Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Chính phủ báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (dự án). Trong đó, Bộ này đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án với công suất 20 triệu khách/năm, tổng vốn khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, trong giai đoạn chủ trương đầu tư, phương pháp tính toán và dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án như ACV đưa ra như trên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở bước lập báo cáo khả thi, ACV cần tiếp tục rà soát quy mô, khối lượng các hạng mục.
"ACV phải chịu trách nhiệm về nội dung, phương pháp tính toán và sự phù hợp khối lượng, đơn giá để xác định tổng mức đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư", văn bản của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.
Hàng nghìn người đến Tân Sơn Nhất đón người thân từ nước ngoài về quê ăn Tết cổ truyền Kỉ Hợi. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Theo lãnh đạo ACV, tổng mức đầu tư dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự, doanh nghiệp này sẽ xác định chi tiết trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Về quy mô nhà ga, ACV cho hay, tư vấn đã tính toán diện tích theo các số liệu về dự báo vận chuyển hàng không khu vực TP HCM, cũng như các kịch bản khai thác, phân chia lưu lượng vận chuyển giữa các sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành. Ngoài ra, dự án đã tham khảo một số công trình tương tự như các nhà ga Cam Ranh, Vân Đồn, Đà Nẵng, Cát Bi, T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất...
ACV đề xuất thực hiện toàn bộ dự án trong 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc chuẩn bị đầu tư là 12 tháng và ACV sẽ hoàn tất dự án sau 24 tháng, một tháng cho công tác xin cấp phép hoạt động.
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho rằng, nếu không nhanh chóng nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, bao gồm việc xây mới nhà ga T3 thì "đến một lúc nào đó, thị trường hàng không sẽ bị đóng băng khai thác".
Ông Thanh nói, ngoài xây dựng nhà ga, đường băng của Tân Sơn Nhất cũng phải sửa chữa lại và đầu tư đồng bộ đường lăn, sân đỗ mới đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách.
Theo báo cáo tiền khả thi, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2. Nhà ga sẽ được trang bị nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại.
ACV cũng đề xuất đầu tư đồng bộ sân đỗ máy bay, đường dẫn trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và sân đỗ ôtô, nhà để xe cao tầng. Toàn bộ tổng vốn đầu tư được ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025, trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách mỗi năm. Do đó, theo ACV, việc xây dựng thêm một nhà ga công suất 20 triệu khách để khắc phục tình trạng tắc nghẽn tại đây là cấp thiết.