Bình luận về kết quả Hội nghị Trung ương 7, nhất là Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa, Xã hội của Uỷ ban T.Ư MTTQ VN cho rằng, việc T.Ư thống nhất ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ là rất đúng. Bởi nhiều năm trở lại đây, vấn đề “chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm “người nhà”, “người thân”, bổ nhiệm “thần tốc”… gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Túc bày tỏ tin tưởng Nghị quyết về công tác cán bộ được T.Ư thông qua sẽ góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền. |
Dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư trong phiên bế mạc Hội nghị rằng, cần “cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp”, ông Túc cho rằng, nếu thực hiện có hiệu quả vấn đề trên sẽ góp phần chống được nạn “chạy chức, chạy quyền”.
“Cán bộ tốt hay xấu, nhân dân biết cả đấy. Nhưng do lâu nay quy trình cán bộ của chúng ta tương đối khép kín nên nhân dân không thể biết nhân sự được bổ nhiệm hoặc cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo là ai để mà góp ý, phản ánh”, ông Túc nói.
Để chặn đứng thực trạng trên, theo ông Túc, Đề án đã đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn như phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công tác cán bộ. “Người ta có thể chạy được ông A, ông B, ông C…; có thể che dấu vi phạm trước cơ quan thanh tra, kiểm tra nhưng làm sao mà che dấu được tai mắt của nhân dân”, ông Túc nói.
Do đó theo ông Túc, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược thì các cơ quan chức năng cần phải sửa đổi, ban hành các quy định về công tác cán bộ, trong đó chú ý thiết lập “kênh” để lắng nghe ý kiến đa chiều của nhân dân về nhân sự cán bộ cấp chiến lược” để lựa chọn người có tài, đức cho bộ máy.
“Trước khi quy hoạch, bổ nhiệm các nhân sự vào các vị trí lãnh đạo, cơ quan chức năng cần lắng nghe, tìm hiểu đánh giá của người dân về cán bộ đó. Nếu thấy phản ánh của người dân về cán bộ đó là “xấu” thì phải xác minh xem có đúng hay không? Nếu thấy đúng thì phải loại bỏ ngay, chứ “cố” đưa vào, sẽ phá hoại sự phát triển của đất nước”, ông Túc nói.
Ông Túc cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Nghị quyết tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược sau khi được ban hành sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, góp phần đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm “thần tốc”, “siêu tốc”.
Bế mạc Hội nghị T.Ư 7: Đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức quyền
“Trung ương đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, họ hàng trong công tác cán ... |