Chương trình môn Ngữ văn mới: Bất cập giữa yêu cầu đổi mới và thực trạng đội ngũ giáo viên

Đầu năm 2018, Bộ GDĐT công bố chương trình Ngữ văn mới với nhiều sự thay đổi về mục đích, nội dung, theo hướng lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả 3 cấp học. Tuy nhiên, bất cập là chủ thể thực hiện chương trình vẫn là đội ngũ giáo viên hiện tại, với tư duy, cách làm cũ, sức ỳ lớn.
chuong trinh mon ngu van moi bat cap giua yeu cau doi moi va thuc trang doi ngu giao vien

Giờ thao giảng môn Ngữ văn tại một trường học trên địa bàn TPHCM. Ảnh: ST

Đầu năm 2018, Bộ GDĐT công bố chương trình Ngữ văn mới với nhiều sự thay đổi về mục đích, nội dung, theo hướng lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả 3 cấp học. Tuy nhiên, bất cập là chủ thể thực hiện chương trình vẫn là đội ngũ giáo viên hiện tại, với tư duy, cách làm cũ, sức ỳ lớn.

Chú trọng kỹ năng thực hành giao tiếp

Được công bố vào gày 19.1.2018, chương trình Ngữ văn mới đã thay đổi hoàn toàn so với chương trình hiện hành về nhiều phương diện. Đặc biệt, nếu như chương trình hiện hành thiên về rèn luyện kỹ năng viết, làm văn với kiến thức hàn lâm, chuyên sâu về văn học, thì chương trình mới đã hướng chủ đạo về kỹ năng giao tiếp, với kiến thức đa dạng, gần gũi với thực tế cuộc sống, đáp ứng những nhu cầu giao tiếp, lập nghiệp, sinh hoạt của công dân.

Bên cạnh hệ thống tác phẩm văn học tiêu biểu qua các thời kỳ, các kiến thức về lý luận văn học, ngôn ngữ học, chương trình Ngữ văn mới tập trung rèn luyện các kỹ năng, yêu cầu giao tiếp trong xã hội hiện đại, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của cuộc sống.

Giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình được thiết kế tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức văn học và tiếng Việt được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh có thể đọc, viết, nói và nghe hiểu các kiểu loại văn bản phổ biến và thiết yếu, gồm văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày và học tập tốt các môn học khác.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, chương trình môn học củng cố và phát triển các kết quả của giai đoạn giáo dục cơ bản, nâng cao năng lực giao tiếp, yêu cầu cao hơn về năng lực tiếp nhận, nhất là với văn bản văn học; tăng cường năng lực tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về chủ đề và kĩ thuật viết, qua đó phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và khả năng lập luận; đồng thời giúp học sinh học sâu hơn về tác phẩm văn học, trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học.

Ngoài ra, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề, nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp.

Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở; chú trọng phát triển năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, kỹ năng nói và nghe được chú trọng ở 3 cấp học, với những mức độ khác nhau. Ở cấp THPT, yêu cầu nói và nghe linh hoạt; biết tham gia tranh luận về những vấn đề tồn tại các quan điểm trái ngược nhau.

Qua thực hành giao tiếp, nắm được phương pháp, quy trình tiến hành 1 cuộc tranh luận; nắm bắt và đánh giá được quan điểm trái ngược với mình để tranh luận một cách hiệu quả; có thái độ cầu thị và văn hoá tranh luận phù hợp; có khả năng nghe thuyết trình và đánh giá được nội dung cũng như hình thức biểu đạt của bài thuyết trình; có nhu cầu, hứng thú thể hiện chủ kiến, cá tính trong tranh luận.

“Vướng” đội ngũ giáo viên

Sự đổi mới của chương trình Ngữ văn là cần thiết, phù hợp với xu thế và yêu cầu giáo dục. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình là đội ngũ giáo viên, lực lượng đóng vai trò chủ đạo, quyết định sự thành công của chương trình.

Đội ngũ giáo viên hiện tại được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, có không ít giáo viên giỏi, tâm huyết, sáng tạo. Tuy nhiên, đội ngũ được đào tạo bởi giáo trình cũ, đã quen thuộc với chương trình hiện hành, thiên về giảng dạy kiểu “đọc - chép”, chú trọng kiến thức văn học hàn lâm và kỹ năng tạo lập văn bản viết, hầu như không chú trọng kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói.

Ngay cả giáo viên, nhiều người vẫn yếu về kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói cũng như tạo lập các văn bản hành chính, nhật dụng.

Một chuyên viên Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên là khâu rất đáng lo. Sức ỳ của nhiều giáo viên rất lớn, thường làm việc theo kiểu đối phó, ít chịu khó đọc sách báo, nghiên cứu, cập nhật kiến thức chuyên môn; một số giáo viên có kiến thức nền tảng còn kém những học sinh giỏi. Nếu áp dụng chương trình mới mà đội ngũ giáo viên không “chuyển mình” thì rất bất cập”.

Trước đây, một số địa phương như Nghệ An đã đề nghị Bộ GDĐT cho lùi thời gian thực hiện chương trình mới để có thời gian chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất, tuyên truyền… Tuy nhiên, thực tế là việc chuẩn bị chưa được bao nhiêu, vì toàn bộ hệ thống giáo dục vẫn đang tất bật lo thực hiện chương trình hiện hành. Nhiều giáo viên vẫn chưa đọc, chưa rõ về chương trình giáo dục mới, với tâm thế “đã có lãnh đạo lo”, “đến đâu hay đó”.

Đổi mới giáo dục chỉ thành công khi được tiến hành đồng bộ, trong đó đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định. Thậm chí, giáo viên phải là lực lượng tiên phong đổi mới, và tự đổi mới. Trước thực trạng như hiện nay, nhiều chuyên gia, giáo viên có chuyên môn cao và tâm huyết lo ngại chương trình mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khó đạt được mục tiêu đề ra.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.