùng lo lắng.
“Tôi rất đồng cảm với nỗi sợ của người dân và tôi còn lo lắng hơn nữa vì tôi là người trong ngành. Tôi rất buồn vì dù làm việc lâu năm trong ngành nhưng quyết định của tôi lại không có. Quyết định thuộc về những người mà quyền lợi cá nhân lại cao hơn lợi ích. Tôi ở trong ngành nên tôi biết rất rõ việc này. Tôi cũng từng định viết đơn gửi các cơ quan nói rõ điều này nhưng tính đi tính lại lại thôi”, GS Khải buồn bã nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sái – Nguyên Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo – Đại học Y Thái Bình cho rằng, ngành y dược rất khó và phức tạp nên phải có đầu vào tốt thì mới đào tạo ra những bác sĩ giỏi được.
“Với đặc thù hoàn toàn khác, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên không thể áp dụng kiểu “cần cù bù thông minh” vào việc giảng dạy y dược được”, ông Sái khẳng định.
Nguyên Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo – Đại học y Thái Bình cũng tỏ ra lo ngại sẽ có thêm nhiều trường ngoài công lập đồng loạt làm đề án và xin phép mở thêm ngành nghề. Trong khi đó đội ngũ y, bác sĩ hiện nay đang dư thừa. Nhiều sinh viên ngành y sau khi ra trường cũng không xin được việc làm.
"Bộ giáo dục và Đào tạo cần phải thận trọng, xem xét và cân nhắc không nên để các trường ồ ạt xin mở ngành, mở lớp. Chúng ta phải siết chặt quản lý thì mới hi vọng có được những bác sĩ ra trường đạt chất lượng cao được”, ông Sái khẳng định.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. |
Bộ GD-ĐT yêu cầu trả hồ sơ, trường vẫn giữ
Thông báo công bố điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa và Dược học là 18 điểm đưa ra vào ngày 13/8 thì ngày 15/8, trường rút lại thông báo này.
Giải thích việc rút thông báo trúng tuyển Y Đa khoa và Dược học, ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường đang chờ quyết định từ Bộ GD&ĐT cấp phép tuyển sinh hai ngành này.
Thông tin trên báo VTC News, sau khi có thông báo ngày 13/8, hàng trăm thí sinh đã nộp hồ sơ vào ngành Y đa khoa của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
201 thí sinh nộp hồ sơ vào ngành Y đa khoa của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang lo lắng trước thông tin Trường chưa được phép tuyển sinh ngành này. Nhưng khá bất ngờ là lãnh đạo trường này vẫn khẳng định trường đủ điều kiện đào tạo nên sẽ vẫn thu, giữ hồ sơ của các thí sinh.
Trả lời VTC News, PGS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thừa nhận nhà trường vẫn đang giữ hồ sơ của các thí sinh nộp vào ngành Y đa khoa của trường. Tuy nhiên, ông Hóa cho biết nếu thí sinh nào có nhu cầu rút, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Chia sẻ với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, khẳng định: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được phép tuyển sinh ngành Y đa khoa. Hiện tại, chưa có quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, vì vậy trường phải rút thông báo tuyển sinh.
Trước đó, kết luận kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT thông báo: Khi trường đã thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng; bổ sung tối thiểu một thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm đối với ngành Dược học và báo cáo hai Bộ, trường mới được phép tuyển sinh ngành này năm 2016. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế vẫn đang xem xét.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nếu trường đã nhận hồ sơ đăng ký nhập học ngành Y đa khoa của thí sinh thì phải liên hệ trả lại trong ngày 16/8 để đảm bảo quyền đăng ký nhập học trường khác của thí sinh.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường phải giải trình về việc thông báo tuyển sinh khi chưa có ý kiến của Bộ GD&ĐT.
Bà Phụng cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là "khi trường chưa được phép tuyển sinh ngành Y đa khoa thì không được thông báo tuyển sinh, không được nhận hồ sơ xét tuyển".