Làng dệt chiếu trên 100 năm hút hồn du khách nước ngoài | |
Ngắm ngôi nhà đẹp như resort ở Nha Trang, được báo nước ngoài hết lời ca ngợi |
Nhà thơ Giang Nam sinh năm 1929, tên thật là Nguyễn Sung, quê quán xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, từng giữ chức vụ quan trọng như Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định, tổng biên tập báo Văn Nghệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa… Ảnh: Khải An |
Từ 4 câu thơ định mệnh...
Khánh Hòa, những ngày này trời se lạnh, đường phố ngập tràn sắc hoa, trong căn nhỏ đậm nét xưa cũ nằm giữa trung tâm TP Nha Trang, nhà thơ Giang Nam ngồi bên chén trà bắt đầu câu chuyện thơ văn của mình ở xứ Trầm Hương.
Cụ kể, khi đang học bậc cao đẳng tiểu học ở trường trung học Võ Tánh thì Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945. Giới trí thức ngày đó rất hoang mang về tương lai nhưng ông đã chọn cho mình con đường tham gia Việt Minh, truyền bá chữ quốc ngữ cho đồng bào.
“Ngày 23/10/1945, một tháng sau khi Nam Bộ kháng chiến, tôi mới 16 tuổi đã cầm súng tham gia tấn công địch ở mặt trận Nha Trang, bao vây thị xã 101 ngày. Khi đó tôi chỉ nghĩ làm sao cho đất nước độc lập tự do”, ông nhớ lại.
Cơ duyên đến với văn thơ của cụ Giang Nam dần rõ nét khi tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thành lập và ra mắt tờ báo Thắng vào năm 1947, tại chiến khu Hòn Dữ.
Vào thời điểm này, khi đang làm trưởng ban thông tin xã, nhân chủ trương “Tiến về làng”, chàng thanh niên Nguyễn Sung đã gửi 4 cầu thơ “Khói ai phơ phất bên đèo/ Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không?/ Quê làng người đợi kẻ trông/ Sao anh chưa xuống núi để em mong ngày ngày” cho báo Thắng và được đăng trang 3.
Chính 4 câu thơ ngày ấy, tháng 5/1948, tỉnh ủy Khánh Hòa điều ông lên chiến khu làm cán bộ Ty Thông tin Khánh Hòa, sau đó làm biên tập viên, rồi trở thành thư ký tòa soạn báo Thắng.
Nhà thơ Giang Nam kể về hoàn cảnh sáng tác bài Quê Hương. Ảnh: Khải An |
Sau 1954, nhà thơ Giang Nam được làm giấy tờ giả để hoạt động nội thành Nha Trang, bố trí làm công nhân cưa gỗ cho người chủ tên Bữu Khiêm. Gia chủ có vợ là chánh án tòa án Nha Trang. Đây cũng là thời gian ông phải xa cách vợ vì bà hoạt động bí mật ở miền Nam.
Ở Nha Trang, ông tiếp tục tham gia tờ báo Gió Mới chống Mỹ - Ngụy. Tờ Gió Mời là báo của Đảng công khai duy nhất ở Nam Trung bộ thời điểm bấy giờ. Ngay ở số thứ 2, ông đã được đăng bài thơ “Chiều trên bến Điệp” với nội dung phản chiến.
Giai đoạn này, chính quyền bắt các báo đăng bài theo chủ trương thanh niên đứng dậy đánh ra miền Bắc nhưng ông Giang Nam với bút danh Lê Minh lại có bài kêu gọi hòa bình. Vụ việc khiến tổng biên tập báo Gió Mới bị triệu tập, cảnh cáo và yêu cầu báo đăng mời tác giả Lê Minh lên tòa soạn có việc.
“Rất may tôi cẩn thận nhờ người không liên quan đưa thư đến tòa soạn. Anh Mai Xuân Cống, Tổng biên tập Gió Mới, nhận được thư này và hẹn gặp. Anh Cống cho biết tòa soạn đã bị kiểm soát thư tín nên cho địa điểm khác gửi bài. Báo ra được hơn 10 số thì đóng cửa, anh Cống bị bắt đày ra Côn Đảo”, nhà thơ lão thành cách mạng nhấp ngụp trà kể với giọng đầy tiếc nuối.
Nhà thờ Giang Nam kể về cuộc gặp gỡ với Hội nhà văn tại Hà Nội nhân kỷ niệm 70 thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Khải An |
Sự nghiệp văn thơ của nhà thơ Giang Nam sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến bài thơ Quê hương ra đời năm 1960 trên chiến khu ở Khánh Hòa.
“Khi đó, tôi nhận được tin người vợ và con gái đầu lòng bị Mỹ - ngụy sát hại trong tù theo luật 10/59 ở Biên Hòa. Trong tâm trạng mất người yêu thương, mất vợ con, đau đớn quá lớn. Tôi viết bài thơ cho mình, tôi tin nếu vợ tôi bị giết thì linh hồn của cô cũng yên tâm…”, nhà thơ Giang Nam nói với giọng vẫn còn xúc động.
Rồi ý thơ đến một cách tự nhiên với những câu từ mượt mà, đầy hình ảnh nhưng da diết đến nao lòng. “…Giặc bắn em rồi quăng mất xác/Chỉ vì em là du kích, em ơi!/ Đau xé lòng anh, chết nửa con người!/Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”. Năm 1961, bài thơ được giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ và được phổ biến ở miền Bắc.
Nhắc lại những ý thơ bất hữu đó, cụ kể: “Sau khi rút khỏi Nha Trang, tôi được đoàn tụ với vợ ở Biên Hòa. Sau đó tổ chức yêu cầu rút về chiến khu Khánh Hòa tiếp tục kháng chiến. Năm 1958, người giao liên bị bắt, vợ tôi bị giam ở nhà tù Chí Hòa”.
Rồi nhà thơ Giang Nam nhận được tin vợ và con gái bị bắn chết nhưng đến năm 1962, vợ ông dắt theo người con 4 tuổi ra tòa án binh. Vị luật sư đứng trước tòa nói: “Nếu tuyên án 5 năm thì bị cáo phải ra Côn Đảo. Nếu tuyên án như vậy thì đồng nghĩa thêm một bản án tử cho cháu bé 4 tuổi. Hẳn các vị ở đây ai cũng có con nhỏ...”.
Tuổi đã cao nhưng cụ Giang Nam vẫn minh mẫn và thường "bầu bạn" với sách vở. Ảnh: Khải An |
Sau đó, tòa tuyên 4 năm và người vợ Giang Nam được phóng thích tại tòa. Điều bất ngờ năm 1973, khi gặp lại ở đất thép Củ Chi, người vợ cho biết đã rất cảm động khi đọc được bài thờ của chồng viết về mình khi còn ở nhà tù Chí Hòa.
Nói về thơ của cụ Giang Nam, NSƯT đạo diễn Phạm Việt Tùng: "Thơ Giang Nam được nhận xét rất có tình. Sau này, khi tiếp xúc với Giang Nam tôi cảm nhận được nhân cách của ông. Đó là điều khiến tôi rất nể phục Giang Nam khi ông tự nhận mình chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn để làm hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh dù được gợi ý, đề cử”.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình nhà thơ Giang nam có 8 tập thơ, 4 tập truyện, bút ký. Ngoài giải nhì với bài thơ Quê Hương, cụ còn đạt giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa (1975-2000, 2001-2005), Giải thường Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I (2001) với 3 tập thơ… Mới đây nhất trong kỷ niệm 70 thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957 – 2017), ông được vinh danh là một trong những nhà văn lão thành nhất hiện nay. Khi thăm đền Hùng, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hội Nhà văn phải đảm bảo sức khỏe cho ông Giang Nam. |
ĐH Bách khoa HN tổ chức Gala 'Đêm nhạc Phú Quang - Gửi một tình yêu'
Với chủ đề ĐÊM NHẠC PHÚ QUANG – GỬI MỘT TÌNH YÊU, hứa hẹn sẽ mang đến một không gian âm nhạc tinh tế với ... |