Đẩy nhanh thủ tục thẩm định báo cáo khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo khi chủ trì họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chiều 17/9.

Trước đó hồi tháng 7, Thủ tướng gợi ý cần đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hoàn thành 1.541 km đường sắt tốc độ cao qua 20 tỉnh, thành phố trong 10 năm, phấn đấu xong năm 2035. Để đạt mục tiêu, cần nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất; nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước năm 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, chiều 17/9. (Ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo nhà đầu tư, nhà thầu nhanh chóng hoàn thành cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; Biên Hòa - Vũng Tàu; Hòa Liên - Túy Loan trong năm 2025; dự án thành phần hai Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường Hồ Chí Minh. Bộ cần sớm tổng hợp ý kiến các đơn vị, hoàn thiện báo cáo Thường trực Chính phủ phương án mở rộng đoàn TP HCM - Long Thành.

Ông cũng yêu cầu địa phương chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu thi công cao tốc; hoàn thiện thủ tục cấp mỏ để không ảnh hưởng tiến độ, nhất là Đồng Nai và TP HCM. Các đơn vị thi công ba ca, bốn kíp để hoàn thành các dự án thuộc danh mục 3.000 km theo kế hoạch đến năm 2025. Vành đai 3 TP HCM (đoạn qua Đồng Nai và Bình Dương), Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai), Tuyên Quang - Hà Giang (Tuyên Quang) đang chậm tiến độ, cần "nỗ lực vượt bậc" để đảm bảo tiến độ đề ra.

Các tỉnh khối lượng thi công thấp như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bắc Ninh cần tập trung tháo gỡ về vật liệu xây dựng, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tại những nơi đã có mặt bằng. Tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Hà Nội sớm khởi công dự án thành phần ba Vành đai 4.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. TP HCM kiểm soát tiến độ để đưa vào khai thác đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên trong tháng 11.

Người đứng đầu Chính phủ giao địa phương sớm phê duyệt nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu; Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP; TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Lâm Đồng cần phê duyệt cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trong tháng 10. TP HCM gỡ vướng để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư Vành đai 4. Hà Nội báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Toàn quốc có 40 dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm quốc gia, với 92 dự án thành phần, đi qua 48 tỉnh thành. Sau 13 phiên họp, đến nay cả nước đã hoàn thành 2 dự án với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông và Tuyên Quang - Phú Thọ, tổng chiều dài hơn 670 km. Cả nước đang thi công 1.700 km cao tốc và chuẩn bị khởi công thêm 1.400 km nữa.

chọn
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn nhà nước đồng loạt báo lãi
Nửa đầu 2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản có vốn nhà nước lần lượt báo lãi sau thuế. Một số trường hợp ghi nhận doanh thu trên nghìn tỷ như Sonadezi, Viglacera, Tổng công ty HUD, Hancorp hay Tổng công ty 319...