Dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ từ sự kiện xem bóng đá ngoài trời

“Các đơn vị tổ chức sự kiện dự định tổ chức sự kiện trình chiếu Premier League cho công chúng phải được sự đồng ý của MP&Silva, của đơn vị được cấp phép chính thức và của Premier League trước khi tiến hành tổ chức các sự kiện đó ở ngoài trời.”, đơn vị phân phối bản quyền giải Premier League ở khu vực Châu Á khẳng định.
dau hieu vi pham quyen so huu tri tue tu su kien xem bong da ngoai troi
Ảnh minh họa - Nguồn: Dân Trí

Khoảng giữ năm 2017, VTVCab thông báo sẽ không chiếu các trận bóng đá trong UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL). Lý do được đưa ra là VTVCab đã không ngăn chặn được các hành vi xâm phạm bản quyền diễn ra ồ ạt trên lãnh thổ Việt Nam.

“Nếu như bị vi phạm thì đơn vị mua bản quyền chịu trách nhiệm cho tất cả các hành vi đó và sẽ bị cắt nếu như không bảo vệ được bản quyền tại khu vực mình đang phát sóng,” ông Huấn Tổng Giám Đốc VTVCab đã chia sẻ với giới báo chí về quy định của Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA trong Họp báo công bố bản quyền phát sóng UEFA Champion Cup Leauge 2017-2018.

Hình phạt mà KJSM dành cho VTVCab đồng nghĩa với việc khán giả Việt Nam không được thưởng thức những trận cầu đỉnh cao ấy nữa.

Sự việc bắt từ việc nhiều khán giả Việt Nam tiếp tay hoặc trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm rồi cũng chính họ lại phải gánh chịu sự thiệt thòi lớn nhất, mà có khi chính bản thân người vi phạm cũng không biết hành vi của mình là vi phạm.

Nắm bắt được tầm quan trọng của vấn đề, mới đây, đơn vị sở hữu quyền phát sóng độc quyền giải đấu Ngoại Hạng Anh đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo đối với hành vi xâm phạm xảy ra đối với các chương trình phát sóng độc quyền của mình, tuy nhiên lần này hành vi xâm phạm không diễn ra trên môi trường mạng mà lại ngang nhiên thực hiện tại cộng đồng.

Có lẽ việc tổ chức thành từng nhóm nhỏ những người có cùng đam mê bóng đá để cùng ngồi xem các trận đấu kinh điển không còn là hình ảnh xa lạ trong mắt người dân Việt Nam trong những năm qua.

Thế nhưng, thời gian gần đây lại nổi rộ lên phong trào tổ chức các sự kiện xem bóng đá ngoài trời với quy mô lớn. Các đơn vị tổ sự kiện này tổ chức quảng cáo, kêu gọi thu hút số lượng lớn các fan hâm mộ bóng đá cùng tập trung tại 1 địa điểm để cùng theo dõi những trận đấu đỉnh cao trên màn hình lớn.

Song song với việc chiếu các trận đấu bóng đá, nhằm thu hút số lượng lớn người tham gia các sự kiện này, các đơn vị này còn tổ chức thêm các hoạt động giải trí xung quanh như đố vui có thưởng, mời khách mời nổi tiếng, sự kiện âm nhạc.

Với quy mô lớn và chuyên nghiệp như vậy, dĩ nhiên người tham gia sự kiện phải trả một khoản tiền nhất định để tham gia.

Sẽ không có nhiều vấn đề để nói nếu nội dung các trận đấu bóng đá được trình chiếu tại các sự kiện này được sự cho phép của chủ sở hữu quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như tất cả các trận đấu được chiếu tại các sự kiện này hầu hết đều chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền.

Như vậy câu hỏi đặt ra ở đây là việc trình chiếu các trận đấu của các giải đấu lớn như Ngoại Hạng Anh hay La Liga cho số lượng lớn người xem như vậy có phải là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không?

Trao đổi về vấn đề này, đại diện phía MP&Silva, đơn vị phân phối bản quyền giải Premier League ở khu vực Châu Á, khẳng định: “Các đơn vị tổ chức sự kiện dự định tổ chức sự kiện trình chiếu Premier League cho công chúng phải được sự đồng ý của MP&Silva, của đơn vị được cấp phép chính thức và của Premier League trước khi tiến hành tổ chức các sự kiện đó ở ngoài trời.”

Khi đề cập đến việc có rất nhiều người cho rằng nếu họ lấy sóng từ nước ngoài (chẳng hạn như Nga), thì sẽ không vi phạm bản quyền. MP&Silva nhấn mạnh: “Chỉ có MP & Silva và những đơn bị được cấp phép chính thức ở Việt Nam như K+ mới được phép phát sóng Premier League trong phạm vi lãnh thổ. Một đơn vị chưa được cấp phép lấy sóng của Premier League từ các đơn vị khác bên ngoài Việt Nam để phát trực tiếp chiếu cho những khán giả trong nước xem là hành vi vi phạm bản quyền.”

Nhằm làm rõ hơn các khía cạnh pháp lý của vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Vũ Tuấn – phó chủ tịch hội sở hữu trí tuệ kiêm trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam.

“Thông thường để các đơn vị này chiếu trực tiếp một trận đấu bóng đá lên màn hình lớn thì khả năng cao nhất có thể xảy ra trong trường hợp này là các đơn vị này sẽ lấy chương trình phát sóng trực tiếp nội dung các trận đấu này từ một nguồn trong nước hoặc từ nguồn nước ngoài.

Trong trường hợp này, tôi chỉ bàn về “chương trình phát sóng” được bảo hộ dưới hình thức quyền liên quan đến quyền tác giả của tổ chức phát sóng.

Về nguyên tắc khi tham gia các hiệp định, hiệp ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, Việt Nam luôn đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia đối với các nước thành viên tham gia hiệp được, hiệp ước. Theo đó đối với các chủ sở hữu quyền dù là trong nước hay ngoài nước thì pháp luật quốc gia của Việt Nam đều được áp dụng tương tự như nhau.

Đối với đối tượng bảo hộ là chương trình phát sóng, thì pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định rất rõ rằng các tổ chức phát sóng được quyền độc quyền thực hiện việc Phát sóng, tái phát sóng, Phân phối đến công chúng, Định hình hoặc Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.

Vì vậy, việc sử dụng chương trình phát sóng của các đơn vị tổ chức sự kiện phải được sự cho phép của tổ chức phát sóng. Việc không xin phép mà tự ý phân phối chương trình phát sóng đến công chúng là hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ”, luật sư Tuấn chia sẻ.

Trên thực tế, đã có nhiều đơn vị tổ chức sự kiện đã bị chính các chủ sở hữu quyền thông qua sự hỗ trợ của cơ quan chức năng tiến hành ngăn chặn và yêu cầu hủy các sự kiện xem bóng đá ngoài trời này.

Điển hình như trong năm 2016, một sự kiện được nhiều người biết đến là sự kiện xem bóng đá ngoài trời BIG OFF 3 nhằm chiếu trận đấu giữa ManChester united – Arsenal thuộc khuôn khổ giải Ngoại Hạng Anh do công ty tổ chức sự kiện là An Media tổ chức với quy mô hơn 5000 người đã bị buộc thông báo hủy bỏ sự kiện khi bị chính chủ sở hữu chương trình phát sóng các trận đấu giải Ngoại Hạng Anh tại Việt Nam tiến hành xử lý.

Hay gần đây nhất là sự kiện Big offline Đêm hội Premier league được quảng cáo rầm rộ trên nhiều diễn đang facebook vào tháng 9 năm nay về việc phát sóng trận đấu Chelsea – Arsenal và Manchester United –Everton cũng đã buộc phải thông báo hủy khi bị cơ quan chức năng xử lý.

MP & Silva cũng có lời khuyên những tổ chức phát sóng chính thức Premier League nên tiến hành các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với việc phát sóng các chương trình nghe-nhìn để đảm bảo chỉ có những khán giả có quyền mới được tiếp cận chương trình Premier League chất lượng cao.

Khuyến khích các tổ chức phát sóng xác định nguồn nơi sóng bị lấy cắp và cố gắng hết sức ngăn chặn hành vi phát sóng đó cùng với sự trợ giúp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Họ vẫn hi vọng rằng, sự quyết liệt của các chủ sở hữu, của các cơ quan hữu quan và người hâm mộ chân chính sẽ đẩy mạnh công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.

Theo nghị định 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì mức phạt hành chính cho từng hành vi vi phạm đến chương trình phát sóng được quy định như sau:

Điều 30. Hành vi xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng

1. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao bản định hình chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 31. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản sao chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 32. Hành vi xâm phạm quyền định hình chương trình phát sóng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi định hình chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 33. Hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản định hình chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.