8h tối, giờ cao điểm của dân nhậu, nhưng tại các nhà hàng, quán nhậu trên đường Tô Hiệu, Cầu Giấy (Hà Nội) lại vắng vẻ đến lạ thường, trái ngược hoàn toàn so với khung cảnh trước khi Nghị định 100 có hiệu lực.
“Lượng khách lui tới nhà hàng giảm tới 80% so với trước kia”, ông Thanh, quản lí tại một nhà hàng bia trên đường Tô Hiệu ngán ngẩm nói.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tất cả những người tham gia giao thông đều không được phép sử dụng rượu bia. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, bất kể mức nào, sẽ phải chịu mức xử phạt khá nặng.
“Nếu trước kia vào giờ tan tầm, quán chật kín khách thì khoảng một tuần trở lại đây, lượng khách giảm hẳn. Ước tính giảm khoảng từ 70-80% so với trước kia”, ông Thanh cho biết. “Lượng khách ít nên nhà hàng cũng đã giảm số lượng nhân viên phục vụ. Nếu trước kia 10 người, có khi 15 người thì nay chỉ duy trì khoảng 5-6 nhân viên”.
“Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ đóng cửa quán sẽ rất cao”, quản lí nhà hàng này chia sẻ.
Các quán nhậu giảm 70% lượng khách so với trước kia, dù đang "mùa tất niên, liên hoan" cuối năm. (Ảnh: Thiên Trường).
Không chỉ nhà hàng của ông Thanh, mà rất nhiều quán nhậu khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng rơi vào cảnh vắng vẻ khác thường khi Nghị định 100 bắt đầu có hiệu lực.
Theo khảo sát của chúng tôi, các cung đường nổi tiếng với hàng quán nhậu như Lê Quang Đạo, Trần Thái Tông, Tô Hiệu, Trần Đại Nghĩa,… thì nay lượng khách ra vào thưa thớt. Nhiều cửa hàng thậm chí đã đóng cửa với thông báo: Bảo trì.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Thanh Liêm, chủ một quán bia hơi trên đường Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) cho biết, trước kia tầm giờ cao điểm quán đón từ 300 - 400 lượt khách nhậu, nhưng một tuần trở lại đây, lượng khách chỉ còn khoảng 30 - 40 người.
“Lượng khách đến quán giảm, nhưng chi phí thuê mặt bằng, chi phí thuê nhân viên vẫn phải trả, không dừng được”, ông Liêm lo lắng.
Theo ông Liêm, không chỉ quán nhậu của ông mà nhiều hàng quán xung quanh cũng rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” như vậy.
“Bỏ đi cũng không xong mà tiếp tục thì bế tắc. Không có cách nào khiến cho khách quay trở lại như trước kia”, ông Liêm nói.
Quán nhậu này cho biết, trước khi có Nghị định 100, giờ cao điểm quán đón từ 300 - 400 lượt khách nhậu. (Ảnh: Thiên Trường).
Tuy nhiên không hẳn là các quán nhậu đã hết cách và “bó tay” trong công cuộc lôi kéo khách hàng trở lại bàn nhậu.
Tại một quán nhậu trên đường Lê Quang Đạo, Nam Từ Liêm (Hà Nội), ông Nguyễn Điệu, chủ cửa hàng tại đây tiết lộ: “Chúng tôi đang xây dựng phương án thuê thêm mặt bằng trông giữ xe cho khách gửi lại, và bố trí thuê thêm nhân viên có nhiệm vụ đưa khách về tận nhà, sau khi đã nhậu tại quán”.
Chi phí ước tính sẽ đội lên rất nhiều, nhưng “không làm sao biết có thành công hay không. Chẳng lẽ ngồi không chờ dẹp tiệm? Hi vọng lượng khách đến với quán sẽ ổn định trở lại”, ông Điệu chia sẻ.
Trong khi đó, tại một quán nhậu khác trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội), để giữ chân khách hàng, quán nhậu này đã bổ sung thêm các loại đồ uống như bia không cồn, bia chay,… Đi kèm với các loại kẹo, thuốc giải rượu được phát miễn phí.
Ngoài ra nhà hàng này còn tạo sẵn tài khoản để đặt các dịch vụ gọi xe công nghệ như: Grab, Goviet,… cho tất cả khách hàng có nhu cầu.
“Lượng tiêu thụ bia, rượu của quán giảm khoảng hơn một nửa so với thời gian trước. Bia không cồn vẫn chưa được nhiều người đón nhận cho lắm, vì quan niệm uống thế khác gì không uống”, chủ quán nhậu này nói.
Năm 2019, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam đạt 4,6 tỉ lít, tăng 10% so với năm 2018. Tuy nhiên các công ty chứng khoán dự báo, trong năm 2020 thị trường rượu bia khó đạt được con số này.
“Năm 2020 chưa chắc thị trường rượu bia sẽ tăng trưởng ở mức cao như này. SSI nhận định tăng trưởng ở thị trường bia chỉ đạt mức từ 6 -7% trong năm 2020”, bà Trần Thị Thuỳ Trang tại Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư SSI, đưa nhận định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của hai ông lớn ngành rượu bia là Sabeco và Habeco đã sụt giảm từ 0,4 - 0,8%. Trong khi đó trị giá cổ phiếu toàn ngành giảm gần 13% trong năm 2019.
“Trước khi Nghị định 100 ra đời, đà tăng trưởng cố phiếu cũng đã chậm lại. Giá cổ phiếu của Habeco và Sabeco cũng nằm trong dòng chảy sụt giảm đó”, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chia sẻ.
Các chuyên gia dự báo ngành bia rượu sẽ điều chỉnh theo hướng co hẹp trong năm 2020. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực yếu sẽ chịu tác động lớn nhất và dần bị mất thị phần. Bức tranh thị phần sẽ cơ cấu lại vào những thương hiệu mạnh, nổi tiếng lâu đời tại Việt Nam.
Dựa trên những nhận định trên, SSI dự báo trong năm 2020 sẽ là một năm nhiều triển vọng đối với ông lớn Sabeco, với doanh thu ước đạt 44,4 tỉ nghìn tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2019.
Tuy nhiên để đạt được dự báo này, các doanh nghiệp mạnh như Habeco hay Sabeco, trong dài hạn được các nhà kinh tế khuyến cáo nên tập trung vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu.