Dạy học tích hợp: Kinh nghiệm từ thế giới

Tiếp tục cuộc trao đổi, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới giới thiệu kinh nghiệm xây dựng các môn học tích hợp ở nước ngoài và giải pháp của Chương trình GDPT mới.

Tiếp tục cuộc trao đổi, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới giới thiệu kinh nghiệm xây dựng các môn học tích hợp ở nước ngoài và giải pháp của Chương trình GDPT mới.

- Chương trình GDPT của các nước phát triển xây dựng các môn học tích hợp như thế nào?

Dạy học tích hợp đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu của thế giới; mức độ tích hợp khá đa dạng.

Số nước có môn Khoa học tự nhiên thay cho 3 môn học riêng rẽ là Vật lí, Hoá học và Sinh học ở cấp THCS chiếm tỉ lệ cao trong số các QG có nền GD phát triển như Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ,... Điều này cho thấy việc thiết kế môn học tích hợp Khoa học tự nhiên ở THCS trong Chương trình GDPT mới của Việt Nam là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Việc tích hợp Lịch sử và Địa lí thành một môn học (Lịch sử và Địa lí/Khoa học xã hội/Nghiên cứu xã hội) tuy không phổ biến như môn Khoa học tự nhiên nhưng cũng đã thực hiện ở nhiều QG có nền giáo dục phát triển như Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp,...

- Chương trình GDPT mới của Việt Nam có giải pháp như thế nào để xây dựng các môn tích hợp phù hợp với thực tiễn dạy và học ở nước ta?

Dạy học tích hợp có nhiều ưu thế, nhưng cũng gây ra một số e ngại nhất định. Chẳng hạn, Jones Casey trong bài viết “Quan điểm liên môn – Ưu điểm, hạn chế và các lợi ích tương lai của các nghiên cứu liên môn” (2009) lưu ý: Nếu chỉ “nhăm nhăm” vào kiến thức liên môn, tích hợp thì có thể rời xa kiến thức cốt lõi của môn học, vì khi chú ý đến kiến thức liên môn, giáo viên sẽ chú ý đến phần giao nhau giữa các môn học, mà phần giao ấy là nơi thể hiện ít hơn đặc trưng của môn học.

Những người biên soạn Chương trình GDPT mới của Việt Nam đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp với mỗi môn học để phát huy hiệu quả, đồng thời bảo đảm kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế giáo dục của nước nhà.

Trong chương trình môn Khoa học tự nhiên, bên cạnh việc thiết kế nội dung theo các chủ đề chung như Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và Bầu trời, chương trình hướng dẫn HS tìm hiểu một số vấn đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khoẻ, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường...

Trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí, bên cạnh việc thiết kế các nội dung của phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ cho nhau, chương trình còn tạo cơ hội cho HS tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như: Các cuộc đại phát kiến địa lí, Đô thị - Lịch sử và hiện tại, Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ngoài 4 chủ đề có tính tích hợp cao đã được lựa chọn, theo nguyên tắc “mở” của chương trình, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TW có thể bổ sung những chủ đề liên quan đến lịch sử, địa lí trong nội dung giáo dục của địa phương.

Phương thức và mức độ tích hợp như trên không vượt quá năng lực dạy học của giáo viên và khả năng tiếp nhận, vận dụng kiến thức của học sinh. Đây là một phương thức tích hợp ở mức độ phù hợp.

Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn thử nghiệm dạy học tích hợp ở Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy việc xây dựng chương trình môn học tích hợp giúp HS có cơ hội vận dụng kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, giúp HS phát triển được những phẩm chất và năng lực mà Chương trình GDPT kì vọng.

Ngoài ra, nó còn giúp tránh được sự trùng lặp kiến thức nếu dạy ở nhiều môn học, góp phần giảm tải so với chương trình hiện hành. Trong thực tiễn dạy học lâu nay, nhiều giáo viên đã vận dụng cách dạy học tích hợp. Tuy nhiên, nếu quan điểm tích hợp được quán triệt ngay từ khâu thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa thì giáo viên sẽ vận dụng thuận lợi hơn và hiệu quả hơn.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên để dạy các môn học tích hợp như thế nào?

Trước năm 1975, việc một GV (giáo viên) dạy cả 2 môn như Vật lí - Hóa học, Lịch sử - Địa lí rất phổ biến. Nhiều GV hiện nay cảm thấy khó khăn khi dạy môn tích hợp là do chương trình đào tạo sư phạm và thói quen dạy đơn môn trong mấy chục năm gần đây.

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV dạy học tích hợp.

Các trường sư phạm đang xây dựng chương trình đào tạo GV các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí và chương trình bồi dưỡng GV đơn môn để dạy các môn học này.

Theo dự kiến, GV dạy môn Lịch sử và môn Địa lý trong chương trình hiện hành sẽ học khoảng 20 tín chỉ để dạy môn Lịch sử và Địa lí ở THCS. Đối với môn Khoa học tự nhiên, cách bồi dưỡng cũng tương tự.

Từ nay cho đến khi áp dụng Chương trình mới ở cấp THCS còn gần 3 - 4 năm chuẩn bị, cho nên chương trình bồi dưỡng này hoàn toàn có tính khả thi.

Đối với một số trường hợp đặc biệt như GV gần đến tuổi nghỉ hưu thì có thể áp dụng phương án bố trí mỗi GV dạy một mạch nội dung phù hợp trong môn tích hợp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với GV dạy mạch nội dung khác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không nên kéo dài.

day hoc tich hop kinh nghiem tu the gioi

Bìa phụ sách giáo khoa môn Khoa học xã hội và nhân văn của Nhà xuất bản Đại học Cambridge viết theo chương trình của Australia

day hoc tich hop kinh nghiem tu the gioi

Mục lục sách giáo khoa môn Khoa học xã hội và nhân văn của Nhà xuất bản Đại học Cambridge viết theo chương trình của Australia

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.